Tin tức trong thế giới sa ngã của chúng ta ngày nay có quá nhiều thứ khiến chúng ta phải lo lắng – từ vấn đề tội phạm, thảm họa kinh tế đến sự thiệt hại do bệnh tật và môi trường. Đời sống cá nhân bạn có lẽ cũng đầy những nan đề khiến bạn phải lo âu – chẳng hạn như việc phải lo cho tình trạng sức khỏe hiện tại, đối diện với cuộc sống hôn nhân đầy căng thẳng, hay bực bội khi cố tìm một công việc ổn định.
Nhưng dẫu hoàn cảnh bạn gặp phải có thách thức đến đâu, bạn cũng không cần lo lắng. Bạn có thể kinh nghiệm sự bình an trong mọi hoàn cảnh khi hết lòng nương cậy Chúa – là nguồn bình an thật – để được Ngài dẫn dắt.
Dưới đây là một số cách giúp bạn vượt qua sự lo lắng và tìm thấy bình an:
NHẬN THỨC TÁC HẠI CỦA LO LẮNG
“Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay; còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo.” (Châm ngôn 17:22)
Nhận biết những ảnh hưởng tiêu cực của một đời sống lo lắng. Về thể chất, lo lắng có thể khiến sức khỏe bạn bị tổn hại bằng nhiều cách, chẳng hạn như nó có thể khiến huyết áp bạn tăng cao hay tác động tiêu cực đến giấc ngủ và sự tiêu hóa trong cơ thể bạn. Về tinh thần, lo lắng có thể lấn áp những suy nghĩ lành mạnh trong tâm trí bạn, khiến bạn bị cầm tù trong dòng chảy liên tục của sự bối rối và làm cho năng lực bạn bị giới hạn. Về thuộc linh, lo lắng có thể làm cho bạn xa cách Chúa bởi nó khiến bạn đi ngược lại với việc tin cậy Chúa, và cũng có thể cướp mất niềm vui mà Chúa muốn bạn trải nghiệm trong mối liên hệ với Ngài.
CỤ THỂ HÓA NHỮNG SUY NGHĨ CỦA MÌNH
“Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (phi-líp 4:8)
Nói chung, những suy nghĩ lo lắng của bạn giống như một quái vật mà bạn tạo ra qua cách bạn nhìn nhận những sự việc diễn ra trong đời sống mình. Hãy cầu nguyện xin Chúa giúp bạn có cái nhìn chính xác về cuộc sống để nhận biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là thật và đâu là giả. Khi suy nghĩ lo lắng đến với tâm trí bạn, hãy tự hỏi xem nó có thật mang yếu tố khách quan không. Nên nhớ rằng bạn không phải người bất lực với những nỗi sợ của mình. Ngay cả khi nếu những điều tệ hại nhất mà bạn từng lo lắng xảy đến, bạn vẫn có thể đối diện với nó trong năng quyền mà Chúa ban cho bạn.
SỐNG TRONG HIỆN TẠI
“Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.” (Ma-thi-ơ 6:34)
Lo lắng có thể sẽ gợi lên những ký ức căng thẳng trong quá khứ của bạn và khiến bạn lo nghĩ về điều có thể xảy đến trong tương lai. Nhưng Đức Chúa Trời muốn bạn sống trong hiện tại với lòng tin chắc rằng Ngài có thể giúp bạn sống tốt nhất mỗi ngày.
CHUYỂN SUY NGHĨ TIÊU CỰC THÀNH TÍCH CỰC
“Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 8:28)
Đức Chúa Trời ban cho bạn quyền suy nghĩ tiêu cực lẫn tích cực. Hãy cầu nguyện xin Chúa giúp bạn loại bỏ suy nghĩ tiêu cực và giữ lại những gì tích cực trong đời sống. Hãy đổ đầy tâm trí với những chân lý tích cực trong Kinh thánh bằng việc thường xuyên đọc, nghiên cứu, thuộc lòng và áp dụng lời Chúa.
ĐƠN GIẢN HÓA ĐỜI SỐNG
“Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn.” (I Ti-mô-thê 6:6)
Khi đời sống bạn có quá nhiều hoạt động, áp lực chạy theo chúng có thể khiến bạn thêm lo lắng. Hãy rà lại kế hoạch làm việc của mình để xem có thể cắt bỏ được gì nhằm giảm thiểu những áp lực và lo lắng không cần thiết. Xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan để nhận biết điều cần thay đổi, hầu cho mọi việc bạn làm thật sự phản ánh các thứ tự ưu tiên, là những giá trị mà Chúa muốn bạn có trong đời sống. Tránh trì hoãn những việc bạn cần hoàn tất; thay vào đó, mỗi ngày hãy lập ra những mục tiêu hợp lý và gắng sức để đạt đến. Nếu có điều nào bạn muốn thực hiện nhưng lại không thể làm trọn, xin Chúa nhắc bạn nhớ về ân điển Ngài, để bạn bình an trong những gì đã nổ lực thực hiện.
NÊU TỪNG LO LẮNG KHI CẦU NGUYỆN
“Hãy trao mọi lo lắng mình cho Ngài vì Ngài hay săn sóc anh em.” (I Phi-e-rơ 5:7)
Khi lo lắng đến với tâm trí bạn, hãy thưa rõ từng điều với Chúa và xin Ngài giải quyết theo ý muốn Ngài. Hãy tin rằng Chúa sẽ can thiệp vào đời sống bạn và khiến mọi việc hoàn tất tốt đẹp khi bạn trao phó cho Ngài. Hãy nương cậy năng lực Chúa để thực hiện phần việc của mình trong tình huống bối rối đó dưới sự dẫn dắt của Ngài.
CHO PHÉP MÌNH THƯ GIÃN
“Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài.” (Thi thiên 37:7a)
Hãy thường xuyên thư giãn cho dẫu hoàn cảnh bạn đang đối diện có ra sao. Sử dụng những phương pháp thư giãn như thở chậm và sâu, thư giãn cơ bắp, tách mình khỏi tiếng ồn và dành thời gian ngồi yên tĩnh. Tạo thói quen suy ngẫm điều tốt lành và tình yêu Chúa dành cho bạn, và để sự bình an Ngài chiếm ngự tâm hồn mình.
GIẢM THIỂU NỖI LO BẰNG CÁCH TẬP ĐỐI DIỆN DẦN VỚI NÓ
“Ngài tập tay tôi đánh giặc, Đến đỗi cánh tay tôi giương nổi cung đồng.” (Thi Thiên 18:34)
Giảm thiểu nỗi lo đến mức có thể kiểm soát được bằng cách thường xuyên thực hiện một ít việc nào đó liên quan đến nỗi sợ ấy. Dần hồi bạn sẽ khám phá ra rằng uy quyền của Chúa trong bạn lớn hơn nhiều so với nỗi lo của bạn.
CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỨC KHỎE CỦA MÌNH
“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em…” (I Cô-rinh-tô 6:19a)
Những thói quen có hại cho sức khỏe có thể làm tăng cảm giác lo lắng. Cần đảm bảo ngủ đủ giấc và thường xuyên vận động, ăn uống lành mạnh (bao gồm trái cây, rau củ, ngũ cốc, thực phẩm chứa protein nạc, giảm đường và loại chất kích thích), và uống nhiều nước.
GIẢM ÂM LƯỢNG LO LẮNG VÀ TĂNG THÊM TIẾNG CHÚA PHÁN
“Lời Chúa làm cho tôi được sống lại, ấy là sự an ủi tôi trong cơn hoạn nạn.” (Thi Thiên 119:50)
Tiếp tục lắng nghe tiếng Chúa hơn là nghe theo những suy nghĩ hay cảm xúc lo lắng của bạn. Khi bạn tiếp tục lựa chọn việc tin cậy Chúa thay vì tập chú vào sự lo lắng, nỗi lo của bạn sẽ dần hồi được giảm thiểu, và sự bình an bạn trải nghiệm sẽ được gia thêm!
Whitney Hopler
Thảo Anh dịch
(Theo crosswalk.com)