Đức Chúa Trời yêu và cứu người có tội. Gia-cốp gạt cha, gạt anh để được cha chúc phước, mục tiêu của ông là thừa hưởng quyền trưởng nam. Quyền lợi nầy sẽ được phần gia tài gấp đôi những người con khác và còn được quyền quản trị gia tộc. Khi Ê-sau khám phá ra việc làm đầy mưu mô của Gia-cốp thì tìm giết ông, đó là lý do ông phải trốn gia đình, trở về quê hương của mẹ tại Mê-sô-bô-ta-mi. Mưu đồ của Gia-cốp khiến ông trở nên kẻ trắng tay. Trên con đường trốn chạy, ông “đến một chỗ kia và nghỉ đêm tại đó” rồi gối đầu bằng một tảng đá. Trong chiêm bao ông thấy Đức Chúa Trời hiện ra và dạy dỗ ông, có thiên sứ lên xuống trên thang. Đức Chúa Trời không trách mắng ông về sự sai phạm của ông, không đối xử với ông theo việc sai trái ông làm. Đức Chúa Trời hứa ở cùng ông, uốn nắn ông để ông trở nên người hữu dụng cho Ngài, và đưa ông lên hàng tổ phụ của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời tái xác nhận lời hứa với Gia-cốp về đất đai và dòng dõi như Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Ngài còn hứa riêng với ông lời hứa về sự bảo vệ. Sự bảo vệ và ở cùng đối với Gia-cốp lúc nầy quan trọng hơn cả gia tài mà ông mong sẽ được trước đây. Dù vậy, Gia-cốp cũngphải chịu trách nhiệm về những gì ông đã gây ra, gặt lấy hậu quả từ việc làm sai trái của mình.
Dù Gia-cốp là người không ngay thẳng nhưng vì lời hứa với Áp-ra-ham, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và ban phước cho ông. Ngoài ra, Ngài còn ban cho ông một lời hứa đặc biệt: “Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu sẽ theo gìn giữ đó… ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta đã làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi”. Câu này nhắc chúng ta nhớ một lời hứa khác của Chúa trong Ê-sai 41:10: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi, phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi.” Đây là lời hứa dành cho Gia-cốp, cho con dân của Chúa ngày xưa, và cũng là lời hứa dành cho tất cả những ai đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu.
Gia-cốp biết Đức Chúa Trời của cha mẹ và ông nội của mình, nhưng ông chưa có kinh nghiệm về Đức Chúa Trời cho riêng mình. Vì chưa kinh nghiệm về Ngài, nên ông tưởng rằng Đức Chúa Trời chỉ hiện diện ở một số nơi mà cha và ông nội ông thờ phượng Ngài. Vì thế, Ngài hiện diện với ông trong chỗ khổ nạn nầy để ông biết Ngài ở khắp mọi nơi, và Ngài theo sát ông để ban phước cho ông.Trọng tâm của phân đoạn này là lời phán của Chúa trong câu 13-15, gồm lời hứa căn bản cho các thánh tổ về đất đai và dòng dõi cũng như phước hạnh mà các dân tộc khác nhận được qua Y-sơ-ra-ên. Câu 15 dành riêng cho Gia-cốp, người đang đối diện với hiểm nguy và Chúa bảo đảm sẽ ở với ông, gìn giữ và đem ông trở lại đất hứa. Có ba lời hứa cho Gia-cốp: (1) Ta ở với ngươi, Gia-cốp, người lang thang. Đây chính là ý nghĩa chiếc thang nối liền trời và đất. Đây là lời hứa cho Giê-rê-mi trong lúc tuyệt vọng và cũng là lời hứa cho mỗi chúng ta. (2) Ta sẽ gìn giữ ngươi, liên hệ đến hành động quan phòng của Chúa. (3) Ta sẽ đem ngươi về xứ này. Đây là tin mừng cho kẻ tha hương, lưu lạc như Gia-cốp.
Sau khi được Chúa hiện đến và hứa ban phước cho ông, Gia-cốp đã tỏ lòng tôn kính Chúa, ông dựng một cái trụ để đánh dấu nơi ông gặp Chúa và gọi đó là “Bê-tên”, nghĩa là Nhà của Đức Chúa Trời, nơi có Đức Chúa Trời ngự. Thật ra Chúa hiện dịện ở khắp mọi nơi, nhiều lúc chúng ta thấy mình thật cô đơn, như phải một mình chống chọi với những khó khăn của cuộc sống, những lúc đó hãy nhớ rằng Chúa bao giờ cũng ở bên cạnh, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.Có những lúc chúng ta phải sống, chiến đấu đơn độc trên đường đời và không có gì cả, nhưng hãy vững lòng vì Đức Chúa Trời sẽ ở cùng, che chở và ban ơnkhi chúng ta đến cùng Ngài với bàn tay không, mở ra để cầu xin phước lành của Ngài. Chúa không để cho con cái Ngài phải sống trong sự cô đơn, buồn bả và mất hy vọng.
Xin Chúa giúp chúng ta nhớ rằng lúc nào Chúa cũng ở bên cạnh, dìu dắt chúng ta trong cuộc sống để chúng ta vững lòng tin và luôn biết ơn Ngài.