Trang chủ Blog Trang 52

Trước Khi Kết Hôn, Hãy Xem Xét Về Mối Quan Hệ Của Bạn

Tác giả: Rachel Watson

Từ khi tôi ly hôn, người ta cứ hỏi đi hỏi lại: “Khi hẹn hò, hai bạn có thấy lá cờ đỏ nào phấp phới không?” Sự thật là: chẳng có lá cờ nào rực rỡ lắm.

Tôi biết đó không phải là điều họ muốn nghe. Họ muốn biết cách để bảo đảm người họ kết hôn sẽ không làm họ thất vọng. Không khiến họ nản lòng. Người ấy trở thành một con người khác. Nhưng như lời Elisabeth Elliot nói: “bạn kết hôn với một tội nhân.” Bạn kết ước với một con người dễ sai phạm và một tương lai vô định. Nếu bạn cũng kết ước vâng phục bước đi và tìm kiếm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì khi gặp thất vọng cùng thử thách trong hôn nhân, bạn có thể bám lấy Chúa là Đấng không bao giờ từ bỏ hoặc làm con cái Ngài thất vọng.

Dù chẳng ai trong chúng ta có thể đoán trước được tương lai, nhưng chúng ta có thể khôn ngoan đặt những câu hỏi về mối quan hệ của mình trước khi cam kết bước vào hôn nhân. Cách người đặc biệt của bạn cư xử với người phục vụ bữa ăn tối cho các bạn, đối xử với mọi người trong Hội thánh, sử dụng thời gian, đánh giá sự trong trắng của bạn, và sử dụng tiền bạc, đều là những chỉ dấu cho bạn biết trước hình ảnh người phối ngẫu của mình trong tương lai.

Khi bị bao trùm bởi cảm xúc lãng mạn, thật khó nhìn thấy rõ ràng. Thật lòng, đôi khi chúng ta không muốn thấy rõ, vì khi thấy rõ có thể chúng ta phải chấm dứt mối quan hệ mình đang vui thích hoặc chia tay người mình yêu thương. Nhưng nếu chúng ta yêu Chúa và Lời Ngài, chúng ta sẽ tìm kiếm sự khôn ngoan của Ngài (Gia-cơ 1:5).

Một cách tìm sự khôn ngoan của Ngài là nêu lên một số câu hỏi về người mình đang hẹn hò. Sau đây là bảy câu hỏi.

  1. Người ấy nghĩ gì về Đức Chúa Trời?

W. Tozer nói: “Những gì xuất hiện trong trí chúng ta khi nghĩ về Đức Chúa Trời, chính là điều quan trọng nhất về chúng ta.” Nếu bạn là Cơ Đốc nhân, thì điều người phối ngẫu nghĩ về Đức Chúa Trời cũng phải là điều quan trọng nhất ở người ấy đối với bạn – không chỉ là niềm tin về mặt thần học, mà còn phải là tình yêu tận tụy của họ đối với Chúa. Mẫu người mà bạn muốn cùng xây dựng cuộc đời với mình sẽ phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức yêu mến Chúa (Lu-ca 10:27).

  1. Người ấy nghĩ gì về Hội Thánh địa phương?

Hội Thánh là nàng dâu của Đấng Christ. Nếu người chung sống với bạn nói họ yêu mến Chúa Giê-xu, thì họ cũng phải yêu nàng dâu của Ngài. Họ sẽ thấy giá trị của việc đi nhà thờ (Hêb 10:25). Họ sẽ không có thói quen nói hành hoặc nhục mạ chi thể trong thân Chúa. Họ sẽ hạ mình theo đuổi mối thông công và chia sẻ trách nhiệm với những thuộc viên tin kính cao tuổi hơn. Vài năm trước, có một người bạn nói với tôi rằng anh không thể nghĩ tới ai đó trong Hội thánh đáng được anh nể trọng đủ để xin lời khuyên. Anh thích hành động đơn độc. Nếu người mà bạn chung sống cảm thấy chẳng cần học hỏi điều gì từ Hội thánh hoặc chẳng có gì để góp phần vào Hội Thánh, thì chẳng những thần học của người đó có vấn đề mà chính bản thân người ấy cũng không quí mến điều được Đấng Christ đánh giá cao.

  1. Người ấy có yêu mến Lời Đức Chúa Trời không?

Người bạn đời của bạn có “hết lòng” tìm kiếm và tra cứu Kinh Thánh không? (Thi 119:2). Dĩ nhiên người ấy sẽ không trọn vẹn giữ theo lời Kinh Thánh – chẳng ai trong chúng ta làm được như vậy – nhưng người ấy có không ngừng rèn luyện để trở nên giống Đấng Christ nhiều hơn không? Tất cả chúng ta đều giống như Ma-thê, phải tranh chiến dữ dội lắm mới dừng được công việc mình đang làm để ngồi nơi chân Chúa Giê-xu. Thế nhưng lượng thời gian chúng ta dành cho Lời Ngài ảnh hưởng trực tiếp đến tình yêu của chúng ta đối với Chúa, cũng như niềm khao khát tăng trưởng trong đời sống Cơ Đốc.

  1. Người ấy có tôn trọng bạn không?

Người ấy có tôn trọng bạn trong lời nói không?

Bạn đời của bạn dùng lời nói để gây dựng hay đánh ngã bạn? Ai cũng có thể và thực sự có thay đổi, nhưng chúng ta kết hôn với người ấy trong hiện trạng của họ, chớ không phải với người có thể trong tưởng tượng. Cách người đặc biệt của bạn trò chuyện với bạn và nói về bạn cho thấy người ấy tôn trọng (hay không tôn trọng) bạn, là người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời.

Người ấy có tôn trọng bạn trong hành động không?

Người có hành vi thô bạo khi hẹn hò là người chắc chắn sẽ có hành vi thô bạo trong hôn nhân – có thể ở mức độ còn nhiều hơn nữa. Mọi tội đều có thể tha thứ, kể cả dễ nóng giận và điên tiết, nhưng cứ tiếp tục hẹn hò với người không muốn trao đổi về việc từ bỏ những thói quen nầy thì không chỉ là thiếu khôn ngoan mà còn nguy hiểm nữa.

Cũng vậy, người bạn đời lúc nào cũng bắt ép bạn phạm tội tình dục, cho thấy người ấy thèm muốn điều gì hơn hết – chắc chắn không phải là sự trong trắng của bạn hoặc sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Qua cách trò chuyện của một số Cơ Đốc nhân trẻ, rõ ràng là có suy nghĩ sai lầm cho rằng hôn nhân giải quyết vấn đề ham muốn tình dục. Không phải như vậy. Liên tục phạm tội tình dục, sử dụng sách báo khiêu dâm, và thiếu tiết chế khi hẹn hò, chắc chắn sẽ mãi theo đuổi con người khi bước vào hôn nhân, nếu không giải quyết dứt khoát và ăn năn. Hơn nữa, ân điển của Chúa mang lại sự tha thứ. Và có thể làm lại từ đầu. Nhưng cách người bạn đời đối xử với sự trong trắng của bạn và của chính họ, cũng là điều không thể làm ngơ mà cần phải xem lại.

  1. Người ấy đối xử thế nào với người khác?

Người ta thường nói rằng cách người nam cư xử với mẹ và chị em gái, suy cho cùng, nói lên cách người ấy đối xử với vợ mình. Cũng vậy, cách người bạn đời của bạn cư xử với người lạ, chẳng hạn người thu ngân trong cửa hàng tạp hóa hoặc với người phục vụ trong nhà hàng, nói lên cách họ nhìn con người nói chung – phẩm hạnh, giá trị, và nhân phẩm. Điều nầy giúp bạn thấy trước cách họ sẽ cư xử với những người bạn muốn phục vụ – bạn bè và gia đình – và cũng cho thấy trước cách họ có thể đối xử với bạn trong hôn nhân một khi đã qua “tuần trăng mật.”

  1. Người ấy sử dụng thời gian và tài chính như thế nào?

Người đó có “không ham tiền” (Hêb 13:5) không? Cách họ tìm kiếm, ban cho, và sử dụng tài chính có phản ánh vị trí ưu tiên trong tình yêu đối với Chúa và với người hay không? Cần có thời gian để tập tành các thói quen nầy. Nhưng điều khôn ngoan là cả hai phải suy nghĩ kỹ về thái độ đối với tiền bạc, vì phần lớn cuộc sống và hôn nhân xoay quanh những quyết định và quản lý về tài chánh.

Cách họ sử dụng thì giờ cũng đáng chú ý. Họ có hiến mình vì người khác, có làm việc chăm chỉ và biết cách thư giãn không? Hay là họ tôn thờ công việc như thần tượng của mình? Họ có lơ là trách nhiệm để có thời gian xem phim ảnh không? Cân bằng giữa việc làm và nghỉ ngơi là điều khó. Điều quan trọng là duy trì các thói quen nầy cho bản thân và cho người phối ngẫu và thảo luận cách các bạn có thể cùng nhau giữ sự quân bình để làm sáng danh Ngài.

  1. Người ấy phản ứng ra sao khi thất vọng và gặp thử thách?

Sau khi chứng kiến chồng tôi từ bỏ đức tin cùng cuộc hôn nhân, tôi càng thấy câu hỏi nầy thật quan trọng đối với mình. Tuy quá khứ không gặp thử thách chẳng phải là khuyết điểm về tâm tánh, nhưng tôi muốn quan sát cách người phối ngẫu tương lai đối phó với sự mất mát lẫn đau buồn. Người ấy có trải qua lửa mà vẫn bám chặt Đấng Christ sau đó không?

Cuộc sống dẫy đầy những nản lòng và thất vọng nho nhỏ. Cũng có những cuộc điện thoại đau lòng và mất mát bất ngờ. Người bạn đời của bạn phản ứng ra sao khi họ không có được điều họ muốn? Cách người ấy phản ứng khi gặp thử thách nói lên mức kiên trì và cũng bày tỏ sự vững vàng trong đức tin của họ.

Hãy Tìm Sự Khôn Ngoan, Đừng Tìm Sự Hoàn Hảo

Trước khi đánh giá người đối diện, cần tự xét xem mình đã ổn chưa. Bạn có phải là mẫu người mà người bạn đời lý tưởng muốn cùng chung sống không? Bạn có thường xuyên cầu xin Chúa gọt giũa những góc cạnh thô nhám của mình không? Nếu không, thì đọc những điểm kể ra ở đây thực sự có thể khiến bạn kiêu hãnh thay vì khôn ngoan.

Đặt những câu hỏi nầy không bảo đảm hạnh phúc hôn nhân, cũng không nhằm đạt tới mức hoàn hảo chỉ có được trong Chúa Giê-xu, mà liên quan đến việc tôn cao Đức Chúa Trời và bước đi trong sự khôn ngoan. Làm ngơ nan đề không làm chúng tan biến và phủ nhận nan đề cũng không củng cố được mối quan hệ của bạn. Nói ra những ưu tư của bạn có thể là việc khó và không dễ chịu, lại còn có thể dẫn tới đổ vỡ mối quan hệ nữa – nhưng nếu bạn yêu Chúa và tin cậy Ngài thì bạn chẳng cần phải sợ nhìn thẳng vào vấn đề.

Người dịch: Khue Tran
Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/before-you-marry-question-your-relationship#

11 Lý Do Để Cùng Thờ Phượng Chúa Với Gia Đình – Phần 2

PHƯƠNG CÁCH THỰC HIỆN GIỜ THỜ PHƯỢNG GIA ĐÌNH

Rất ít người trong chúng ta được sinh trưởng trong gia đình đã hình thành giờ thờ phượng gia đình. Vì thế chúng ta hãy cùng xem một số chỉ dẫn thực tế và hy vọng nó có thể giúp đỡ các gia đình chúng ta trong hành trình mới này.

Tìm Thời Gian Thuận Tiện Nhất

Đây chỉ là giai đoạn thử nghiệm và có nhiều sai sót nhưng hầu hết các gia đình thực hiện việc này tốt hơn ở một số thời điểm trong ngày so với những gia đình khác. Một số trẻ (và cha mẹ!) không thể thực hiện tốt vào sáng sớm vì mệt và cáu gắt. Nếu đó là trường hợp của gia đình bạn, thì đừng cố thử tạo giờ thờ phượng gia đình vào thời gian đó. Hãy thử những thời điểm khác trong ngày và xem lúc nào là tốt nhất cho mọi người. Mỗi gia đình đều khác nhau.

Gặp Nhau Trong Cùng Thời Điểm

Tôi thường lên lịch cho cả tuần. Tôi lên lịch cho những hoạt động khác nhau ở những thời điểm khác nhau và chắc hẳn “giờ gia đình” cũng được ghi tạm trong khoảng thời gian từ 5-8 giờ tối hay một việc nào đó tương tự. Khi vợ tôi cảm thấy hơi bị thiếu quan tâm, cô ấy sẽ nói, “Anh phải lên lịch cho giờ gia đình nữa chứ?” Cô ấy nói đùa, nhưng khi cô ấy nói nghiêm túc, tôi sẽ phải nói, “Được.” Nếu không, những việc khác sẽ bắt đầu lấn chiếm thì giờ này. Có rất nhiều việc có thể và sẽ lấp đầy kế hoạch làm việc của chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta không ghi xuống những việc quan trọng nhất thì chúng sẽ bị quên lãng và khiến những điều khác trong đời sống chúng ta bị tổn hại. Thờ phượng gia đình phải được lên kế hoạch. Điều đó không có nghĩa là mỗi tối thì giờ đó phải được thực hiện lúc 6 giờ. Đó là thì giờ “bán cố định”. Có vài bữa ăn tối không vượt quá 6 giờ tối. Đừng cứng nhắc, nhưng cần có một thì giờ thường xuyên và liên tục để gia đình bạn biết rằng đó là lúc mọi người sẽ hiệp chung thờ phượng Chúa.

Gặp Nhau Trong Cùng Nơi Chốn

Một số gia đình nhóm nhau tại bàn ăn. Những người khác có thể chọn ngồi tại phòng khách hay ở hiên sau nhà. Việc ngồi nhóm thờ phượng gia đình ở đâu không quan trọng. Nhưng sẽ ích lợi nếu “nơi đó” được liên tục sử dụng cho giờ gia đình lễ bái. Nhất là đối với trẻ nhỏ. Con cái của chúng tôi sẽ biết rằng khi chúng tôi nói giờ gia đình lễ bái đến rồi thì chúng tôi sẽ cùng ngồi tại phòng của gia đình. Con trẻ sẽ lớn lên trong sự nhận biết điều đó và sẽ giữ thường xuyên thì giờ đó.

Bắt Đầu Từ Từ

Chúng ta đang bắt đầu tiến trình đưa Hội thánh trở lại vấn đề kỷ luật cần thiết này. Hy vọng con trẻ của chúng ta sẽ có thể đi bước xa hơn, nhưng đối với hầu hết chúng ta thì đây là điều mới. Vì thế, đừng vội mong đợi quá nhiều trong khoảng thời gian quá ngắn hay đặt quá nhiều kỳ vọng nơi gia đình về lâu về dài. Nhiều lãnh đạo gia đình (nhất là người cha) khi được cảm thúc mạnh mẽ về nhu cầu thờ phượng Chúa trong gia đình thì trở nên quá sốt sắng đưa gia đình vào thì giờ đó. Các ông bố ơi, đừng bắt con học thuộc Lê-vi-ký trong vài tuần đầu của gia đình lễ bái. Chỉ nên bắt đầu đọc một phần nhỏ Kinh thánh, cầu nguyện ngắn, và hát một bài thánh ca. Khi mọi người trong gia đình cùng lớn lên trong sự thờ phượng, thì tại nơi đó sẽ có khả năng và ước ao khiến giờ thờ phượng trở nên đầy trọn hơn.

Ngắn Gọn

Thờ phượng Chúa trong gia đình không nên là gánh nặng, nhưng nhiều lần chúng ta khiến nó trở nên gánh nặng khi kéo dài quá lâu. Đặc biệt những gia đình trẻ nên lưu ý điều này vì cớ các con nhỏ của mình. Những ai chỉ mới bắt đầu giờ thờ phượng gia đình cũng nên giữ thì giờ đó ngắn gọn. Đáng ngạc nhiên là giờ thờ phượng chất lượng của gia đình cũng có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 15-20 phút. Thời lượng của giờ phượng gia đình không phải là thước đo về mức độ tăng trưởng thuộc linh của gia đình đó. Kéo dài hơn không phải lúc nào cũng có nghĩa là tốt hơn.

Đặt Ở Vị Trí Ưu Tiên

Nó phải được đặt ở vị trí ưu tiên trong gia đình. Điều này có nghĩa là chúng ta không cho phép những hoạt động khác lấn chiếm kế hoạch của chúng ta. Một gia đình hiếm khi ở nhà với nhau thì không thể thờ phượng cùng nhau. Việc đọc Kinh thánh đương lúc đến phòng tập thể dục hay trong một buổi tập bóng không thể tính chung được! Cơ Đốc nhân thời hiện đại cần nghe điều này: sự bận rộn (ngay cả với những hoạt động của Hội thánh) không có giá trị tương đồng với sự tin kính.

Linh Động

Khi bàn cãi về tầm quan trọng của việc lập giờ thờ phượng Chúa trong gia đình, chúng ta phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính linh động trong cách chúng ta tiếp cận vấn đề thờ phượng gia đình. Sẽ có những ngày chẳng có hiệu quả gì. Nếu đây là việc thực hiện thường xuyên, thì chúng ta nên điều chỉnh lại thời điểm và nơi chốn cho việc này. Tuy nhiên, sẽ có đôi ngày chẳng hiệu quả. Nhưng không sao cả! Đó là việc bởi ân điển chứ không phải là gánh nặng mà gia đình phải đương đầu.

Làm Gương Trong Thái Độ Đúng

Thái độ chúng ta có liên quan nhiều đến kinh nghiệm của chúng ta. Và những người khác luôn theo dõi thái độ của chúng ta. Chồng phải làm gương trong thái độ phải lẽ của mình trước mặt vợ, cha mẹ phải làm gương trước mặt con cái. Trẻ con rất giỏi quan sát. Chúng biết khi nào bố mẹ đang chỉ thực hiện một cách máy móc hay thật lòng mong muốn khi mời gọi cả gia đình hiệp chung thờ phượng Chúa. Đôi khi nó cũng chỉ là một trong những việc phải làm khi bố mẹ nói đến việc mong chờ giờ thờ phượng và liên tục thể hiện niềm vui lẫn ước vọng đối với việc thờ phượng gia đình.

Kiên Trì

Có lẽ lời khuyên quan trọng nhất đối với giờ thờ phượng gia đình là sự kiên trì. Sẽ có những lúc hay thậm chí là những tuần mà việc đó dường như bị xem nhẹ hay gặt hái ít kết quả: đứa nhỏ thì không chịu ngồi yên, đứa lớn tuổi thiếu niên thì tối nào cũng cằn nhằn, hay bị lạc điệu khi đang hát. Cứ tiếp tục! Bạn không cô đơn, hoàn cảnh của gia đình bạn không phải độc nhất. Cứ tiếp tục nhóm họp gia đình để thờ phượng. Kiên trì là giải pháp tốt nhất cho tất cả những cái không hay này. Lần hồi, hầu hết mọi khó khăn phải tranh chiến sẽ vượt qua, và bông trái không nhìn thấy được trước đây sẽ dần hồi hé lộ.

Jason Helopoulos là Mục sư phụ tá của Hội Thánh Cải cách Đại học tại East Lansing, Michigan, và cũng là tác giả của quyển Ân Sủng Bị Lãng Quên: Thờ Phượng Gia Đình trong Gia Đình Cơ Đốc (Trọng Tâm Cơ Đốc, 2013).

Thảo Anh dịch
Link https://www.thegospelcoalition.org/article/then-what-when-and-how-of-family-worship/

11 Lý Do Để Cùng Thờ Phượng Chúa Với Gia Đình – Phần 1

Cả gia đình cùng nhau thờ phượng Chúa (gia đình lễ bái) không phải là chuyện dễ dàng bắt đầu đối với chúng ta. Ngay cả khi là mục sư, tôi cũng đã cảm thấy lúng túng khi lần đầu tiên hướng dẫn gia đình thờ phượng (nhất là trong việc hát!). Thế nhưng, bây giờ điều đó đã trở thành một phần của đời sống gia đình chúng tôi. Thực ra, sự thờ phượng gia đình không hẳn chỉ là một phần trong đời sống gia đình mà nó còn đóng vai trò tâm điểm trong ý nghĩa thế nào là một gia đình đối với chúng tôi. Giờ đây điều đó là niềm vui, những phút giây đó giờ không còn là kỳ lạ nữa. Một gia đình Cơ Đốc phải để Chúa Giêxu làm tâm điểm, và nếu Ngài đóng vai trò tâm điểm thì gia đình đó sẽ ngập tràn sự ngợi khen thờ phượng.

Hầu hết các tín hữu Cơ Đốc đều nhận thức được tầm quan trọng của sự thờ phượng chung và riêng, nhưng ít người nghe đến vấn đề gia đình lễ bái. Thế nào là gia đình lễ bái? Khá đơn giản. Tối nay, hãy cùng ngồi với gia đình của bạn tại nơi phòng khách hoặc ngay tại bàn ăn. Và rồi… cùng cầu nguyện, đọc Kinh thánh, và hát thánh ca với nhau. Có nhiều lý do để cả gia đình cùng thờ phượng Chúa với nhau, nhưng chúng ta hãy chỉ đề cập một ít điều. Gia đình lễ bái nhằm mục đích gì?

  1. Làm Rạng Danh và Tôn Cao Chúa– Đây là lý do quan trọng và chính yếu.
  2. Đặt Chúa làm Trung Tâm của Gia Đình – Gia đình lễ bái có hiệu quả quan trọng trong việc đặt Chúa Giêxu vào tâm điểm của gia đình.
  3. Khích Lệ Tính Cách Cơ Đốc – gia đình có lẽ là nơi khó nhất để sống bày tỏ nếp sống Cơ Đốc. Đây là lý do mà sứ đồ Phao-lô nói với từng thành viên của gia đình Cơ Đốc trong đoạn Kinh thánh về gia đình ở thư Ê-phê-sô 5-6 và Cô-lô-se 3. Một thực tế đáng buồn là chúng ta thường bày tỏ bản tánh của Đấng Christ một cách mạnh mẽ hơn khi ở nhà thờ, tại nơi sở làm, hay trong mối quan hệ cộng đồng hơn là lúc ở nhà. Nếu có một nơi nào đó chúng ta phải đặc biệt cẩn trọng với tội lỗi, xác thịt, và kẻ thù của chúng ta, thì đó chính là tại nơi mái ấm của mình. Một nơi sống quá tự nhiên và quá quen thuộc cũng là nơi dễ phạm tội nhất.
  4. Khích Lệ Hòa Khí Trong Gia Đình – Tất cả chúng ta đều là tội nhân và cùng sống dưới một mái nhà trong những nơi chật hẹp. Điều đó sẽ khiến dễ xảy ra những vấn đề nghiêm trọng hay thậm chí là đau đớn! Chúng ta biết các thành viên trong gia đình, và chúng ta cũng biết rõ từng người một. Gia đình lễ bái giúp chúng ta đối diện với tội lỗi và hiểu rõ ảnh hưởng của nó trên những điều khác. Ví dụ, thật khó cho ông bố khi phải hướng dẫn giờ gia đình lễ bái khi chỉ mới vừa quát mắng vợ. Nếu ông bố này sắp hướng dẫn gia đình mình trước ngai ân điển, thì ông phải là người đầu tiên xin vợ tha thứ. Và người vợ cũng sẽ cảm thấy khó nhóm cầu nguyện với gia đình nếu không sẵn lòng tha thứ cho chồng mình.
  5. Gắn Kết Gia Đình Với Nhau – Sống trong một xã hội có nhịp sống nhanh thế này thì gia đình lại càng có ít việc cùng làm với nhau mỗi ngày. Thậm chí thời nay việc ngồi ăn chung với nhau cũng là một kỳ công của gia đình. Còn việc gia đình nhóm hiệp nhau mỗi ngày thì sao? Nếu sự nhóm hiệp đó dành cho sự thờ phượng thì thế nào? Điều đó sẽ trở thành phần tâm điểm quan trọng nhất trong đời sống của gia đình đó. Cả gia đình bạn sẽ bắt đầu nhận biết rằng nếu chúng ta có hoặc không có làm một việc gì khác với nhau thì cũng chẳng thành vấn đề, nhưng điều quan trọng nhất cho thấy chúng ta là một gia đình, đó là tất cả chúng ta cùng thờ phượng Chúa trong sự phục tùng Ngài. Và đây mới là mối dây liên kết đời đời thêm sức mạnh cho gia đình chúng ta trong mọi lãnh vực khác.
  6. Cung Cấp Tri Thức Chung – Khi Kinh thánh được đọc chung trong giờ gia đình lễ bái, thì cả gia đình sẽ được lớn lên trong cùng một sự hiểu biết. Những đối thoại quanh bàn ăn hay trong xe sẽ mang đến sự thay đổi lớn khi mọi thành viên đều có cùng sự am hiểu khi chuyện trò với nhau.
  7. Dạy Cho Con Trẻ Về Việc Cùng Thờ Phượng – Gia đình lễ bái mang đến thêm lợi ích về việc dạy con trẻ đối với sự thờ phượng chung. Khi mọi người cùng ngồi và lắng nghe Lời Chúa, nghe lời cầu nguyện, hát những bài thánh ca, thì tất cả những yếu tố này trong việc cùng nhau thờ phượng sẽ mang đến một ý nghĩa mới. Giá trị của điều này cực kỳ quan trọng.
  8. Khích Lệ Con Trẻ Chúng Ta ở trong Chúa – Con trẻ sẽ thấy rằng đối với cha mẹ thì thờ phượng không phải chỉ là điều gì đó mà cha mẹ chỉ thực hiện vào các buổi sáng Chúa nhật. Nhưng nó đóng vai trò trung tâm trong đời sống của cha mẹ, và quan trọng đủ đến nỗi khiến cha mẹ đặt tâm điểm gia đình trên nền tảng là sự thờ phượng đó. Chúng ta không chỉ nuôi dạy con trẻ để chúng trở nên những người đạo đức, tài năng, nhưng cũng trở nên người biết thờ phượng Chúa Ba Ngôi nữa.
  9. Củng Cố Vai Trò Lãnh Đạo Thuộc Linh – Gia đình lễ bái củng cố nền tảng Kinh thánh về gia đình khi xem người cha (hoặc người mẹ nếu đơn thân nuôi con) là lãnh đạo thuộc linh của gia đình. Khi người cha hướng dẫn các con và vợ trước ngôi Đức Chúa Trời vào mỗi buổi tối, và môn đệ hóa vợ con trong những bài học về Chúa Giêxu, thì vợ con sẽ ngày càng mong đợi sự lãnh đạo thuộc linh từ người cha đó. Điều này làm tăng thêm lợi ích của việc củng cố vai trò thuộc linh trên đôi vai của người cha.
  10. Cung Cấp Mô Hình Môn Đệ Hóa Một Cách Có Hệ Thống – Vì là mục sư, tôi thường có những người tìm đến với những câu hỏi về cách dạy dỗ con cái hay hướng dẫn vợ trong một lãnh vực cụ thể. Những người này thường quan tâm đến một tội lỗi cụ thể hay một rắc rối nào đó trong đời sống của một thành viên trong gia đình họ. Và trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi giống như những lính cứu hỏa vội chạy đến dập tắt vấn đề này hoặc khác. Đôi lúc thì cần thiết, nhưng nếu thường xuyên hành động như thế thì không nên. Môn đệ hóa có hệ thống là phương cách tốt hơn và được trợ giúp bởi thì giờ gia đình lễ bái. Gia đình lễ bái mỗi ngày cung cấp một nền tảng vững chắc dựa trên việc nghe Lời Chúa mỗi ngày, cầu nguyện, và dâng lời tạ ơn. Xây dựng một ngôi nhà vững chắc cần có thời gian. Một ngôi nhà không vững chắc là do người thợ nề chạy từ tường lung lay này sang tường lung lay khác để đóng đinh chỗ nọ chỗ kia.
  11. Cung Cấp Lời Chứng Cho Thế Hệ Mai Sau – Một trong những lợi ích lớn nhất của gia đình lễ bái là việc truyền niềm tin của chúng ta sang thế hệ tiếp theo. Chúng ta đang dạy con trẻ cách đọc Kinh thánh, cầu nguyện, xưng tội, hát ngợi khen Chúa, và nhiều hơn thế nữa. Con trẻ chúng ta sẽ rời gia đình với những hồi ức về việc thờ phượng Chúa mỗi ngày. Chúng sẽ học hỏi bằng cách nhìn và tham gia cách tìm Kinh thánh, cách cầu thay cho thế hệ tương lai của chúng, và cách để có niềm vui trong Chúa. Và bởi sự thương xót và nhân từ của Chúa, chúng sẽ chuyển giao những điều đó cho thế hệ tiếp theo trong gia đình của chúng.
    Chúng ta vừa xem những “lý do” của sự thờ phượng gia đình. Chúng ta sẽ khám phá về “phương cách” trong bài học sau.

Thảo Anh dịch
Nguồn: www.thegospelcoalition.org

Podcasts

Latest sermons