Trang chủ Blog Trang 53

Chúa Có Muốn Tôi Tiếp Tục Sống Trong Hôn Nhân Không Hạnh Phúc?

Tác giả: Lisa Murray

Chúa muốn chúng ta sống hạnh phúc, đúng không?

Tôi thường nghe câu nói này khi tư vấn các cặp vợ chồng. Hai vợ chồng sống trên bờ vực của sự ly dị, không phải vì bị ngược đãi hay do sự không chung thủy của người kia nhưng vì mối quan hệ vợ chồng của họ không còn khiến họ hạnh phúc. Theo như lời mô tả, những phấn khích, hiếu kỳ, vui vẻ mà họ đã trải nghiệm trong giai đoạn đầu của mối quan hệ không còn nữa. Những lời nguyện ước “chỉ có sự chết mới chia lìa chúng ta” dường như chẳng còn ý nghĩa nữa.

Thực tế là văn hóa đã thay đổi và những điều chúng ta tin tưởng mà đem vào hôn nhân của mình cũng phản ánh những thay đổi đó. Ngày nay, sự thực chỉ mang tính tương đối, cảm xúc tạo động lực cho trải nghiệm, chủ nghĩa thực dụng từ trong tâm trí cổ xúy thái độ hờ hững đối với mối quan hệ.

Thay vì hiểu rõ mục đích thật của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân, chúng ta thường có thói quen nhìn vào hôn nhân dựa trên điều người khác có thể làm cho mình, và nhất là dựa vào cách người khác khiến chúng ta cảm biết về bản thân mình.

Điểm mấu chốt: Nếu hạnh phúc là điều bạn trông đợi hàng đầu trong hôn nhân của mình, có lẽ bạn sẽ vỡ mộng và thất vọng.

Tại Sao Chúa Thiết Lập Hôn Nhân?

Chúng ta cần hiểu kế hoạch Chúa tạo dựng mình nếu chúng ta hiểu được mục tiêu mà Ngài thiết lập hôn nhân.

Nhiều Cơ Đốc nhân có cái nhìn thiển cận khi xem Chúa như Đấng thần linh có nhiệm vụ đến mang hạnh phúc cho mình, nhưng Kinh thánh nói rõ rằng mục đích Chúa tạo dựng chúng ta là để khiến chúng ta nên thánh (được biến đổi theo ảnh tượng của Ngài), chứ không phải để khiến chúng ta hạnh phúc. (I Phierơ 1:15-16)

A. W. Tozer nói, “Mỗi người nên ước ao hạnh phúc lẫn đời sống nên thánh. Người đó nên nỗ lực tìm kiếm để nhận biết và làm theo ý muốn Chúa, trao dâng Ngài nỗi lo lắng về hạnh phúc của mình.”

Tim Keller, một mục sư, nhà văn và thần học gia đã định nghĩa hôn nhân là “… mối quan hệ trọn đời và duy nhất giữa người nam và người nữ. Theo Kinh thánh, Đức Chúa Trời tạo nên hôn nhân để phản chiếu tình yêu cứu rỗi của Ngài dành cho chúng ta trong Đấng Christ, để tỉa sửa tâm tính chúng ta, tạo nên một cộng đồng vững bền nhằm sản sinh và nuôi dưỡng con cái, và để hoàn thành điều này, cả hai phái tính được đưa vào trong sự hiệp nhất của hôn nhân nhằm bổ khuyết cho nhau.”

Henri Nouwen nói, “…. hôn nhân trên hết là một tiếng gọi. Hai người được kêu gọi kết hiệp với nhau để hoàn thành sứ mệnh Chúa giao. Hôn nhân là vấn đề thuộc linh. Người nam và người nữ đến với nhau, không phải chỉ vì họ yêu nhau quá đỗi, nhưng vì họ tin rằng Chúa yêu từng cá nhân họ bằng tình yêu vô hạn và đưa họ đến với nhau để sống trở nên nhân chứng cho tình yêu đó. Yêu là mang lấy tình yêu vô hạn của Đức Chúa Trời trong sự hiệp nhất thủy chung với nhau.

Hôn nhân là một trong những vị giáo sư vĩ đại của chúng ta vì ngay trong tâm điểm của hôn nhân, thực trạng về bản thân chúng ta, điều chúng ta mong đợi, và cách chúng ta gắn kết với người khác cũng sẽ lộ ra. Không mối quan hệ nào có thể mang đến sự biểu lộ và tiềm năng biến đổi như mối quan hệ với người mà chúng ta hứa nguyện kết gắn trọn đời.

Trong bài viết trên trang HuffPost, Tyler Ward, một tác giả và cũng là một diễn giả kết luận rằng hôn nhân là là sự cải thiện cá nhân. Ông mô tả rằng dầu hôn nhân là sản phẩm của một mối quan hệ lành mạnh nhưng nó được thiết lập để khiến những khiếm khuyết trong đời sống chúng ta lộ ra, để tinh luyện và khiến chúng ta trưởng thành. Công việc của hôn nhân là tỉa sửa những sai trật trong chúng ta và đưa chúng ta vào tiến trình của sự trọn vẹn.

Điểm mấu chốt: Khi càng ít xem người phối ngẫu như vị cứu tinh nhưng càng xem người đó như bạn đồng hành trong hôn nhân của mình, thì bạn sẽ càng phải tìm kiếm sự chữa lành và tăng trưởng hơn cho mình. Điều này sẽ khiến bạn nuôi dưỡng những ước mong thực tế hơn cho hôn nhân, và hôn nhân sẽ càng vững bền, yên bình và hạnh phúc.

Kinh Thánh Nói Gì về Hôn Nhân Không Hạnh Phúc?

Chúng ta cần phân biệt giữa hôn nhân không hạnh phúc và hôn nhân bị phá hoại. Những ai đã đối diện hay trải qua cảnh chồng/vợ ngoại tình nhưng không hề hối cải, bị ruồng bỏ, hay liên tục bị lạm dụng thể xác/tình cảm/tình dục, thì bài viết này KHÔNG dành cho bạn. Trong các hôn nhân không hạnh phúc, hầu hết thường xoay quanh các vấn đề như không tìm thấy tiếng nói chung trong đối thoại, tài chính, những mong muốn không được đáp ứng…Sự lạm dụng ở bất kỳ loại hình nào cũng đều không được chấp nhận trong sự kế hoạch của Đức Chúa Trời về vấn đề phục tùng nhau khi cả hai cùng nhau lớn lên trong Ngài.

Khi đề cập đến hôn nhân, Ma-la-chi 2:15-16 nói, “Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm nên một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi thánh. Vậy các ngươi khá cẩn thận trong tâm thần mình; chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ysơraên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Vậy hãy giữ trong tâm thần các ngươi, chớ đãi cách phỉnh dối.”

Đứng trên quan điểm của Thánh kinh, người phối ngẫu không có quyền phá bỏ hôn nhân không hạnh phúc của mình. Chúa đã định cho hôn nhân là trọn đời.

Ê-phê-sô 5 mô tả hôn nhân như mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa. Ngài không thay đổi trong tình yêu Ngài dành cho chúng ta, và tình yêu đó cũng không lệ thuộc vào hoàn cảnh. Mối quan hệ giữa Chúa với chúng ta chỉ dựa trên giao ước của Ngài với chúng ta mà thôi. Chúa muốn chúng ta giữ lời hứa nguyện của mình trong hôn nhân vì Ngài biết rõ những con tim nát tan, những hôn nhân và mái gia đình đổ vỡ vẫn có thể được chữa lành và phục hồi để mang đến sự vinh hiển cho Ngài.

Có phải điều đó có nghĩa là Chúa muốn chúng ta cứ phải sống trong hôn nhân không hạnh phúc? Không. Điều Chúa muốn đó là để mỗi chúng ta dùng nỗi đau, sự buồn bã và thất vọng, cô đơn và sự giận dữ của mình như là cơ hội để tìm kiếm sự chữa lành của Ngài. Chúa muốn chúng ta biết tình trạng hôn nhân của mình thế nào – những mong ước lành mạnh, sự đối thoại trong hôn nhân, những ranh giới và sự quyết tâm giải quyết mâu thuẫn- để chúng ta trải nghiệm sự biến đổi tại nơi mình đang đứng, thay vì chờ mong khám phá điều đó trong một mối quan hệ mới.

Điểm mấu chốt: Hôn nhân không hạnh phúc là dấu hiệu bày tỏ những điều Chúa muốn đụng chạm đến cả trong đời sống cá nhân lẫn đời sống hôn nhân của chúng ta, để chúng ta tìm kiếm sự chữa lành. Chúa muốn chúng ta nhận ra những vấn đề nảy sinh trong hôn nhân của mình, sẵn sàng đối diện và cùng nhau giải quyết nan đề để đời sống cá nhân lẫn mối quan hệ được tăng trưởng. Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ cùng nhau lớn lên, tạo ra nối kết bền chặt và gắn bó hơn trong hôn nhân.

8 Dấu Hiệu Cho Thấy Hôn Nhân của Bạn Không Hạnh Phúc

  1. Hay chỉ trích, coi thường, phòng thủ hay không quan tâm đến cảm xúc của nhau, càng ngày càng xuất hiện trong hôn nhân của bạn không?
  2. Bạn có thường cảm thấy chẳng có gì để nói với nhau không?
  3. Bạn có mơ mộng viển vông về một tương lai không có người phối ngẫu của mình không?
  4. Bạn và chồng/vợ có sống riêng biệt như ly thân với nhau không?
  5. Trong hôn nhân của bạn có thiếu quan hệ tình dục hay thiếu thể hiện tình cảm ra bên ngoài với nhau không?
  6. Bạn có thường cảm thấy xa cách, không hòa được với người phối ngẫu của mình không?
  7. Bạn có thấy dễ dàng tập trung vào những việc khác hơn là mối quan hệ với phối ngẫu?
  8. Bạn có nói chuyện nhiều với bạn bè hơn là với người phối ngẫu mình không?

Chúa Có Muốn Tôi Tiếp Tục Sống Trong Hôn Nhân Không Hạnh Phúc?

Để tôi nói rõ điều này. Đức Chúa Trời không muốn bất cứ ai sống trong môi trường không an toàn- cả trên phương diện thể xác lẫn tình cảm. Thế nhưng, có quá nhiều cặp vợ chồng do không thấy không thỏa lòng hay không hạnh phúc trong hôn nhân đã vội chia tay hay không tìm sự trợ giúp để giải quyết những vấn đề trong hôn nhân của mình và rồi đã đánh mất phước hạnh Chúa dành cho họ và con cái của họ.

6 Cách Để Cải Thiện Hôn Nhân của Bạn

  1. Đừng đổ lỗi chồng/vợ về sự không hạnh phúc của mình. Không ai có trách nhiệm với hạnh phúc của bạn ngoài chính bạn. Nếu bạn thấy mình thiếu niềm vui, thiếu sự đáp ứng hay không thỏa lòng trong hôn nhân, thì hãy tự tìm hiểu xem đâu là những lãnh vực bạn không thấy thỏa lòng cũng như đâu là nguyên nhân của sự thiếu thỏa lòng.
  2. Hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện xin Chúa tỏ cho bạn thấy điều nào trong lòng bạn cần được chữa lành. Hãy cầu nguyện xin Chúa tỏ cho bạn thấy những điều bạn phải tự chịu trách nhiệm. Hãy xin Chúa cho bạn thấy Ngài muốn bạn được tăng trưởng thế nào và điều nào bạn cần học để trở nên giống như Ngài.
  3. Tìm những hướng đi cụ thể trong sự chữa lành mà Chúa đang muốn bạn bước vào. Hãy tìm đến một tâm vấn viên Cơ Đốc để có thể nhận sự hỗ trợ trong việc chữa lành những rạn nứt trong đời sống, vun trồng những phương cách và kỹ năng mới để đời sống cá nhân lẫn hôn nhân của bạn được thay đổi.
  4. Đừng nhìn người phối ngẫu như người gây cớ vấp phạm cho đời sống bạn. Hãy bắt đầu xem người phối ngẫu như một người bạn. Người phối ngẫu cũng chân thật và cũng có những rạn nứt như bạn. Hãy thương xót và cầu nguyện để người đó cũng được chữa lành. Hãy liệt kê những tính cách hay hành vi bạn ngưỡng mộ nơi người phối ngẫu. Hãy tập chú vào những điều đó. Hãy luôn tự nhắc nhớ những nét tính đặc biệt của họ.
  5. Hãy tìm cách khẳng định những ưu điểm của người phối ngẫu. Thay vì chỉ trích, hãy xem thường những điều người phối ngẫu không làm, hãy cho họ biết họ có ưu điểm nào. Hãy tỏ sự trân quý của bạn về điều đó. Hãy tìm cách làm cho người phối ngẫu hạnh phúc thay vì đặt ra sự trông đợi.
  6. Hãy cầu nguyện cho người phối ngẫu và hôn nhân của bạn mỗi ngày. Hãy cầu nguyện xin Chúa bảo vệ hôn nhân của bạn khỏi sự tấn công của kẻ thù. Hãy cầu nguyện cho nhau. Hãy cầu nguyện xin Chúa ban sự an toàn, cởi mở và kỹ năng để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong hôn nhân của bạn. Hãy cầu nguyện xin Chúa ban sự khôn ngoan và khiêm nhường đủ để cả hai sẵn sàng tìm đến với tâm vấn để được chữa lành và cùng nhau tăng trưởng.

Những Câu Kinh Thánh về Niềm Vui trong Hôn Nhân

Thi Thiên 85:10, “Sự thương xót và sự chân thật đã gặp nhau; sự công bình và sự bình an đã hôn nhau.”

Ê-sai 62:5, “Như người trai tráng cưới người nữ đồng trinh, thì các con trai ngươi cũng sẽ cưới ngươi; chàng rể mới vui mừng vì vợ mới mình, Đức Chúa Trời ngươi cũng vui mừng vì ngươi.”

I Giăng 4:7, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời.”

Truyền Đạo 4:9-12, “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công-giá tốt về công-việc mình. Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa-ngã, không có ai đỡ mình lên! Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn một mình thì làm sao ấm được? Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thế chống-cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt.”

Thi Thiên 128:1-4, “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường lối Ngài! Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình, được phước, may mắn. Vợ ngươi ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thạnh mậu; con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi khác nào những chồi ô-li-ve. Kìa, người nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được phước là như vậy.”

Lời Cầu Nguyện cho Hôn Nhân Hạnh Phúc

Lạy Cha, Con ước ao nhận biết sự chữa lành của Cha trong mọi khía cạnh của đời sống con và hôn nhân con. Xin khiến sự không hạnh phúc đưa con đến với Cha, đến với sự chữa lành của Cha và mục đích của Cha cho đời sống con. Xin cho con thấy những rạn nứt trong quá khứ của con cần được chữa lành để con có thể bước đi trong sự trọn vẹn và tự do. Xin cho con thấy những điều trông mong mà Cha muốn con có cho người phối ngẫu của con cũng như cho hôn nhân của con. Xin giúp con biết cách đối thoại và giải quyết những mâu thuẫn với chồng/vợ hiệu quả hơn. Xin chỉ cho con thấy những sai trật của con trong chính hôn nhân của mình và xin dạy con cách xin sự tha thứ lẫn ban sự tha thứ để con có thể yêu người phối ngẫu của con. Xin hãy giúp con nhen lại sự tôn trọng, tin cậy, cảm phục, và tình yêu đối với chồng/vợ, và cũng nài xin Cha kéo chúng con gần hơn trong mối thông công mật thiết với Ngài. Xin giúp con hướng sự trông mong của mình về nơi Cha để con có thể làm vinh hiển Danh Cha ngay trong tấm lòng con và hôn nhân con. Amen.

Thảo Anh dịch
Nguồn: Crosswalk

Được Ơn Trong Mùa Giáng Sinh

Chúng ta đang ở trong những ngày cuối của Mùa vọng (Adventus – sự đến). Mùa vọng hàm ý sự trông mong, hy vọng của con dân Chúa trong mùa Giáng sinh. Bạn và tôi trông mong hy vọng gì trong mùa Giáng sinh? Có lẽ mỗi chúng ta đều khao khát trông mong được ơn dư dật của Chúa trong mùa ơn phước này. Mùa giáng sinh là mùa Thiên Chúa ban hồng ân cho nhân loại qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Là con dân Chúa, chúng ta khao khát được ơn của Chúa để phục vụ Ngài, rao truyền ơn cứu rỗi cho đồng bào.

Trong câu chuyện giáng sinh, sách Tin Lành Lu-ca ghi lại một cách đặc biệt về một người được nhắc đến hai lần là “người được ơn” (Lu-ca 1:28,30). Đó là bà Ma-ri. Cần lưu ý là Ma-ri được Kinh Thánh chép là người được ơn chứ không phải người ban ơn và thiên sứ hiện đến chào bà chứ không thờ lạy bà.

Kinh Thánh thường nói đến hai chữ “được ơn” trước mặt Chúa, được ơn trước mặt chủ. Được ơn trước mặt Chúa có nghĩa gì? Được ơn trước mặt Chúa là được Chúa đẹp lòng, được Chúa yêu mến. Một người được ơn trước mặt Chúa là người như thế nào?

Được Chúa Ở Cùng

Lu-ca ghi lại rằng Chúa sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến cùng Ma-ri và phán những lời khiến cho cô vô cùng bối rối và khó hiểu: “Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi” (c.28). Vì thế, thiên sứ đã giải thích tiếp để cô hiểu rõ sứ mệnh đặc biệt Chúa giao và điều kỳ diệu sẽ xảy đến cho cô. “Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình” (c.35).

• Đức Thánh Linh đầy dẫy và sự che phủ thuộc linh

Một người được Chúa ở cùng là người được ơn đặc biệt, được “Đức Thánh Linh sẽ đến trên” và “quyền phép của Đấng Rất Cao che phủ” người ấy. Động từ “đến trên” (eperchomai) diễn tả sự đến bất ngờ và ảnh hưởng trên người ấy. Đó là tình trạng được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Trong thời Cựu ước Đức Thánh Linh chỉ ở với những người đặc biệt thôi, nhưng trong thời Tân ước, Đức Thánh Linh được ban xuống để ở với mỗi con dân Chúa và ở cùng chúng ta luôn luôn. Người được Chúa ở cùng cũng là người kinh nghiệm sự che phủ thuộc linh, tức được Chúa bảo vệ, che chở trong bóng cánh toàn năng của Ngài. Tác giả Thi Thiên 121 viết “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi; Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi. Mặt trời sẽ không giọi ngươi lúc ban ngày, Mặt trăng cũng không hại ngươi trong ban đêm.” (c.5-6)

• Làm thế nào để Chúa ở cùng chúng ta?

Thiên sứ hiện đến với Ma-ri khi bà đang ở đâu? “Chỗ người nữ ở”. Kinh Thánh không nói rõ chỗ nào nhưng chúng ta có thể đoán rằng có lẽ đó là trong phòng riêng lúc bà đang cầu nguyện một cách riêng tư với Chúa, vì Ma-ri là thiếu nữ hiền lành tin kính, có mối tương giao gần gũi với Chúa.

Một người muốn được Chúa ở cùng phải có mối tương giao mật thiết với Chúa. Kinh Thánh chép “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài” (Thi Thiên 145:18).

Mùa vọng là trông chờ, hy vọng, khao khát tìm kiếm Chúa. Muốn được ơn, được Chúa ở cùng thì chúng ta phải dành thì giờ, tìm kiếm Chúa, nghe Chúa phán dạy.

Được Chúa Sử Dụng

Một người được ơn trước mặt Chúa là người được Chúa dùng, sử dụng cho công việc Chúa. Ma-ri được đặc ân Chúa sử dụng như một phương tiện để đưa Đấng Cứu Thế vào đời. “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài” ( Lu-ca 1:31).

Thiết nghĩ Ma-ri không ngờ mình lại được Chúa ban đặc ân và sử dụng một cách đặc biệt, ngoài sức tưởng tượng như vậy. Trong hàng vạn phụ nữ Do Thái, Ma-ri chỉ là một thiếu nữ đơn sơ, vô danh tiểu tốt nhưng lại được Chúa chọn và sử dụng để làm phương tiện cho Thiên Chúa đến với con người, “Ngôi Lời trở nên xác thịt”. Đây là sự mầu nhiệm vượt quá trí óc hữu hạn của con người. Ma-ri thực sự cảm biết điều đó khi bà ca ngợi Chúa “Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước. Bởi Đấng Toàn năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh.” (Lu-ca 1:48,49)

Cảm tạ Chúa vì Ngài thường dùng những người tầm thường, hèn mọn để làm những việc phi thường cho Ngài như Ma-ri. Mỗi chúng ta cũng là những người tầm thường nhưng được Chúa cứu và sử dụng để làm ích lợi cho Ngài. Chúa dùng chúng ta để đem Chúa Giê-xu và Phúc âm đến với mọi người. Thật vậy “vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Xin Chúa giúp đỡ mỗi chúng ta sống một đời sống tốt đẹp xứng đáng để được Chúa sử dụng làm vinh hiển danh Ngài, như Phao-lô đã khích lệ: “Vậy, ai giữ mình cho khỏi những điều ô uế đó, thì sẽ như cái bình quí trọng, làm của thánh, có ích cho chủ mình và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 2:21).

• Vâng Phục Và Trả Giá

Người được ơn của Chúa và được Chúa dùng cũng thường bị hiểu lầm vu oan, sỉ nhục. Khi Ma-ri được Chúa sử dụng làm phương tiện để Chúa vào đời thì bà phải trả giá khá đắt: bà bị hiểu lầm, vu oan, sỉ nhục, bị coi là người nữ không giữ trinh tiết và bị chính người yêu mình là Giô-sép toan âm thầm ly hôn nếu không được Chúa sai thiên sứ đến trong giấc mơ và phán truyền với ông: “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus , vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:20-21).

Cám ơn Chúa, sau khi hiểu được ý nghĩa của lời Chúa phán với mình, Ma-ri vì cớ Chúa và kính sợ Ngài bà sẵn sàng chịu sỉ nhục vu oan. Với thái độ khiêm nhu, vâng phục, Ma-ri đã thưa với thiên sứ “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! Đoạn thiên sứ lìa khỏi Ma-ri” (Lu-ca 1:38).

• Khiêm nhường, vâng phục, sẵn sàng trả giá vì cớ Chúa

Chúng ta học được bài học quý báu về sự phục vụ Chúa qua gương Ma-ri: Khi chúng ta phục vụ Chúa, được Chúa sử dụng và được ơn trước mặt Chúa thì chúng ta cũng phải trả giá như Ma-ri: bị hiểu lầm, vu oan, mang tiếng xấu, bị sỉ nhục, nhưng chúng ta cứ vững lòng bước đi với Chúa, học theo gương Phao-lô không hề nao núng lùi bước “Dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt.” (2 Cô. 6:8). Thánh Phi-e-rơ cũng khích lệ chúng ta: “Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.” (1Phi 4:14)

“Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lê” (I Phi-e-rơ 5:6).

Được Chúa Ban Phước Để Chia Sẻ Phúc Âm Cho Mọi Người

Người được ơn của Chúa, được Chúa sử dụng, bị vu oan, sỉ nhục cũng là người được phước vì Chúa sẽ bênh vực và ban phước dư dật trên người ấy. Vì vậy, trong bài ca tụng của Ma-ri, bà nói “Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là người có phước.” Ma-ri vui mừng ca ngợi Chúa vì biết mình chịu khổ là vì Chúa. Vì thế, cũng trong thời gian đó, Ma-ri chỗi dậy vội vàng vượt đồi lội suối đi đến làng bên cạnh để báo tin vui cho người bà con là Ê-li-sa-bét đang mang thai Giăng Báp-tít. Ma-ri có niềm vui vô hạn vì có Chúa Cứu Thế trong lòng và muốn chia sẻ niềm vui đó cho nhiều người. Xin Chúa cũng ban niềm vui, phước hạnh tràn ngập trong lòng để chúng ta cũng sốt sắng rao báo tin mừng cho mọi người chung quanh trong mùa giáng sinh này. Người được ơn của Chúa là người được thúc giục rao truyền Tin lành cho những người chưa biết Ngài, nhất là những người bà con, bạn bè thân quen để họ cũng được hưởng ơn cứu rỗi của Chúa.

Ai là người được ơn trong mùa Giáng sinh? Bạn tôi và tôi có được ơn Chúa không? Thực ra mỗi chúng ta là những Cơ Đốc nhân thật đều là người đã được ơn của Chúa vì chúng ta có Chúa giáng sinh trong lòng, có Đức Thánh Linh ở với mình, chúng ta thật là người được ơn của Chúa. Nhưng rất tiếc chúng ta chưa cảm nhận một cách sâu xa, mạnh mẽ về ơn cứu rỗi Chúa ban cho mình, chúng ta đang xao lãng về những chuyện đời này, hoặc chúng ta đang “yêu thế gian và những vật của thế gian” khiến chúng ta xa cách Chúa, thiếu ơn Chúa!

Mùa giáng sinh trở về là thời điểm để khơi dậy ơn Chúa trong đời sống con dân Chúa, là cơ hội để chúng ta nhen lại ơn Chúa, được Chúa thăm viếng để trở thành những người được ơn Chúa: Được Chúa ở cùng, được Chúa sử dụng, được phước dù bị vu oan sỉ nhục và luôn sốt sắng rao truyền Tin lành cho mọi người. A-men!

Hãy khao khát và cầu nguyện như Môi-se “Vậy bây giờ, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13)

Trịnh Phan (Mùa Giáng sinh 2020)

Làm Sao Tôi Có Thể Vượt Qua Những Suy Nghĩ Tiêu Cực?

Suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm, lo lắng hay những rối loạn tương tự đang ngày một gia tăng trên thế giới. Theo Hiệp hội Trầm cảm và Lo âu của Mỹ, có 40 triệu người rơi vào tình trạng này, và con số này chiếm gần 20% dân số của nước Mỹ. Trong số đó, có nhiều người là tín đồ.

Sợ hãi dường như là căn nguyên của tất cả những vấn đề này. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người trên thế giới ngày nay rơi vào nỗi sợ hãi vì dường như chung quanh chẳng có gì là đáng tin cả. Có thể con người khá lo âu khi nhận ra mọi thứ trong đời sống cuối cùng cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của mình- từ vấn đề thời tiết đến việc gửi tiền vào Tài khoản ngân hàng. Tất cả những thứ con người cậy vào để tìm lấy sự an ninh cho bản thân không sớm thì muộn cũng sẽ khiến chúng ta thất vọng. Nhưng người Cơ Đốc khi thừa nhận sự tể trị của Đức Chúa Trời quyền năng, Đấng khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho người đó (Rôma 8: 28) thì sẽ nhận được phương thuốc giải trừ những suy nghĩ tiêu cực.

Khi suy nghĩ của Cơ Đốc nhân chỉ toàn là tiêu cực, lo âu hay nghi ngờ, thì đó là dấu hiệu của tình trạng thiếu đức tin nghiêm trọng. Tác giả của thư Hê-bơ-rơ nói, “Không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6), và theo Châm ngôn 29:25, thì sợ hãi là cái bẫy nhưng tin cậy Chúa sẽ khiến người đó được an ninh. Khi Chúa Giêxu ở trên thuyền cùng với các môn đồ trong trận bão lớn, Ngài hỏi họ, “Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ?” (Ma-thi-ơ 8:26). Những người đấu tranh với tư tưởng tiêu cực cũng phải làm một việc như khi họ phạm những tội khác- đó là xưng ra (phải nhận với Chúa rằng suy nghĩ tiêu cực là sai vì nó cho thấy sự thiếu đức tin) và nỗ lực thay đổi hành vi đó.

Cầu nguyện là yếu tố quan trọng trong việc vượt qua những suy nghĩ tiêu cực. Chúa Giêxu dạy rằng trong sự cầu nguyện nên có sự ngợi khen Cha và hướng về sự thánh khiết của Ngài (Ma-thi-ơ 6:9; cũng xem Thi Thiên 95:2). Khi chúng ta cầu nguyện “với sự tạ ơn” (Phi-líp 4:6), chúng ta tập trung vào những phước hạnh mình đã nhận lãnh và không để chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực. Đức Thánh Linh là Đấng thành tín sẽ giúp những tín hữu ăn năn vượt qua tư tưởng tiêu cực (Ma-thi-ơ 7:7-11).

Đọc Kinh thánh mỗi ngày, nhất là tập trung nghiên cứu những lời hứa của Chúa, sẽ mang đến sự giúp đỡ lớn trong việc vượt qua những suy nghĩ tiêu cực. Cũng hãy nhớ rằng cho dẫu hoàn cảnh hiện tại có ảm đạm đến đâu, Cơ Đốc nhân vẫn có lời hứa về tình yêu và sự đắc thắng của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-xu (Rô-ma 8:37-39; 2 Cô-rinh-tô 2:14).

Kinh thánh chứa đầy những lời khuyên dạy của Chúa cho con dân của Ngài về cách vượt qua sợ hãi và nghi ngờ- có trên 350 mạng lệnh về việc “đừng sợ”. Thực vậy, lời khích lệ được Chúa Giê-xu ban ra hơn bao nhiêu lời khác đó là hãy sống không sợ hãi (v.d Ma-thi-ơ 6:25; 9:2; 10:28; 10:31).

Chống lại tư tưởng tiêu cực chính là trận chiến của tâm trí. Sứ đồ Phao-lô bảo các tín hữu về những điều nên nghĩ đến: điều chân thật, đáng trọng, công chính, thanh sạch, đáng yêu chuộng, đáng biểu dương (Phi-líp 4:8). Bên cạnh việc xác định những điều nên có trong tâm trí chúng ta, câu Kinh Thánh này cũng dạy rằng chúng ta có thể kiểm soát điều mình suy nghĩ. Khi tư tưởng tiêu cực đến, người có tâm trí của Đấng Christ (1Cô-rinh-tô 2:16) sẽ có khả năng đẩy lùi chúng ra khỏi tâm trí và thay vào đó là những tư tưởng đẹp lòng Chúa. Đây là việc cần luyện tập, và sự kiên trì sẽ khiến việc này được thực hiện dễ dàng hơn mỗi ngày. Cơ Đốc nhân nên suy nghĩ về những việc mình đang nghĩ đến và đừng để tâm trí tự do thống quản. Trong chiến trường thuộc linh, chúng ta đã được ban cho mão của sự cứu rỗi- áo giáp thuộc linh cho tâm trí.

Vì Cơ Đốc nhân vẫn phải sống trong thế giới đầy căng thẳng và lo âu, cho nên tư tưởng tiêu cực chắc chắn sẽ đến. Nhưng chúng ta có sự chọn lựa trong việc đẩy lùi hay nuôi dưỡng những tư tưởng đó. Tin tốt lành đó là, những suy nghĩ tiêu cực có thể được thay bằng những suy nghĩ tích cực, và khi càng để những tư tưởng đẹp lòng Chúa thay thế, chúng ta sẽ càng kinh nghiệm được sự bình an và niềm vui trong Chúa.

Người Dịch: Thảo Anh
Nguồn: https://www.gotquestions.org/negative-thinking.html

Kinh Thánh Nói Gì Khi Con Cái Chúa Đang Phải Đối Phó Với Căn Bệnh Thời Kỳ Cuối?

Thật khó để chấp nhận một biến cố đầy bất hạnh trong đời khi biết rằng cuộc sống buộc phải chấm dứt sớm. Một trong những điều có thể làm bừng tỉnh tâm hồn con người hơn cả, đó là việc nhận hung tin về việc bản thân người đó đang mắc phải một căn bệnh thời kỳ cuối. Trước hết, hãy tin rằng Chúa Giê-xu là Đấng luôn quan tâm chăm sóc bạn. Ngài đã khóc khi người bạn yêu dấu của mình là La-xa-rơ chết (Giăng 11:35), và Ngài đã động lòng khi nhìn thấy sự đau buồn của gia đình Giai-ru (Lu-ca 8:41-42).

Chúa Giê-xu không những quan tâm chăm sóc cho chúng ta mà Ngài còn luôn sẵn sàng để giúp đỡ con cái Ngài nữa. Chúa chúng ta là Đấng “sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân” (Thi Thiên 46:1). Đức Thánh Linh, Đấng Yên Ủi, ở cùng chúng ta, và Ngài sẽ không bao giờ rời xa chúng ta (Giăng 14:16).

Chúa Giê-xu phán với chúng ta rằng, chúng ta sẽ gặp gian truân trong thế gian này (Giăng 16:33), và không ai có thể được miễn trừ (Rô-ma 5:12). Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu rõ toàn bộ chương trình cứu rỗi của Ngài dành cho thế giới băng hoại này, chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi đối diện với bất cứ mức độ đau khổ nào. Chúng ta không được đảm bảo để có một thân thể khỏe mạnh trọn vẹn tại trần thế này, nhưng đối với những ai đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế sẽ được sự bảo đảm về phương diện tâm linh đến cả cõi đời đời (Giăng 10:27-28). Không một thế lực nào có thể được đụng đến linh hồn của chúng ta.

Hãy nhớ rằng không phải bất cứ những điều tồi tệ nào xảy đến cho chúng ta đều là hậu quả trực tiếp của tội lỗi. Việc mang trong mình căn bệnh thời kỳ cuối không phải là một bằng chứng về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời giáng trên bản thân người đó. Hãy nhớ lại thời điểm Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài đến bên một người đàn ông bị mù bẩm sinh. Các môn đồ đã hỏi Ngài rằng: “Thưa thầy ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?” Chúa Giê-xu đáp: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (Giăng 9:2-3). Cũng vậy, ba người bạn của Gióp đã tin rằng tai họa giáng xuống Gióp là hậu quả tội lỗi do chính ông gây ra. Rồi những môn đồ của Chúa Giê-xu, họ đã có suy nghĩ sai lầm tương tự như vậy.

Chúng ta có thể sẽ không bao giờ hiểu được những nguyên nhân cho từng loại thử thách cụ thể xảy đến trên cuộc đời của chúng ta ở trần thế này; nhưng có một điều rõ ràng cho những người yêu mến Chúa, đó là những sự thử thách này sẽ đem lại ích lợi cho chúng ta chứ không phải để nhận chìm chúng ta (Rô-ma 8:28). Hơn nữa, Đức Chúa Trời sẽ thêm sức cho chúng ta để có thể chịu đựng và vượt qua bất cứ thử thách nào (Phi-líp 4:13). Cuộc sống trên đất của chúng ta là một “màn che” những điều tốt đẹp nhất, và đó là lý do Đức Chúa Trời đã khiến cho sự đời đời ở nơi lòng người (Truyền Đạo 3:11). Chương trình của Đức Chúa Trời cho con cái Ngài bao gồm cả sự chết, và đây là điều “quí báu trước mặt Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 116:15).

Trên hết, ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là để chúng ta làm vinh hiển danh Ngài và được lớn lên về phần thuộc linh. Ngài muốn chúng ta tin cậy và nương dựa nơi Ngài. Những gì mà chúng ta sẽ phản ứng khi đối diện với gian truân, kể cả khi đang mang trong mình căn bệnh thời kỳ cuối, sẽ bày tỏ một cách chính xác niềm tin của chúng ta nơi Đấng Christ. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy dâng thân thể mình làm của lễ sống (Rô-ma 12:1). Thật vậy, “việc làm chết bản ngã” là một sự đòi hỏi đối với những ai muốn theo Chúa Giê-xu (Lu-ca 14:27. Điều này có ý nghĩa rằng chúng ta phải đặt những ước nguyện của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn của Đức Chúa Cha. Như Chúa Giê-xu tại vườn Ghết-sê-ma-nê, ý “Con” được thành nguyện theo ý “Cha”.

Tác giả sách Hê-bơ-rơ thúc giục chúng ta hãy ngẫm lại sự đau đớn mà Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã chịu đựng để chính chúng ta không bị mệt mỏi và nãn lòng khi đối diện với những thử thách của chúng ta. Đó là “vì sự vui mừng được đặt ở trước mặt Ngài” mà Đấng Christ đã có thể chịu được sự đau đớn trên thập tự giá. “Sự vui mừng” này, đối với Đấng Christ, đó là sự làm theo ý muốn của Cha Ngài (Thi Thiên 40:8), làm nên sự giảng hòa giữa Chúa Cha với tạo vật Ngài đã dựng nên, và được tán dương tại bên hữu ngôi Đức Chúa Trời. Cũng vậy, những sự thử thách mà chúng ta đang chịu có thể sẽ trở nên dễ chịu hơn khi chúng ta xem điều này như là “một sự vui mừng” được đặt ở trước mặt chúng ta. Sự vui mừng của chúng ta sẽ hiện hữu qua sự thông hiểu rằng bởi chính sự rèn thử này mà Chúa biến hóa chúng ta trở nên giống như Con Ngài (Gióp 23:10, Rô-ma 8:29). Những điều mà chúng ta xem là đau khổ, bất hạnh, và không chắc chắn thì Cha quyền năng trên trời – Đấng đang vận hành và cho phép những điều đó xảy đến trên cuộc đời chúng ta – lại xem chúng như là những điều đem đến cho chúng ta sự ích lợi và giá trị. Sự đau khổ của chúng ta không bao giờ là vô nghĩa. Đức Chúa Trời dùng những sự đau khổ này để biến đổi chúng ta, để thăm viếng khích lệ những người khác, và trên hết, là để đem đến sự vinh hiển cho danh Ngài.

Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng những gian truân trên đất này chỉ là nhẹ và tạm mà thôi, không thể so sánh với sự vinh hiển cao trọng đời đời (2 Cô-rinh-tô 4:17-18). Giải nghĩa về phân đoạn Kinh Thánh này, một nhà thần học đã nói: “Đức Chúa Trời không mắc nợ bất cứ ai. Tất cả những hi sinh mà chúng ta đã dấn thân hay những đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng vì danh Chúa và bởi Thánh Linh Ngài, Ngài sẽ ban thưởng lại cách xứng đáng với những điều mà chúng ta đã gánh chịu.”

Nếu bạn đã được chẩn đoán mang trong mình một căn bệnh thời kỳ cuối, thì chúng tôi thành ý đưa ra một lời khuyên: hãy xem xét để chắc rằng bạn đã là một người con thật sự của Chúa, rằng bạn đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi cho cuộc đời bạn (Rô-ma 10:9-10). Sau nữa, như vua Ê-xê-chia đã được phán dặn, “hãy sắp đặt nhà ngươi” (Ê-sai 38:1); đó là, hãy truyền đạt rõ ràng những ý nguyện của bạn và những sự sắp đặt quan trọng khác cũng sẽ được thực hiện. Hãy sử dụng những thời gian còn lại mà Chúa ban cho bạn để được tăng trưởng về phần tâm linh và khuyên dạy những kẻ khác. Hãy luôn dựa vào năng quyền của Đức Chúa Trời để tiếp thêm sức mạnh cho bạn mỗi ngày, và khi Ngài gia ơn, hãy cảm tạ Chúa vì “cái giằm xóc vào thịt” này của bạn (2 Cô-rinh-tô 12:7-10). Cuối cùng, bạn hãy tìm sự an ủi nơi lời hứa của Chúa Giê-xu về một cuộc sống đời đời và an bình. “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

Người dịch: Thanh Trang
Nguồn: https://www.gotquestions.org/joy-Christian.html

Chúa nhật 07-02-2021

Chúa Nhật 07-02-2021 Chủ Đề: Nhân Sinh Quan Của Người Cơ Đốc

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 07-02-2021

Chủ đề: NHÂN SINH QUAN CỦA NGƯỜI CƠ ĐỐC

Câu Gốc: Thi Thiên 39:4a

Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết cuối-cùng tôi, Và số các ngày tôi là thể nào;

Giảng Luận: MS. Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Chấp sự Huỳnh Mai Thiên Quốc

Website: https://httltohienthanh.org
Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Người Trẻ Cơ Đốc Nên Nghĩ Thế Nào Về Y Phục Và Thời Trang?

Xã hội phát triển khiến chất lượng cuộc sống của con người cũng được nâng cao. Ngày nay, chúng ta không chỉ bằng lòng với chuyện đủ ăn, đủ mặc mà còn suy nghĩ làm sao để được ăn ngon và mặc đẹp. Điều đó cũng không có gì là sai. Chúa cũng không cấm chúng ta thưởng thức những bữa ăn ngon hay khoác lên mình những bộ trang phục đẹp mắt. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy thời trang trong xã hội hiện đại phục vụ nhiều mục đích khác nhau, và vì vậy, chúng cũng hết sức phong phú và đa dạng, từ những trang phục quá rườm rà cho đến những bộ cánh “da nhiều hơn vải”. Thời trang là lĩnh vực đặc biệt thu hút giới trẻ. Các bạn trẻ rất nhạy bén với các xu hướng thời trang. Các bạn muốn mình luôn luôn trong mắt người đối diện, nhất là người khác phái. Nhưng có phải kiểu thời trang nào cũng phù hợp với thanh thiếu niên Cơ Đốc không? Có tiêu chuẩn nào để hướng dẫn thanh thiếu niên Cơ Đốc trong việc lựa chọn trang phục không? Người trẻ Cơ Đốc nên nghĩ thế nào về thời trang?

Không có chỗ nào trong Kinh Thánh dùng cụ thể từ thời trang. Nhưng Kinh Thánh có chỉ cho chúng ta cách ăn mặc và cho chúng ta biết vai trò của phục sức, phục trang trong đời sống.

Vai trò của quần áo

Ban đầu, áo quần được tạo nên là để che đậy sự lõa lồ của chúng ta vốn là một vấn nạn của con người (Sáng Thế Ký 3). Quần áo còn bảo vệ chúng ta trước môi trường. Vì có nhiều màu sắc, mẫu mã, và chất liệu khác nhau nên cũng có nhiều kiểu dáng khác nhau mà chúng ta gọi là thời trang. Trên thế giới cũng có nhiều nền văn hóa khác nhau, nên có những kiểu trang phục dành cho nhiều nhóm người khác nhau, ví dụ: áo dài của người Việt Nam, sườn xám của người Trung Hoa, kimono của người Nhật, hanbok của người Hàn Quốc, v.v…

Ngoài ra, một số ngành nghề cũng có “thời trang” riêng để nhận diện họ cùng vai trò của họ trong xã hội. Ví dụ: luật sư, cảnh sát, bảo vệ, v.v…. Các hệ phái khác nhau trong giáo hội cũng có những lễ phục khác nhau cho chức sắc của họ. Trong thời của Chúa Giê-xu, người Pha-ri-si mặc những chiếc áo choàng dài có dây tua và thẻ bài (xem Ma-thi-ơ 23:5). Rồi cũng có kiểu thời trang vì thời trang. Các nhà thiết kế và người mặc các kiểu thiết kế có thể sử dụng y phục như một tác phẩm nghệ thuật, hay để trình bày một quan điểm hay chỉ để khiến người khác chú ý đến mình. Những kiểu thời trang như thế thường gàn dở và chóng qua. Y phục là nhu cầu cơ bản, được Đức Chúa Trời chu cấp đầu tiên cho A-đam và Ê-va, và bây giờ được Ngài chu cấp (bằng các phương cách phổ biến hơn) cho con người trên khắp thế giới. Vai trò chính của y phục không phải là phục vụ cho thời trang mà là để che đậy và bảo vệ.

Chúng ta nên ăn mặc như thế nào?

Chúng ta được dạy phải ăn mặc đứng đắn. I Ti-mô-thê 2:9-10 chép “Ta cũng muốn rằng phụ nữ nên ăn mặc đứng đắn, trang điểm giản dị và lịch sự, không bới tóc cầu kỳ hay đeo vàng, ngọc, hoặc dùng quần áo đắt tiền, nhưng làm các việc thiện, là điều phù hợp với người phụ nữ tin kính.” (TTHĐ)

Chúng ta phải ăn mặc sao cho mình được che đậy một cách đúng mực, và đừng tự phơi bày thân thể như là đối tượng tình dục, như cách ăn mặc của gái mại dâm. Có những mẫu thời trang và kiểu trang phục nhằm khơi dậy sự dâm dục và truyền đi thông điệp sẵn sàng tham gia vào sự phóng đãng (xem Châm Ngôn 7:10).

Chúng ta cũng phải ăn mặc sao cho phù hợp với giới tính sinh học của mình. Việc mặc quần áo của người giới tính khác và ăn mặc kiểu ái nam ái nữ là sai. Nói các khác, nếu bạn là nữ, hãy mặc sao cho người khác có thể nhận biết bạn là một cô gái. Còn nếu bạn là nam, hãy mặc sao cho người khác có thể nhận biết bạn là một chàng trai. Không nên tạo sự nhầm lẫn hay mơ hồ về giới tính của mình.

Chúng ta nên nghĩ thế nào về ngành công nghiệp thời trang?

Công nghiệp thời trang không đưa ra tiêu chuẩn về cái đẹp. Tiêu chuẩn đó chỉ do một mình Đức Chúa Trời thiết lập và không thay đổi. Thật vậy, vẻ đẹp thật sự tự thân nó không liên quan gì đến y phục hay thời trang. I Phi-e-rơ 3:3-4 chép “Đừng chú trọng sự trang điểm bề ngoài như làm tóc cầu kỳ, đeo vàng, mặc áo quần lòe loẹt, nhưng hãy trang điểm con người bề trong thầm kín bằng vẻ đẹp không phải tàn của tâm thần dịu dàng, yên lặng; đó là điều quý giá trước mặt Đức Chúa Trời.” (TTHĐ) Cũng không bao giờ để thời trang trở thành thần tượng trong đời sống. Công nghiệp thời trang và những sản phẩm của nó không phải là đối tượng chúng ta tôn thờ. Sự thay đổi của thời trang thế giới phản chiếu bản chất phù du của thế giới nói chung: “Thế gian với những dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I Giăng 2:17, TTHĐ).

Không có gì sai khi mặc quần áo đẹp. Cũng không có gì sai khi Cơ Đốc nhân ăn mặc hợp thời trang hay làm việc trong ngành thời trang. Nhưng cuộc sống không chỉ có thời trang. Chúa Giê-xu phán: “Vậy nên, Ta bảo các con, đừng vì sự sống mà lo đồ ăn, cùng đừng vì thân thể mà lo đồ mặc. Vì sự sống quý hơn đồ ăn và thân thể quý hơn đồ mặc” (Lu-ca 12:22-23, TTHĐ). Không có gì sai khi ăn mặc hợp thời trang miễn là chúng ta nhìn mọi việc đúng với vị trí của nó, và những kiểu thời trang chúng ta chọn không đi ngược lại với tiêu chuẩn Kinh Thánh. Những kiểu thời trang không đứng đắn, thu hút sự chú ý của người khác, hay gây hiểu lầm về giới tính của người mặc thì không được phép sử dụng.

Chúng ta sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta phải là ngọn đèn chiếu sáng cho Đấng Christ. Cần phải tránh những kiểu thời trang buộc chúng ta phải để Chúa và Lời Ngài qua một bên, cho dù là tạm thời. Đấng Christ phải là trước tiên và quan trọng nhất trong đời sống chúng ta. Chúng ta không cần phải vứt bỏ hết mọi kiểu thời trang. Nhưng chúng ta phải chọn lựa. Cuối cùng, chúng ta phải nhấtt quyết trong lòng rằng không bao giờ loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống.

Biên dịch: Khue Tran

Theo gotquestions.org

Tại Sao Chúa Cho Phép Bệnh Tật Xảy Ra?

Bệnh tật luôn là vấn đề khó khi phải đối diện. Điều quan trọng là hãy luôn nhớ rằng đường lối Chúa luôn cao hơn đường lối chúng ta (Ê-sai 55:9). Khi lâm phải ốm đau, bệnh tật hay thương tổn, chúng ta thường có xu hướng chú tâm vào sự đau đớn của mình. Ở giữa sự thử thách của ốm đau, chúng ta thường khó tập chú vào điều tốt lành mà Chúa có thể đem đến cho chúng ta như là kết quả của thử thách đó. Rô-ma 8:28 nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời có thể mang đến điều tốt lành cho chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhiều người nhìn lại khoảng thời gian bệnh tật như thời điểm được gần Chúa hơn khi học tập tin cậy Ngài hơn, và/hoặc học cách trân quý giá trị cuộc đời hơn. Đây chính là điều Chúa muốn vì Ngài luôn tể trị và biết rõ kết quả cuối cùng.

Điều này không có nghĩa rằng bệnh tật đến từ Chúa hay Ngài giáng bệnh tật trên chúng ta để dạy chúng ta một bài học thuộc linh nào đó. Trong thế giới đầy tội lỗi này, ốm đau, bệnh tật và sự chết luôn hiện diện chung quanh chúng ta. Là con người sa ngã, thể xác chúng ta dễ bị ốm đau, bệnh tật tấn công. Một số bệnh tật đến từ quy luật tự nhiên của thế giới này. Một số bệnh tật khác đến bởi sự tấn công của ma quỷ. Kinh Thánh mô tả một số trường hợp khi sự đau đớn thể xác đến từ sự tấn công của ma quỷ và các thế lực của nó (Ma-thi-ơ 17:14-18; Lu-ca 13:10-16). Vì thế, phần lớn bệnh tật không đến từ Chúa, nhưng đến từ ma quỷ. Ngay cả trong những hoàn cảnh đó, Đức Chúa Trời vẫn tể trị và kiểm soát. Đôi khi Ngài cho phép tội lỗi hay ma quỷ gây nên sự đau đớn trên thể xác chúng ta. Nhưng ngay cả khi bệnh tật không trực tiếp đến từ Chúa, thì Ngài vẫn sử dụng nó vì cớ mục đích tốt lành và trọn vẹn của Ngài.

Dẫu thế nào thì chúng ta không thể chối bỏ rằng đôi khi Chúa cho phép điều đó xảy ra, hay thậm chí Chúa cho phép bệnh tật xảy ra để khiến những mục đích chủ tể của Ngài được hoàn thành. Trong khi tật bệnh không được trực tiếp đề cập trong Hê-bơ-rơ 12:5-11, thì đoạn Kinh Thánh này vẫn nói rằng Chúa sửa dạy chúng ta để khiến chúng ta “sanh bông trái công bình” (câu 11). Bệnh tật có thể là cách Chúa sửa dạy trong tình yêu đối với chúng ta. Khó có thể hiểu được tại sao Chúa có thể làm như vậy. Nhưng khi chúng ta tin nơi sự tể trị của Chúa, thì sự đớn đau cũng có thể là cách mà Ngài cho phép hay khiến nó xảy ra.

Một ví dụ rõ nét nhất được tìm thấy trong Thi Thiên 119. Chú ý tiến trình từ câu 67, 71 và 75: “Trước khi chưa bị hoạn nạn, thì tôi lầm lạc; nhưng bây giờ tôi gìn giữ lời Chúa… Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải, hầu cho học theo luật lệ của Chúa… Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết rằng sự xét đoán của Ngài là công bình, và ấy là bởi sự thành tín mà Ngài làm cho tôi bị khổ nạn.” Tác giả Thi Thiên 119 đang nhìn sự đau đớn, bệnh tật từ quan điểm của Đức Chúa Trời. Ông nhận biết hoạn nạn là tốt cho ông. Và ấy là bởi sự thành tín mà Ngài khiến ông bị khổ nạn. Kết quả của sự hoạn nạn đó là để ông có thể học biết và vâng theo lời Ngài.

Thật vậy, đau khổ và bệnh tật chẳng bao giờ là vấn đề dễ đối diện. Nhưng đừng để bệnh tật khiến chúng ta mất niềm tin nơi Chúa. Chúa là tốt lành, ngay cả khi chúng ta đang chịu đau đớn. Thậm chí sự cuối cùng của đau đớn – là sự chết – vẫn là việc làm ra bởi sự tốt lành của Ngài. Thật khó có thể tưởng tượng ai đó đang ở thiên đàng lại hối tiếc về bệnh tật hay đau đớn họ đã trải qua khi còn sống trên đất.

Cuối cùng, khi ai đó bị đau đớn, trách nhiệm của chúng ta là quan tâm, chăm sóc, cầu nguyện và khích lệ họ. Khi một người đang bị đau đớn, không phải lúc nào cũng là lúc để nhấn mạnh rằng Chúa sẽ mang điều tốt lành đến từ sự đau đớn. Vâng, điều đó là đúng. Tuy nhiên, ở giữa sự đớn đau bệnh tật, không phải lúc nào cũng là thời điểm tốt nhất để chia sẻ sự thật đó. Người đang đau đớn rất cần tình yêu thương và sự khích lệ của chúng ta, chứ họ không thật sự cần lời nhắc nhở về một lẽ đạo thần học uyên thâm nào đó.

Thảo Anh dịch
Nguồn: Gotquestions

Nếu Chúa Không Chữa Lành

Dẫu biết rằng bệnh tật là một trong những hậu quả của tội lỗi mà con người phải gánh chịu, nhưng khi đối diện chúng, nhất là bệnh nan y, cảm xúc ban đầu của tất cả chúng ta là lo lắng và sợ hãi. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta biết mình có một nơi để kêu cầu, đó là Giê-hô-va Ra-pha, Đấng Chữa Lành. Nhưng có phải lúc nào chúng ta cầu xin cũng được Chúa chữa lành không? Nếu Chúa không chữa lành thì sao? Chúng ta phải cầu nguyện như thế nào hay cầu xin điều gì cho chính mình và người thân của mình khi phải chống chọi với những căn bệnh “lành ít dữ nhiều”? Xin gửi đến quý độc giả câu trả lời qua bài viết dưới đây. (ND)

Nhiều tuần hóa trị đã phá hủy lớp niêm mạc miệng, làm tổn hại hệ miễn dịch, và đỉnh điểm là ca phẫu thuật kéo dài hàng tiếng đồng hồ để cắt bỏ khối u cỡ trái nho trong miệng của cô. Trong khi đó, bạn bè và người thân hết lòng dâng lên Chúa cùng một lời cầu xin: Chúa ôi, xin chữa lành cho cô ấy! Những lời cầu nguyện của họ bao phủ cô như là khí giới để cô chiến đấu trong cơn bệnh tật. Sau đó, cô chỉ vào đường thẳng trên bảng theo dõi bệnh lý mô tả các tế bào chết trong khối u và ngợi khen Chúa về sự thương xót của Ngài. Cô giải thích rằng hóa trị đã giết chết khối u trước khi bác sĩ phẩu thuật đưa dao vào, và sự chữa lành mà cô cầu xin bấy lâu nay đang kề cận.

Nhưng các tế bào chết đó không hứa hẹn sự chữa lành. Đúng hơn, đó là bướu ác hung hãn tấn công khiến mạch máu không thể chảy vào trung tâm khối u. Bướu phát triển nhanh tới mức không còn khả năng ở yên một chỗ. Nhiều tháng sau, chứng ung thư không chỉ tái phát mà còn lan rộng, làm tắt phổi và xâm lấn não.

Quay cuồng trong buồn đau

Khi sự cân bằng mỏng manh của các hệ cơ quan loạng choạng và suy sụp, thì những lời cầu xin chữa lành từ Hội Thánh cũng như từ chính môi miệng cô càng tha thiết hơn. Các bác sĩ khuyên cô nên sử dụng dịch vụ chăm sóc người bệnh giai đoạn cuối tại nhà, nhưng cô bám vào lòng tin quyết rằng Đức Chúa Trời phải làm cho bệnh tật của cô tan biến đi, và cô nhất định vô toa hóa trị cuối cùng. Dầu vậy, căn bệnh ung thư vẫn cứ tiến triển. Các chi bị phù nề và chất dịch tràn vào phổi. Rồi vào một đêm kinh hoàng, tiếng chuông báo động của phòng săn sóc đặc biệt vang lên khúc bi thương, tim cô đập nhẹ rồi từ từ dừng hẳn.

Hoàn toàn bất ngờ trước sự ra đi của cô, cả gia đình quay cuồng trong đau đớn. Họ đau khổ không biết sống thế nào khi vắng bóng cô, và tranh chiến để chấp nhận sự mong manh của một cuộc đời dấu yêu, tận trung cho Chúa, mặc dù họ liên tục nài xin Chúa chữa lành. Họ than khóc Sao việc này có thể xảy ra chứ? Chẳng lẽ Chúa không để ý đến lời cầu nguyện của họ sao? Hay thậm chí Ngài còn không nghe thấy? Phải chăng do họ cầu nguyện chưa đủ? Đức tin của họ liệu có nghèo nàn quá hay không? Làm sao Chúa lại có thể phớt lờ khi cô trung tín với Ngài đến như vậy?

Đức Chúa Trời đã dựng nên trời đất, bắn các hành tinh vào quỹ đạo, và tập hợp vật liệu làm nên tế bào chất trong cơ thể chúng ta. Chắc chắn, Ngài cũng có thể loại bỏ bệnh ung thư, sắp xếp lại các xương, hay phục hồi sự lưu thông máu đến những vùng tổn thương.

Giằm Xóc khó chịu hiện nay

Đức Chúa Trời có thể và đã từng chữa lành. Trong quá trình tôi khám chữa bệnh, Ngài đã dùng sự phục hồi thật mong manh của một bệnh nhân để kéo tôi đến gần Ngài. Trong thời gian thi hành chức vụ, Chúa Giê-xu đã thực hiện những lần chữa lành thật kỳ diệu qui vinh hiển cho Đức Chúa Trời và làm vững mạnh đức tin (Math 4:23; Lu 4:40). Kinh Thánh khuyến khích chúng ta sốt sắng cầu nguyện (Lu 18:1-8; Phil 4:4-6). Nếu Thánh Linh thôi thúc chúng ta cầu xin sự chữa lành, dù là cho bản thân hay cho người khác, thì chúng ta cũng phải tha thiết cầu xin.

Nhưng khi cầu xin, chúng ta phải chú ý đến sự khác biệt quan trọng: dù Chúa có quyền chữa lành, nhưng chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng Ngài phải chữa lành.

Sự chết là hậu quả của sự sa ngã (Rô 6:23). Sự chết đến với tất cả chúng ta, và cách phổ biến nhất là qua bệnh tật. Khi Đấng Christ trở lại, không có căn bệnh nào có thể làm vấy bẩn công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời (Khải 21:4), còn bây giờ, chúng ta phải chờ đợi và than thở vì thân thể héo mòn. Chúng ta có thể cho rằng sự chữa lành là điều tốt đẹp nhất, nhưng sự khôn ngoan của Chúa vượt trổi hơn cả tầm hiểu biết ấn tượng nhất của chúng ta (Ê-sai 55:8). Chúng ta không thể uốn nắn ý muốn Ngài cho giống với ý của mình được.

Nhiều lần Kinh Thánh mô tả những trường hợp trong đó Đức Chúa Trời không loại bỏ ngay sự đau khổ, mà ngược lại, Ngài dùng nỗi khổ đau cho mục đích tốt lành (Sáng 50:20; Giăng 11:3-4; Rô 5:3-5). Sứ đồ Phao-lô viết về sự đau đớn trong chính thân thể ông khi “một giằm xóc vào thịt tôi… đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng “ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (II Cô 12:7-9). Câu trả lời của Đức Chúa Trời đối với lời cầu xin của Phao-lô không phải là chữa lành cho ông mà là hành động qua sự đau đớn của Phao-lô để kéo ông đến gần sự vinh hiển của Ngài. Tấm gương tuyệt vời nhất, đó là qua sự đau đớn và sự chết của Đấng Christ, Ngài giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và tuôn đổ ân điển trên chúng ta (Rô 3:23-25; Êph 1:7).

Nhịp tim hướng về Thiên đàng

Khi chúng ta làm ngơ việc Chúa làm trong cơn khốn khổ, mà chỉ nín thở bám lấy hy vọng được chữa lành, tức là chúng ta đã từ bỏ những cơ hội để gần gũi, để có sự thông công và chuẩn bị tâm linh vào lúc cuối đời mình. Nghiên cứu cảnh báo rằng những người ở trong cộng đồng tôn giáo thường theo đuổi những giải pháp táo bạo lúc cuối đời, và rất có thể là chết trong phòng săn sóc đặc biệt (ICU).

Nếu chỉ chăm chăm trông chờ sự chữa lành thay vì nhìn vào thực tế thân thể hay chết của mình, thì chúng ta sẽ chạy theo những cách chữa trị không chỉ vô vọng, mà còn cướp mất khả năng suy nghĩ, giao tiếp và cầu nguyện trong những ngày cuối đời. Chúng ta quên rằng nếu Chúa không chữa lành thì điều chúng ta cần là sự dũng cảm, bình an và sáng suốt để chịu đựng. Và nếu sự chữa lành không đến thì một tâm trí chỉ nghĩ đến sự chữa lành khiến chúng ta và những người chúng ta yêu mến bị mắc cạn trong những nỗi nghi ngờ đáng lo ngại về giá trị của đức tin.

Phúc âm đem đến niềm hy vọng vượt trội hơn cả việc chữa lành cơ thể chúng ta. Bên nầy thập tự giá, ngay cả khi tầm nhìn của chúng ta bị lu mờ và thế giới có tận chung, thì chúng ta cũng chẳng cần phải sợ chết. Đấng Christ đã chiến thắng, và qua sự phục sinh của Ngài, sự chết đã mất hết nọc độc (I Cô-rinh-tô 15;55-57). Sự chết chỉ là hơi thở tạm bợ, là sự chuyển tiếp, là một nhịp đập trước lúc chúng ta đoàn tụ với Chúa phục sinh của mình (II Cô-rinh-tô 4:17-18). Bên kia thập tự giá, chết không phải là hết. Nhờ sinh tế của Đấng Christ thay cho chúng ta, nhờ ân điển tuôn tràn từ Đức Chúa Trời, chúng ta nhận được sự chữa lành tâm linh để bước qua cõi đời đời, cho dù thân thể hiện tại của chúng ta có hao mòn và vỡ tan.

Cầu xin những điều khác nữa

Khi đối diện với bệnh tật đe dọa tính mạng, tất nhiên hãy cầu xin được chữa lành nếu Thánh Linh cảm thúc bạn làm điều đó. Nhưng cũng hãy cầu nguyện rằng, nếu sự chữa lành không phải là điều Chúa muốn, thì xin Ngài trang bị cho bạn và người thân sức mạnh, sự thông sáng và sự nhận biết ý muốn Ngài. Hãy cầu xin Chúa ban cho hết thảy chúng ta sự bình an để chịu đựng sự đau đớn, hay sự yếu đuối bằng đôi mắt hướng về thiên đàng, ngay cả khi sự sợ hãi khiến chúng ta phải quỳ xuống. Hãy cầu nguyện rằng khi bóng tối xâm lấn, và ánh sáng trong chúng ta tắt lịm dần, thì ánh sáng của thế giới tâm linh sẽ soi rọi tâm trí và tấm lòng chúng ta, kéo chúng ta đến với chính Ngài trong những giờ phút cuối cùng chúng ta còn trên đất này. Hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta nhận biết trong lòng rằng kết cuộc của chúng ta trên đất này không hề là sự tận cùng.

Cho dù sự chết có vẻ tăm tối đến đâu, thì nó cũng chỉ thoáng qua và tạm thời, chỉ là một hơi thở trước khi nhận lãnh sự sống đời đời.

Tác giả: Kathryn Butler

Người dịch: Khue Tran
Nguồn https://www.desiringgod.org/articles/if-god-doesnt-heal-you

Podcasts

Latest sermons