Trang chủ Blog Trang 51

Cách Giúp Trẻ Đọc Kinh Thánh

Tác giả: David Murray

Những bậc phụ huynh Cơ Đốc sốt sắng muốn giúp con mình tập đọc, hiểu, tin cậy và yêu mến Kinh Thánh. Nhưng đa số chúng ta thấy việc này là một thách thức lớn, thậm chí còn dễ gây nản lòng. Kinh Thánh là quyển sách dày và phức tạp khiến ngay cả người lớn cũng sợ đọc. Vậy thì làm sao chúng ta giúp cho con mình làm quen với cuốn sách quan trọng hàng đầu từng được tập hợp lại, để chúng bắt đầu thói quen yêu thích đọc Kinh Thánh hằng ngày?

Không hề có công thức đơn giản nào để áp dụng thành công ở đây. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và Thánh Linh cũng hành động theo nhiều cách khác nhau ở từng thời điểm khác nhau đối với từng đứa trẻ. Nhưng tôi đã tìm ra một số phương cách nói chung có hiệu quả. Vừa là phụ huynh của năm đứa con, đồng thời cũng là một mục sư, tôi xin chia sẻ tám điều tôi thấy là hữu ích.

  1. Cho Trẻ Giữ Riêng Cuốn Kinh Thánh Trẻ Ưa Thích

Bạn có cho con mình giữ riêng một cuốn Kinh Thánh chưa? Nếu chưa, hãy cho nó một quyển. Hãy mua cuốn đẹp nhất theo khả năng của bạn, cuốn mà trẻ thích cầm trong tay ngắm nghía, cuốn có thể nói lên nội dung đặc biệt và quí giá bên trong.

Bạn có thể mua một cuốn Kinh Thánh dùng cho trẻ em nghiên cứu. Crossway vừa xuất bản cuốn Kinh Thánh Minh Họa (Illuminated Bible), ngay khi các con tôi vừa nhìn thấy, là muốn có ngay một cuốn, lật từng trang và háo hức đọc.

Hãy cho con bạn một cuốn Kinh Thánh toát lên giá trị, vẻ đẹp cùng chất lượng. Một quyển Kinh Thánh phát ra chính thông điệp mạnh mẽ bên trong.

  1. Làm Gương cho Trẻ Noi Theo

Mặc dù thế, nhưng cuốn Kinh Thánh hay nhất cũng sẽ chỉ nằm trên kệ sách đóng bụi, nếu con chúng ta không nhìn thấy chúng ta cũng chuyên tâm, nhiệt tình và háo hức đọc.

Lúc còn bé, tôi không bao giờ có thể hiểu vì sao cha tôi dậy thật sớm trước khi người khác thức dậy, để đọc Kinh Thánh rồi mới đi làm. Tôi cũng nhớ đã từng thắc mắc về thói quen của bà tôi, dù đau ốm, vẫn đọc Kinh Thánh khi có cơ hội. Sao lại có người già như vậy mà còn ham thích đọc Kinh Thánh đến thế? Tuy lúc còn nhỏ tôi không hiểu lý do, nhưng hai tấm gương vừa nêu đã in sâu trong lòng tôi và, dù có nhận ra hay không, cũng ảnh hưởng đến cuộc đời tôi cho tới ngày hôm nay.

  1. Cho Trẻ một Động Cơ Thôi Thúc

Tôi có quen một thanh niên. Người này cảm thấy khó xuống khỏi giường vào mỗi buổi sáng để đi làm. Chúng tôi có nói với nhau về chuyện này, và vấn đề nằm ở chỗ anh không tìm thấy lý do để làm việc, dù anh làm việc chăm chỉ, vì vậy anh không thấy động cơ thôi thúc trong công việc. Lý do không đủ quan trọng để giúp anh bỏ chân xuống khỏi giường khi chuông đồng hồ ngưng reo.

Nếu muốn con mình đọc Kinh Thánh, chúng ta cần cho chúng biết lý do quan trọng. “Cứ đọc đi!” thì chưa đủ. Tại sao cần đọc Kinh Thánh mỗi ngày? Bởi vì, cùng với việc trung tín nghe giảng lời Chúa thì đọc Kinh Thánh đều đặn là cách chủ yếu và thông thường mà qua đó Đức Chúa Trời phán với chúng ta ngày nay. Kinh Thánh không chỉ là lời khôn ngoan nhằm giúp chúng ta sống tốt hơn,mà còn là lời sự sống đời đời có thể khiến chúng ta “khôn ngoan để được cứu nhờ đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (2 Ti-mô-thê 3:15).

  1. Cho Trẻ một Kế Hoạch Khả Thi, Rõ Ràng

Khi đã cho biết lý do, chúng ta cần chỉ ra phương cách. Trẻ thực hiện điều này bằng cách nào? Bắt đầu từ đâu? Mỗi ngày phải đọc bao nhiêu? Nên đọc Cựu Ước hay Tân Ước?

Chúng ta cần cho trẻ một kế hoạch khả thi, rõ ràng, nếu không, trẻ sẽ chỉ đọc lòng vòng trong Kinh Thánh, không hiểu gì về mục đích hoặc tiến triển của sự việc, và cuối cùng trẻ sẽ bỏ cuộc. Cách lý tưởng nhất là từ từ đưa dắt trẻ đi xuyên suốt các phần quan trọng nhất của Kinh Thánh qua các bài đọc khả thi mỗi ngày. Đã có sẵn nhiều kế hoạch đọc Kinh Thánh, hoặc bạn có thể tự vạch kế hoạch riêng thích hợp với con của bạn. Đừng nghĩ bạn sẽ có được ngay một kế hoạch hoàn hảo. Hãy cầu xin Thánh Linh hướng dẫn và giúp con bạn thử nghiệm cho tới khi bạn tìm ra một kế hoạch có vẻ hiệu quả với trẻ.

  1. Giúp Trẻ Đặt Câu Hỏi

Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thử nhiều phương cách khác nhau để buộc tôi đọc Kinh Thánh, nhưng cách hiệu quả nhất là đặt câu hỏi. Đôi lúc ông nêu một câu hỏi đơn giản có liên quan với điều tôi đang đọc. Việc nầy bảo đảm là tôi phải đọc phân đoạn đó để tìm ra câu trả lời, nhưng cũng rèn luyện tôi cách đặt câu hỏi về Kinh Thánh. Hơn nữa, nó còn tạo cho tôi thói quen tương tác với Kinh Thánh để giúp tôi không đọc theo kiểu thụ động mà phải linh động. Các câu hỏi thường liên quan đến nội dung của phân đoạn, nhưng về sau, khi tôi đã lớn, thì những câu hỏi chuyển sang câu hỏi ý nghĩa và áp dụng.

Các câu hỏi tôi dùng để hướng dẫn các con tôi là: Phân đoạn nầy dạy chúng ta điều gì về Đức Chúa Trời? Về tội lỗi? Về sự cứu rỗi? Về Đấng Christ? Về Phúc âm? Về cuộc sống đời nầy và đời sau? Bạn có thể hỏi những câu khác. Nhưng hãy dạy cho trẻ biết thắc mắc về phân đoạn Kinh Thánh ấy.

  1. Cho Trẻ Câu Trả Lời Khi Trẻ Thắc Mắc

Con của bạn sẽ có những thắc mắc riêng về những phân đoạn mà trẻ không hiểu hoặc về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Bạn phải vui vẻ đón nhận những thắc mắc đó. Hãy thường xuyên hỏi trẻ về điều trẻ đang đọc. Hãy cho trẻ biết rằng bạn muốn trẻ đặt câu hỏi với bạn về Kinh Thánh và nhất là về mối liên quan giữa Kinh Thánh với cuộc sống của trẻ.

Có thể trẻ hỏi những câu mà bạn không thể trả lời. Nhưng không sao. Chỉ cần nói với trẻ là bạn sẽ tìm hiểu và tìm ra câu trả lời, hoặc nhờ mục sư hay một Cơ Đốc nhân trưởng thành giải đáp cho trẻ. Cho dù trẻ thắc mắc điều gì, bạn cũng phải xem trọng câu hỏi của trẻ và luôn luôn hồi đáp, nếu bạn muốn trẻ tiếp tục thắc mắc.

  1. Khích Lệ Trẻ Tiếp Tục Đọc

Một trong những thói quen tốt nhất chúng ta có thể tập trong gia đình là họp nhau lại khoảng 10-15 phút sau khi từ nhà thờ về mỗi sáng Chúa Nhật, để thảo luận các bài đọc Kinh Thánh trong tuần qua. Chúng ta sẽ kiểm tra xem trẻ có trả lời hết câu hỏi chưa và tạo cơ hội thảo luận điều trẻ học được.

Khi trẻ đã lớn, chúng ta sẽ giảm bớt việc nầy. Thay vào đó, chúng ta cố gắng trò chuyện thân mật với trẻ về điều trẻ đang đọc để khích lệ trẻ tiếp tục đọc.

  1. Bày Tỏ Thông Cảm Khi Trẻ Thất Bại

Giống như bạn, con của bạn cũng sẽ có lúc thất bại. Trẻ sẽ quên đọc. Trẻ sẽ giả vờ như có đọc. Trẻ sẽ tỏ ra lờ đờ và lười nhác. Trẻ sẽ viện ra đủ mọi lý do để biện hộ. Chớ nên bỏ cuộc. Hãy thông cảm với trẻ!

Nếu con của bạn chưa được tái sanh, chúng sẽ làm bạn thất vọng trong lãnh vực nầy nhiều lần. Đừng bỏ cuộc. Hãy cho trẻ thêm cơ hội! Kiên trì cho trẻ thấy ân điển của Đấng Christ cùng Phúc âm của Ngài khỏa lấp tội lỗi của trẻ và giục giã trẻ vâng phục.

Một trong những món quà quí nhất bạn tặng cho con mình chính là sự quen thuộc với Kinh Thánh cùng sứ điệp của Kinh Thánh. Hãy cho con bạn một cuốn Kinh Thánh riêng để đọc, nêu gương cho trẻ noi theo, cho trẻ một động cơ thôi thúc, và một kế hoạch có thể áp dụng, giúp trẻ đặt những câu hỏi về phân đoạn Kinh Thánh, giải đáp cho trẻ những câu hỏi về Kinh Thánh, khích lệ trẻ tiếp tục đọc, và thông cảm cho trẻ trong những vấp ngã và thất bại.

Người dịch: Khuê Trần
Lược dịch từ: www.desiringod.org

Kinh Thánh Nói Gì Về Phá Thai?

Kinh Thánh không đề cập cụ thể vấn đề đến phá thai. Tuy nhiên, có nhiều lời dạy dỗ trong Kinh Thánh cho thấy rõ quan điểm của Chúa về việc phá thai. Giê-rê-mi 1:5 nói rằng Đức Chúa Trời biết chúng ta trước khi Ngài tạo nên chúng ta trong lòng mẹ. Thi Thiên 139:13-16 nói đến vai trò tích cực của Chúa trong sự tạo dựng chúng ta trong lòng mẹ. Xuất 21:22-25 quy định hình phạt cho người gây ra cái chết cho thai nhi trong bụng mẹ cũng giống hình phạt cho người phạm tội giết người, đó là tử hình. Điều này rõ ràng cho thấy Đức Chúa Trời xem em bé trong bụng mẹ cũng là người như một người lớn đã phát triển đầy đủ. Đối với Cơ Đốc nhân, phá thai không phải là vấn đề liên quan đến quyền lựa chọn của người phụ nữ, mà là vấn đế về sự sống và sự chết của một con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng 1:26-27: 9:6).

Lý lẽ đầu tiên thường nổi lên chống lại quan điểm Cơ Đốc về việc phá thai là: “Trường hợp bị cưỡng hiếp và/ hoặc loạn luân thì sao?” Thật khủng khiếp khi mang thai vì bị cưỡng hiếp và/ hoặc loạn luân. Trong trường hợp đó, bỏ em bé có phải là giải pháp không? Hai điều sai không tạo nên điều đúng. Đứa trẻ ra đời từ vụ hiếp dâm hoặc loạn luân có thể được cho làm con nuôi trong một gia đình tử tế mà không thể có con, hoặc đứa trẻ được giao cho người mẹ nuôi. Hơn nữa, đứa trẻ hoàn toàn vô tội và không nên bị trừng phạt vì tội ác của cha nó.

Lý lẽ thứ hai chống lại quan điểm Cơ Đốc về việc phá thai là “Trường hợp mạng sống của người mẹ bị đe doạ thì sao?” Thành thật mà nói, đây là câu hỏi khó trả lời nhất liên quan đến phá thai. Trước tiên, chúng ta cần nhớ rằng tình huống này là lý do cho không đến một phần mười trong số một phần trăm ca phá thai trên thế giới ngày hôm nay. Ngày càng có nhiều phụ nữ phá thai vì sự tiện lợi hơn là để cứu mạng sống họ. Thứ hai, chúng ta cần nhớ rằng Đức Chúa Trời là Chúa của phép lạ. Ngài có thể bảo toàn tính mạng của người mẹ và đứa trẻ cho dù mọi phương tiện y học đều bó tay. Dẫu vậy, cuối cùng thì câu hỏi này chỉ có thể được quyết định giữa hai vợ chồng và Đức Chúa Trời. Bất kỳ cặp vợ chồng nào đối diện với tình huống hết sức khó khăn này cũng cần phải cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan (Gia-cơ 1:5) để biết Ngài muốn họ làm gì.

Hơn 95 phần trăm ca phá thai ngày hôm nay đơn giản là vì người phụ nữ không muốn có em bé. Không đến 5 phần trăm ca phá thai là vì bị cưỡng hiếp, loạn luân hoặc sức khoẻ người mẹ bị đe doạ. Ngay cả trong năm phần trăm trường hợp khó xử hơn, phá thai cũng không bao giờ nên là lựa chọn đầu tiên. Sự sống của một con người trong bụng mẹ đáng nhận được mọi nỗ lực để đứa trẻ được chào đời.

Đối với những người đã phá thai, hãy nhớ rằng tội phá thai không phải là tội khó tha thứ hơn các tội khác. Bởi đức tin trong Đấng Christ, mọi tội đều có thể được tha (Giăng 3:16; Rô-ma 8:1; Cô-lô-se 1:14). Người phụ nữ đã phá thai, người đàn ông khuyến khích phá thai hay thậm chí vị bác sĩ thực hiện phá thai- tất cả đều có thể được tha nhờ đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ và sự ăn năn thật lòng.

Khue Tran dịch
Nguồn: Gotquestions.org

Cách Xử Lý Xung Đột Trong Hôn Nhân

(Hay Trong Bất Kỳ Mối Quan Hệ Nào Khác)

Do bản chất sa ngã của con người, xung đột trong hôn nhân là một thực tế của cuộc sống, ngay cả với những tín hữu trong Đấng Christ. Việc truyền thông yêu thương không hề đến một cách tự nhiên hay dễ dàng chút nào. Đối với người chưa tin Chúa, giải pháp cho những xung đột là rất khó vì nếu không có Chúa Giê-xu, con người hoàn toàn không có khả năng để sống yêu thương một cách vô vị kỷ (Ê-phê-sô 4:22-32). Thế nhưng, người Cơ Đốc có Kinh thánh là lời quyền năng của Chúa, chứa đựng những chỉ dẫn cho các mối quan hệ. Áp dụng các nguyên tắc Kinh thánh vào những mối quan hệ sẽ khiến chúng ta xử lý xung đột trong hôn nhân một cách hiệu quả nhất.

Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất về việc giải quyết xung đột trong các mối quan hệ, nhất là trong hôn nhân, đó là chúng ta phải yêu nhau như Chúa đã yêu chúng ta (Giăng 13:34) và hy sinh mạng sống Ngài vì cớ chúng ta. Ê-phê-sô 5:21-6:4 mô tả các mối quan hệ trong gia đình: chúng ta phải vâng phục nhau trong yêu thương và đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân mình. Điều này đặc biệt đúng trong hôn nhân, là nơi người chồng phải yêu vợ như Chúa đã yêu Hội Thánh và chăm sóc nàng như chính thân thể mình. Cũng vậy, người vợ phải vâng phục và tôn trọng chồng (Ê-phê-sô 5:22-23).

Lời chỉ dẫn này dường như khá đơn giản nhưng vấn đề là con người thường có khuynh hướng đối phó hơn là phòng chống trong các mối quan hệ. Những người vợ thường dễ phục tùng những người chồng yêu thương họ như Đấng Christ yêu Hội thánh, và những người chồng cũng thường sẵn lòng yêu những người vợ biết tôn trọng và phục tùng họ. Vấn đề nằm ở đây. Người này đợi người kia hành động trước. Nhưng mạng lịnh của Đức Chúa Trời cho cả chồng và vợ là vô điều kiện. Sự phục tùng không phụ thuộc vào tình yêu, và tình yêu không phụ thuộc vào sự tôn trọng. Chủ động tiến bước đầu tiên trong sự vâng lời, cho dẫu hành động của người kia là thế nào, là cách để phá bỏ xung đột và thiết lập những cách cư xứ mới.

Vì thế, khi xung đột trong hôn nhân xuất hiện thì việc đầu tiên cần làm là tự xét lại mình (2 Cô-rinh-tô 13:5). Sau khi trình dâng Chúa những ưu tư của bản thân và thành thật với chính mình về những thất bại hay những ước muốn ích kỷ, chúng ta mới có thể tiếp cận người kia với những ưu tư của mình. Hơn nữa, Chúa muốn người Cơ Đốc phải đáp ứng nhu cầu của nhau trong sự bình hòa (Cô-lô-se 3:15). Tất cả chúng ta đều cần ân điển cho những sai phạm của mình, và chúng ta cũng phải bày tỏ ân điển đối với người khác khi nói về nhu cầu và ưu tư của mình (Cô-lô-se 4:6).

Nói ra lẽ chân thật trong tình yêu là chìa khóa để được lắng nghe vì chỉ khi chúng ta nói với người khác về giá trị của họ trong mắt của mình thì họ mới có thể chấp nhận những sự thật khó nghe (Ê-phê-sô 4:15). Khi người ta cảm thấy bị tấn công hay bị chỉ trích, họ sẽ tự vệ và chắc hẳn khi đó việc truyền thông chẳng còn hiệu quả nữa. Trái lại, khi người khác cảm thấy chúng ta quan tâm đến họ và muốn điều tốt cho họ, họ sẽ tin rằng chúng ta nói với họ trong tình yêu thương và quan tâm đến lợi ích của họ. Vì thế, việc nói ra lẽ chân thật trong tình yêu là hoàn toàn quan trọng trong việc giải quyết xung đột. Điều này đúng trong hôn nhân, nơi mà chúng ta có mối liên hệ thường xuyên và liên tục với người phối ngẫu, là người từng khiến chúng ta thất vọng và thường đem điều tệ hại nhất đến cho chúng ta. Cảm xúc tổn thương sinh ra những lời lẽ cay độc, và rồi lại khiến cảm xúc bị tổn thương nhiều hơn. Tập tành kỷ luật trong việc suy nghĩ cẩn thận và cầu nguyện trước khi nói có thể giúp phá vỡ vòng lẩn quẩn này. Sự truyền thông đẹp lòng Chúa có thể gom tóm trong một câu đơn giản là hãy đối xử với người khác như cách mình muốn người khác đối xử với mình (Lu-ca 6:31). Chúa Giê-xu dạy “phước cho những người hòa giải,” và đó phải luôn là mục tiêu của người Cơ Đốc (Ma-thi-ơ 5:9).

Có nhiều khía cạnh trong các mối quan hệ, xung đột và sự truyền thông, và Kinh Thánh thì chứa đầy những lời khôn ngoan về cách sống tin kính. Dưới đây là những mạng lịnh cụ thể của Kinh Thánh về cách chúng ta phải đối xử với nhau:

Để giải quyết xung đột hôn nhân, chúng ta phải:

Sống hòa thuận nhau – Mác 9:50

Yêu thương nhau – Giăng 13:34; Rô-ma 12:10; 1 Phi-e-rơ 4:8; 1 Giăng 3:11, 23; 4:7, 11, 12.

Gây dựng nhau – Rô-ma 14:19; Ê-phê-sô 4:12; 1 Tê 5:11

Đồng tư tưởng với nhau – Rôma 12:16

Kính nhường nhau – Rô-ma 12:10

Chào thăm nhau – Rô-ma 16:16

Xem người kia tôn trọng hơn mình – Phi-líp 2:3

Phục vụ nhau – Galati 5:13

Tiếp nhận nhau – Rô-ma 15:7

Hết lòng với nhau – Rôma 12:10

Vui khóc với nhau – Rô-ma 12:15

Khuyên bảo nhau – Rô-ma 15:14; Cô-lô-se 3:16

Chăm sóc nhau – 1 Cô-rinh-tô 12:25

Chịu đựng nhau – Rôma 15:1-5; Ê-phê-sô 4:2; Cô-lô-se 3:13

Sống nhân từ và tha thứ nhau – Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 3:13

Phục tùng nhau – Rô-ma 12:10; Ê-phê-sô 5:21; 1 Phi-e-rơ 5:5

An ủi nhau – 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:18

Khích lệ nhau – 1 Tê-sa-lôni-ca 5:11; Hê-bơ-rơ 3:13

Có lòng nhân từ với nhau – 1 Phi-e-rơ 3:8

Cầu nguyện cho nhau – Gia-cơ 5:16

Xưng tội cùng nhau – Gia-cơ 5:16

Chấp nhận nhau – Rô-ma 14:1; 15:7

Để giải quyết xung đột trong hôn nhân, chúng ta không được:

Kiêu căng chống đối nhau – 1 Cô-rinh-tô 4:6

Xét đoán nhau – Rô-ma 12:16

Nói dối nhau – Cô-lô-se 3:9

Thiên vị nhau – 1 Ti-mô-thê 5:21

Khiêu khích hay ganh ghét nhau – Ga-la-ti 5:26

Un đốt tình dục lẫn nhau – Rô-ma 1:27

Ganh ghét nhau – Tít 3:3

Đưa nhau ra tòa – 1 Cô-rinh-tô 6:1-7

Lợi dụng nhau – Ga-la-ti 5:15

Người Dịch: Thảo Anh
Nguồn: https://www.gotquestions.org/marriage-conflict.html

Làm Sao Để Cơ Đốc Nhân Đã Kết Hôn Tránh Cám Dỗ Ngoại Tình?

Khi một người đã có gia đình lại thân mật và gần gũi về tình cảm với một người không phải là vợ/chồng của mình thì đó là cám dỗ có nguy cơ dẫn đến ngoại tình. Sự thân mật về tình cảm với người không phải là vợ/chồng của mình có thể làm cho mối quan hệ hôn nhân riêng trở nên lạnh nhạt dần. Ngoài ra, thân mật tình cảm thường dẫn tới thân mật thể xác và sẽ hủy phá ngay chính hôn nhân của bản thân. Nhiều người phủ nhận tính nghiêm trọng của loại quan hệ tình cảm này, nhưng mối quan hệ như vậy không hề là vô hại, và có thể hủy phá hôn nhân cũng như làm gia đình tan nát.

Vợ chồng cần chia sẻ với nhau những nan đề, cảm nghĩ cùng nhu cầu riêng của mỗi người và xác định ranh giới cho những chuyện có thể chia sẻ với người ngoài và những người ngoài đó là ai. Có bạn bè bên ngoài mối quan hệ hôn nhân là chuyện bình thường, nhưng việc dựa vào người ngoài để đáp ứng nhu cầu tình cảm có thể trở thành cám dỗ, nhất là khi vợ chồng thường xuyên sống xa nhau. Bạn làm việc chung và những người bạn thường xuyên tiếp xúc sẽ trở thành chỗ dựa tình cảm thay chỗ của người phối ngẫu. Vì thế, mối quan hệ đồng nghiệp và tình bạn cần có ranh giới đúng mức để bảo đảm không vượt ra ngoài giới hạn.

Có những dấu hiệu cảnh báo khi nào tình bạn vô tư có thể dẫn tới loại quan hệ tình cảm này. Khi bắt đầu muốn che giấu những khía cạnh trong một mối quan hệ, tức là chúng ta đang vượt rào vào vùng cấm. Xa cách về mặt tình cảm giữa vợ chồng hoặc gia tăng cãi vã có thể là dấu hiệu cho thấy người phối ngẫu đang thân thiết với một người khác. Phải gần gũi mới thân mật được, cho nên không thể thân mật khi người phối ngẫu đã gần gũi với một người khác phái khác.

Cơ Đốc nhân phải cảnh giác trước cám dỗ nương dựa ai đó không phải là người phối ngẫu do Đức Chúa Trời ban cho mình. Sau đây là một số lựa chọn khôn ngoan:

  1. Tránh những lúc chỉ có một mình bạn với người khác phái, nhất là người mà bạn thích.
  2. Đừng dành thời gian cho ai đó nhiều hơn thời gian bạn dành cho người phối ngẫu.
  3. Đừng kể với người khác những điều riêng tư trong cuộc sống mình trước khi kể cho người phối ngẫu.
  4. Hãy sống trong suốt với nhau. Làm mọi việc như thể người phối ngẫu đang có mặt.
  5. Dành thời gian học Kinh Thánh và cầu nguyện cá nhân. Hãy cầu xin Chúa dựng hàng rào chung quanh hôn nhân của bạn (Gióp 1:10).
  6. Duy trì nếp suy tư trong sáng. Đừng ưa thích những ý tưởng lãng mạn về người khác.
  7. Sắp xếp thời gian mỗi ngày, mỗi tuần và mỗi tháng để ở bên người phối ngẫu và dùng thời gian đó vun đắp tình cảm cho nhau.

Tất cả những lựa chọn nầy sẽ giúp Cơ Đốc nhân nhận biết những điểm yếu của mình và tránh xa những cám dỗ trong quan hệ tình cảm với người khác phái.

Hôn nhân và gia đình chỉ phải đứng sau Chúa mà thôi trong thứ tự ưu tiên của người Cơ Đốc. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có thể đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu chúng ta, và Ngài chiếm ưu tiên số một. Đức Chúa Trời chỉ định hôn nhân là sự liên kết hai người thành một (Sáng 2:24). Ngài muốn họ cùng phát triển và không cho phép điều gì phân rẽ họ (Ma-thi-ơ 19:6). Vợ chồng phải xem trọng mối quan hệ với nhau theo cách của Chúa và tìm mọi cách tăng cường cũng như vun đắp sự gần gũi ấy. Chúa cấm ngoại tình hoặc ham muốn người khác ngoài hôn nhân (Châm Ngôn 6:25; Xuất 20:14; Ma-thi-ơ 5:28). Những người bước ra ngoài khuôn mẫu Chúa đã thiết kế để thỏa mãn nhu cầu riêng thì phạm tội với Đức Chúa Trời và có thể hủy hoại các mối quan hệ của mình (Châm Ngôn 6:32; I Cô-rinh-tô 6:9-20).

Nhiều người trên thế giới cho rằng người đã kết hôn cần có thêm “không gian” tới mức phải sống độc lập thì mới có được mối quan hệ lành mạnh. Kinh Thánh không hề cổ vũ cho mối quan hệ gần gũi không lành mạnh. Tuy nhiên, theo định nghĩa, hôn nhân là cuộc sống cùng lập kế hoạch và cùng sống bên nhau; đó là sự phụ thuộc lẫn nhau. Những ai không hiểu kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân có thể nghĩ rằng chia sẻ mọi thứ với chỉ một người là thiếu lành mạnh, nhưng chính điều đó mới làm cho hôn nhân không giống bất kỳ mối quan hệ nào khác. Đó là sự kết hiệp phước hạnh giữa hai người và phản chiếu sự kết hiệp giữa Đấng Christ với Hội thánh của Ngài.

Thân mật với ai khác ngoài người phối ngẫu, dù là thân mật thể xác hay tình cảm, cũng đều là tội và xúc phạm lòng tin giữa hai vợ chồng.

Người dịch: Khue Tran
Nguồn https://www.gotquestions.org/emotional-affairs.html

Vợ, Chồng Có Vai Trò Gì Trong Gia Đình?

Tuy nam nữ bình đẳng trong mối liên hệ với Đấng Christ, nhưng Kinh Thánh có phân biệt vai trò cụ thể của mỗi người trong hôn nhân. Người chồng phải là người lãnh đạo trong gia đình (1 Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 5:23). Vai trò lãnh đạo nầy không mang tính chất độc tài, kẻ cả hoặc trịch thượng đối với vợ, mà phải theo gương Đấng Christ trong cách lãnh đạo Hội thánh. “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng đạo làm cho hội tinh sạch” (Ê-phê-sô 5:25-26). Đấng Christ yêu Hội thánh (dân sự của Ngài) bằng lòng thương xót, nhân từ, tha thứ, tôn trọng và vị tha. Chồng cũng phải yêu vợ theo cách giống như vậy.

Vợ phải thuận phục thẩm quyền của chồng. “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh. Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh. Ấy vậy như Hội thánh phục dưới Đấng Christ thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự” (Ê-phê-sô 5:22-24). Dù phụ nữ phải thuận phuc chồng, nhưng Kinh Thánh cũng nhiều lần nói về cách đàn ông phải cư xử với vợ mình. Người chồng không được đóng vai nhà độc tài mà phải tôn trọng vợ cùng ý kiến của vợ. Thật ra, Ê-phê-sô 5: 28-29 khuyên các ông phải yêu vợ như yêu chính thân mình, nuôi dưỡng và chăm sóc vợ. Người nam phải yêu vợ bằng tình yêu của Đấng Christ dành cho thân của Ngài là Hội thánh.

“Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, vì điều đó hợp ý Chúa. Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với vợ” (Cô-lô-se 3:18-19). “Những người làm chồng cũng vậy, hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quý trọng vợ như phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống, để không có điều gì ngăn trở sự cầu nguyện của anh em”(1Phi-e-rơ 3:7, Bản Hiệu Đính). Dựa vào các câu nầy chúng ta thấy rằng tình yêu cùng sự tôn trọng là đặc điểm trong vai trò của cả chồng lẫn vợ. Nếu có tình yêu và sự tôn trọng, thì uy quyền, vai trò làm đầu và sự thuận phục sẽ chẳng phải là vấn đề đối với bên nào cả.

Về vấn đề chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, Kinh thánh dạy người chồng phải chu cấp đầy đủ cho gia đình. Điều này có nghĩa là phải làm việc và kiếm tiền để đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của vợ con. Không làm được như vậy sẽ gây hậu quả thuộc linh rõ rệt. “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (1 Ti-mô-thê 5:8). Vì vậy, đàn ông không cố gắng cung ứng cho gia đình thì không thể được gọi là Cơ Đốc nhân đúng nghĩa. Điều này không có nghĩa là người vợ không cần phụ giúp để chu cấp cho gia đình – Châm ngôn 31 chứng minh người vợ tin kính chắc chắn làm điều đó- nhưng nuôi gia đình không phải là trách nhiệm chính yếu của vợ mà là của chồng. Mặc dù chồng cũng phải giúp nuôi dạy con cũng như công việc nhà (nhờ đó làm tròn trách nhiệm yêu thương vợ), nhưng Châm ngôn 31 cũng nói rõ gia đình phải là lãnh vực chính mà người vợ chịu trách nhiệm và tạo ảnh hưởng. Cho dù người vợ phải thức khuya dậy sớm, thì gia đình vẫn thuộc trách nhiệm chăm sóc của người vợ. Đây không phải là lối sống dễ dàng đối với phụ nữ- nhất là trong các nước giàu có Tây phương. Tuy nhiên, có quá nhiều phụ nữ bị căng thẳng tới mức ngã quị. Nhằm ngăn ngừa căng thẳng, cả vợ lẫn chồng cần cầu nguyện để tái lập thứ tự ưu tiên và làm theo lời dạy của Kinh Thánh về vai trò của mình.

Xung khắc về việc phân chia công việc trong hôn nhân chắc chắn phải có, nhưng nếu cả hai đều thuận phục Đấng Christ, thì xung khắc sẽ giảm đi nhiều. Nếu vợ chồng thường xuyên và kịch liệt cãi nhau về vấn đề nầy, thì vấn đề là ở đời sống thuộc linh. Nếu vậy cả hai cần cam kết cầu nguyện và thuận phục ý Chúa trước tiên, sau đó thuận phục nhau trong tình yêu và sự tôn trọng.

Người dịch: Khue Tran
Nguồn: https://www.gotquestions.org/roles-husband-wife-family.html

Cơ Đốc Nhân Phải Kỷ Luật Con Cái Như Thế Nào? Kinh Thánh Dạy Gì Về Vấn Đề Này?

Việc kỷ luật hay sửa phạt con cái như thế nào để có thể mang lại hiệu quả nhất là một trách nhiệm đầy thách thức đối với các bậc làm cha làm mẹ, tuy nhiên đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Một số bậc phụ huynh cho rằng việc kỷ luật con như đánh đòn (quất roi vào mông) là phương pháp duy nhất chỉ có Kinh Thánh ủng hộ. Một số khác thì lại nghĩ đến biện pháp kỷ luật Time-Out (cưỡng bách cách ly: bắt trẻ ngồi yên trên ghế một thời gian ngắn tùy độ tuổi hoặc tịch thu có quy định thời hạn một món đồ chơi nào đó của trẻ) và những hình phạt không liên quan đến roi vọt có hiệu quả hơn nhiều. Kinh Thánh nói gì về vấn đề này?

Kinh Thánh khẳng định rằng việc kỷ luật con cái bằng roi vọt là thích hợp, có ích lợi và thật sự cần thiết. Đừng vội hiểu lầm – Kinh Thánh không có ý chủ trương bạo hành trẻ con. Việc kỷ luật trẻ một cách thô bạo trên thân thể chúng đến mức độ gây thương tích là một hành động cần chê trách và đáng bị lên án. Tuy nhiên, theo lời Kinh Thánh, kỷ luật bằng roi vọt một cách hợp lý và thận trọng là điều tốt và nó góp phần trong sự dạy dỗ trẻ một cách lành mạnh và đúng đắn.

Thật vậy, có nhiều câu Kinh Thánh khuyến khích việc kỷ luật trẻ bằng roi vọt, chẳng hạn: “Chớ tha sự sửa phạt trẻ thơ. Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ.” (Châm Ngôn 23:13-14; xem thêm 13:24, 22:15, 20:30). Thật vậy, Kinh Thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kỷ luật trẻ. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần phải được trải nghiệm để có thể trở thành những con người sống có giá trị và hữu dụng. Những đứa trẻ khi còn nhỏ nếu không được kỷ luật một cách nghiêm khắc thì khi lớn lên sẽ trở nên ngang bướng, coi thường thẩm quyền, và hậu quả là rất khó để đưa chúng trở lại sự thuận phục và đi trong đường lối của Chúa. Chính Đức Chúa Trời đã áp dụng biện pháp kỷ luật nghiêm khắc để sửa trị con cái Ngài và đưa chúng ta trở lại con đường ngay thẳng; và cũng qua đó chúng ta có cơ hội ăn năn những lỗi lầm của mình (Thi Thiên 94:12, Châm Ngôn 1:7, 6:23, 12:1, 13:1, 15:5; Ê-sai 38:16; Hê-bơ-rơ 12:9).

Để áp dụng biện pháp kỷ luật một cách đúng đắn và tuân theo những nguyên tắc Thánh Kinh, cha mẹ của trẻ phải ghi nhớ nằm lòng những lời khuyên trong Kinh Thánh liên quan đến điều này. Sách Châm Ngôn chứa đựng rất nhiều những lời dạy khôn ngoan liên quan đến việc giáo huấn con cái, ví dụ như: “Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan; còn con trẻ phóng túng làm mắc cỡ cha mẹ mình.” (Châm Ngôn 29:15). Câu Kinh Thánh này phác thảo viễn cảnh của những đứa trẻ không được kỷ luật nghiêm khắc mà hậu quả là cha mẹ chúng sẽ phải chịu sự hổ thẹn. Dĩ nhiên, việc kỷ luật là phải đúng mục đích và mục tiêu là để tốt cho đứa trẻ. Tuyệt đối không được áp dụng những hình phạt kỷ luật để biện minh cho hành động bạo hành và ngược đãi trẻ con. Cha mẹ cũng không nên dùng roi vọt để trút cơn giận hoặc nỗi thất vọng của mình lên chúng.

Việc kỷ luật thường được áp dụng để sửa trị và giáo huấn con người đi vào đường lối ngay thẳng: “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.” (Hê-bơ-rơ 12:11). Sự sửa phạt của Chúa mang thông điệp của tình yêu thương. Thiết tưởng điều này cũng cần được áp dụng khi cha mẹ sửa phạt con cái. Việc kỷ luật bằng roi vọt không được để lại những sự đau đớn hay những tổn hại lâu dài trên thân thể trẻ. Nên an ủi vỗ về trẻ sau khi sửa phạt bằng roi vọt để chúng hiểu rằng chúng luôn được yêu thương ngay cả khi đang chịu sự sửa trị. Những khoảnh khắc này chính là thời điểm hoàn hảo để dạy trẻ biết rằng: Đức Chúa Trời luôn kỷ luật chúng ta bởi lòng yêu thương của Ngài; và vì thế cha mẹ cũng áp dụng điều này đối với các con yêu quí của mình.

Có hình thức kỷ luật nào khác không? Ví dụ như biện pháp “Time-Out” (như đã nói ở trên) để áp dụng thay cho việc kỷ luật bằng roi vọt? Một vài phụ huynh nhận ra rằng đối với con của họ việc kỷ luật bằng đòn roi không phát huy tác dụng. Một số khác thì nhận thấy rằng biện pháp “Time-Out” thì có tác dụng hơn trong việc khuyến khích trẻ thay đổi hành vi. Nếu như trường hợp này thật sự hữu hiệu, sau khi đã thử hết cách, thì phụ huynh nên áp dụng phương pháp nào mà mang lại hiệu quả hơn trong việc khuyến khích trẻ thay đổi hành vi. Mặc dù Kinh Thánh không phủ nhận việc khuyến khích kỷ luật trẻ bằng roi vọt, nhưng lời Chúa quan tâm đến mục tiêu là xây dựng trẻ có nếp sống đạo hơn là đưa ra một biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó.

Hiện nay, chính phủ của một số quốc gia trên thế giới đã và đang cho rằng tất cả những hình thức kỷ luật trẻ con liên quan đến cơ thể chúng đều được cho là hành vi bạo hành trẻ. Vì lý do đó, có nhiều bậc phụ huynh đã không dám đánh đòn con vì họ sợ bị tố đến cảnh sát và có thể sẽ bị tước quyền chăm sóc chúng. Các bậc phụ huynh chúng ta nên làm gì nếu như quốc gia sở tại của mình cho rằng việc kỷ luật trẻ bằng roi vọt là vi phạm pháp luật? Theo như lời Chúa trong Rô-ma 13:1-7 dạy rằng chúng ta nên phục tùng nhà cầm quyền. Tuy nhiên những luật lệ do nhà cầm quyền đưa ra phải không được mâu thuẫn với Lời Chúa, cụ thể là việc kỷ luật trẻ bằng roi vọt – theo lời Thánh Kinh chép – đem đến lợi ích quý báu nhất định đối với một đứa trẻ. Dù thế nào đi chăng nữa, việc giáo dục và nuôi dưỡng đứa trẻ trong một gia đình Cơ Đốc nơi mà chúng có thể phải chịu một sự kỷ luật nghiêm khắc nào đó còn tốt hơn nhiều khi để chúng sa vào “sự giáo dục” từ các nhà cầm quyền vô tín.

Còn một điều nữa, trong Thư tín Ê-phê-sô 6:4 có khuyên rằng những bậc làm cha mẹ “chớ chọc giận” con cái mình. Điều này có nghĩa rằng chúng ta không nên châm chọc, coi thường và chê trách khi con cái mình phạm lỗi. Trái lại, chúng ta nên dùng tình yêu thương mà khuyên bảo và dạy dỗ chúng đi trong đường lối của Chúa. Nói tóm lại, hãy dưỡng dục con cái của chúng ta theo cách sửa phạt và khuyên bảo của Chúa, tức là bao gồm cả sự bẻ trách, uốn nắn và sửa trị. Và điều quan trọng là: hãy áp dụng các các hình thức kỷ luật này trên con cái mình một cách hợp lý, thận trọng và mang thông điệp của tình yêu thương.

Thanh Trang dịch
Nguồn: https://www.gotquestions.org/disciplining-children.html

Dạy Dỗ Con Cái Trong Sự Tin Kính

Châm Ngôn 22:6 chép “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.”

Có phải Kinh Thánh đảm bảo khi dạy dỗ con cái trong sự tin kính thì chắc chắn con cái sẽ tin kính?

Phải chăng câu Kinh Thánh này hứa rằng nuôi dạy con theo cách tin kính thì khi lớn lên chúng nó sẽ luôn luôn đi trong đường lối Chúa? Những bậc cha mẹ tin kính có con cái nổi loạn thì sao?

Vốn là thể loại văn chương, Châm Ngôn không phải những lời hứa tuyệt đối, nhưng đó là những lời nhận xét khái quát về cuộc sống, mà thường là đúng. Điều này giải thích tại sao có những bậc phụ huynh trung tín dạy con đi theo Chúa, nhưng khi lớn lên chúng có thể chống nghịch Chúa.

Châm Ngôn 22:6 dạy rằng nhìn chung, đúng là một đứa trẻ được dạy yêu mến Chúa thì khi lớn lên sẽ tiếp tục yêu Chúa. Đây là quan sát từ cuộc sống cách đây 3000 năm, và vẫn còn đúng đến ngày hôm nay. Hầu hết những bậc phụ huynh Cơ Đốc nuôi dạy con cái cách tin kính sẽ để lại di sản là những đứa con trưởng thành yêu mến Chúa. Nuôi dạy con trẻ “trong sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4) làm gia tăng đáng kể khả năng đứa trẻ sẽ tiếp tục nắm lấy Chúa sau này.

Một ví dụ tuyệt vời trong Kinh Thánh là cuộc đời của Ti-mô-thê. Trong II Ti-mô-thê 1:5, Phao-lô nói “Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa.” Cả mẹ lẫn bà ngoại của Ti-mô-thê đều yêu mến Chúa và dạy dỗ Ti-mô-thê trở thành người yêu mến Chúa. Ti-mô-thê khi còn trẻ là người cộng sự truyền giáo của Phao-lô và trở thành một trong những người đồng hành đáng tin cậy nhất của Phao-lô. Tân Ước nhắc đến tên của Ti-mô-thê hai mươi lăm lần trong vai trò nhà truyền giáo, phụ tá cho các sứ đồ, và là một mục sư.

Nuôi dạy con cái là việc cần thiết ngày hôm nay, cũng như trong suốt lịch sử. Cha mẹ là những người quan trọng, nuôi dưỡng theo đường lối Chúa những thanh niên nam nữ yêu mến Chúa và sống cho Ngài. Cho dù phước hạnh nhận được từ mục sư, anh chị hướng dẫn và những ảnh hưởng từ những người tin kính khác là gì đi nữa, thì không ai có thể thay thế vai trò của cha mẹ tin kính, là những người thể hiện đức tin Cơ Đốc trong đời sống và truyền lại cho con cháu. Đó là lý do trước giả Châm Ngôn 22:6 có thể quả quyết “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó”.

Vậy thì, “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo” có nghĩa là gì?

Nuôi nấng và dạy dỗ một đứa trẻ trong ngữ cảnh của Châm Ngôn này có nghĩa là bắt đầu với Kinh Thánh, vì “cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị,…” (II Ti-mô-thê 3:16). Dạy trẻ những lẽ thật Kinh Thánh sẽ khiến chúng trở nên khôn ngoan để được cứu rỗi (II Ti-mô-thê 3:15); trang bị cho chúng một cách kỹ lưỡng để làm việc lành (II Ti-mô-thê 3:17); chuẩn bị để chúng có thể trả lời những người hỏi chúng lý do về niềm hy vọng của chúng (I Phi-e-rơ 3:15); và chuẩn bị để chúng chống lại sự tấn công của văn hóa trong việc truyền bá những giá trị thế tục cho giới trẻ.

Kinh Thánh cho chúng ta biết con cái là phần thưởng Chúa ban cho (Thi Thiên 127:3). Vậy thì, chắc chắn nghe theo lời khuyên khôn ngoan của Sa-lô-môn để dạy dỗ chúng cách đúng đắn là điều phải lẽ. Thật vậy, giá trị mà Chúa đặt để trên việc dạy lẽ thật cho con cái đã được Môi-se nói rõ. Ông cũng nhấn mạnh với con dân Chúa tầm quan trọng của việc dạy cho con cái biết về Đức Giê-hô-va, các điều răn và luật pháp của Ngài: “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu ân, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi” (Phục Truyền 6:7-9). Sự cẩn thận của Môi-se nhấn mạnh mối bận tâm sâu sắc của ông đối với việc các thế hệ mai sau phải tiếp tục vâng giữ luật pháp Chúa để bảo đảm rằng họ “ăn ở bình yên trong xứ” (Lê-vi Ký 25:18), rằng tất cả sẽ “tốt đẹp” đối với họ (Phục Truyền 12:28), và rằng Ngài sẽ ban phước cho họ ở trong xứ (Phục Truyền 30:16).

Rõ ràng Kinh Thánh bày tỏ rằng dạy cho con cái biết và vâng lời Đức Chúa Trời là cơ sở để làm Ngài vui lòng và sống đắc thắng trong ân điển Ngài. Biết Đức Chúa Trời và lẽ thật của Ngài bắt đầu với việc đứa trẻ phải nhận biết tội lỗi và nhu cầu cần có Chúa Cứu Thế. Ngay cả trẻ rất nhỏ cũng biết rằng chúng không hoàn hảo và có thể hiểu được rằng chúng cần sự tha thứ. Cha mẹ yêu thương con sẽ làm gương để con thấy một Đức Chúa Trời yêu thương không chỉ tha thứ, mà còn cung ứng của lễ chuộc tội hoàn hảo trong Chúa Giê-xu Christ. Dạy dỗ trẻ thơ con đường nó phải theo, trước nhất và quan trọng nhất, có nghĩa là hướng dẫn chúng đến với Chúa Cứu Thế.

Kỷ luật là điều không thể thiếu trong việc nuôi dạy con cái theo đường lối Chúa, vì chúng ta biết rằng “Đức Giê-hô-va sửa phạt kẻ Ngài yêu” (Châm Ngôn 3:12). Do đó, chúng ta không nên xem nhẹ việc kỷ luật, cũng không ngã lòng khi bị kỷ luật vì “ai mà Ngài nhận làm con thì cho roi cho vọt” (Hê-bơ-rơ 12:5-6). Và chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời sửa phạt chúng ta vì ích lợi cho chúng ta, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài (Hê-bơ-rơ 12:10). Tương tự, khi chúng ta sửa phạt con cái, chúng nhận được sự khôn ngoan (Châm Ngôn 29:15), và chúng sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an (Châm Ngôn 29:17) và tôn trọng (Hê-bơ-rơ 12:9). Thật thế, dù còn non trẻ, nhưng trẻ có thể nhận biết rằng kỷ luật bắt nguồn từ tình yêu thương. Đó là lý do những trẻ lớn lên trong gia đình không có kỷ luật thường cảm thấy không được yêu thương và dễ bất tuân khi chúng trưởng thành. Kỷ luật được đưa ra phải tương xứng với vi phạm và sự sửa phạt trong thân thể, chẳng hạn đánh đòn (với động cơ đúng đắn) chắc chắn được Kinh Thánh ủng hộ (Châm Ngôn 13:24; 22:15; 23:13-14). Thật vậy, sự sửa phạt, dù có thể không thú vị gì, nhưng sẽ sinh ra “bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy” (Hê-bơ-rơ 12:11).

Cha mẹ phải có lòng sốt sắng dạy dỗ con cái mình như Môi-se đã dạy. Cha mẹ được ban cho đặc ân trở thành những người quản lý cuộc đời con mình trong một thời gian rất ngắn, nhưng sự dạy dỗ và huấn luyện của cha mẹ cho con cái còn đến đời đời. Theo lời dạy của Châm ngôn, một đứa trẻ được huấn luyện cách sốt sắng trong “con đường nó phải theo” sẽ trung thành với con đường ấy trong đời này và gặt hái phần thưởng ở đời sau.

Khuê Trần dịch
Nguồn: GotQuestion.org

Con Tuổi Teen Nổi Loạn Có Phải Do Lỗi Của Cha Mẹ?

Là cha mẹ, chúng ta có đang góp phần khiến con nổi loạn không?

Những ranh giới nghiêm ngặt hay phương pháp kỷ luật của chúng ta có thể đẩy con mình đến tình trạng đi quá đà. Có lề luật nhưng không có mối quan hệ thường tạo nên sự nổi loạn.

Sửa dạy con nghiêm khắc mà không có mối quan hệ với con sẽ khiến con nghĩ rằng kỷ luật của bạn không xuất phát từ tình yêu thương, và có thể gây ra kết quả ngược lại. Nếu bạn luôn nói “không” với con ở tuổi dậy thì, áp đặt nhiều giới hạn và lấy đi đặc quyền đặc lợi của con, thì có lẽ đây là lúc bạn nên suy xét lại cách tiếp cận với con của mình.

Joel Dingess, nguyên là một mục sư lo cho thiếu niên, hiện giờ là cố vấn viên của tuổi thiếu niên, và cũng là giáo sư tại trường Đại học Life Pacific, nói rằng việc kết hợp quy tắc, luật lệ và sửa dạy liên tục có thể khiến con phản kháng và căm ghét bạn, tìm cách tự vệ, hoặc thậm chí kháng cự với những góp ý của bạn.

“Tất cả là vấn đề của sự nhận thức, và con em cần thời gian để phát triển đủ sự tự tin để có thể cởi mở đón nhận kỷ luật và phê bình.” Ông nói, khi quá nghiêm khắc trong việc kỷ luật con cái ở độ tuổi dậy thì, thì con sẽ có co rút lại và bắt đầu nghi vấn về giá trị bản thân của chính mình và thậm chí hoài nghi về ý niệm ân điển; hoặc con cái có thể phản kháng, nổi loạn và tấn công lại để khẳng định bản thân là tốt hơn.

Dingess nói, “Sự phản loạn có liên quan nhiều đến sự kiêu hãnh của bản thân nhưng nó cũng đến từ chỗ muốn làm điều mình muốn. Khi chúng ta bước vào mối liên hệ với Chúa, chúng ta học cách phục tùng ý muốn Chúa và làm theo điều Ngài dạy. Đây không phải là giai đoạn chuyển tiếp dễ dàng, và vì thế nó cần thời gian. Hãy thành thật với chính mình. Bản thân chúng ta trong giai đoạn trưởng thành đôi khi cũng phản loạn giống như tuổi teen bướng bỉnh của con mình nên hãy chấp nhận và kiên nhẫn với con.

“Cũng giống với tất cả chúng ta, tuổi teen là tuổi đang cố tự khám phá mọi thứ. Thế nhưng, không giống như người lớn, tuổi teen có nhiều thứ để khám phá, tìm tòi hơn – ví dụ như cuộc sống, các mối quan hệ, trường lớp, thể thao, mục tiêu, những thay đổi sinh lý, tính cách, giá trị bản thân, và Chúa. Có quá nhiều thứ để con vật lộn trong khoảng thời gian quá ngắn.”

“Con chúng ta đang cố hình dung, khám phá cách tiếp cận cuộc sống, cách để trở nên người mà con muốn giữa vô vàn điều cấm đoán, ép buộc và giới hạn. Chẳng ai muốn đón nhận từ “không”, ngay cả với người lớn. Thế nhưng tuổi teen lại là tuổi phải nhận từ này nhiều nhất.

“Hầu hết từ “Không” được sử dụng với lời biện minh là để bảo vệ, hay giữ con, nhưng tuổi teen lại thấy khó chấp nhận hay hiểu được sự ngăn cấm đó. Thậm chí sẽ càng khó hơn để chấp nhận từ “không” khi bạn không hiểu mục đích hay lý do đằng sau, và đôi khi con tuổi teen của bạn cũng như vậy.”

Kinh Thánh Nói Gì về Vấn Đề Kỷ Luật?

Kinh Thánh nói rõ rằng cha mẹ phải kỷ luật con. Châm Ngôn 23:13-14 “Chớ tha sửa phạt trẻ thơ; dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi Âm phủ.”

Châm Ngôn 13:24 nói “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.” Châm Ngôn 19:18 thậm chí còn khẳng định rằng cha mẹ nào không sửa phạt con mới là hại con.

Sự sửa phạt, kỷ luật ở đây phải xuất phát từ tình yêu thương và cưu mang trong việc nuôi dạy con trở nên người kính sợ Chúa. Những phụ huynh né tránh việc kỷ luật con thực ra mới là người chưa thật yêu con.

Cha mẹ cần thực thi thẩm quyền Chúa ban trong việc kỷ luật con trong tình yêu, nhưng phải cẩn thận để không trở nên quá nghiêm khắc hay dễ dãi khi nuôi dạy con.”

Tìm Sự Quân Bình

Chelsea, một người vợ 28 tuổi và cũng là một người mẹ, hiện giờ vẫn vui thích sự gần gũi với cha mẹ của mình. Khi đề cập đến cách bố mẹ kiểm soát những giới hạn và kỷ luật cô khi còn nhỏ, cô ấy nói, “Ranh giới và hạn chế chưa bao giờ khiến tôi làm sai điều gì, trái lại nó khiến những điều xấu không xảy đến với tôi. Lúc nào tôi cũng thấy những giới hạn bố mẹ đưa ra như lớp rào chắn bảo vệ tôi, và mỗi khi sửa dạy tôi, bố mẹ đều tỏ cho tôi biết ý định của mình.

Bố mẹ không bao giờ sửa phạt tôi lúc nổi giận hay bực bội. Tôi cũng nhớ rất rõ rằng ngay cả trước và sau khi sửa phạt tôi, bố mẹ đều ngồi xuống cùng cầu nguyện với tôi.”

Làm sao bạn biết việc sửa dạy, kỷ luật con của mình là không quá nghiêm khắc? Hãy theo mô hình trong Hê-bơ-rơ 12:5-11 “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu; Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.” (c.6)

Ê-phê-sô 6:4 cũng chép rằng, “Hỡi người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.”

Thực ra, khi con tuổi thiếu niên đã tin Chúa, việc kỷ luật có thể được thay bằng việc môn đệ hóa dưới hình thức chỉ cho con biết thế nào là đầu phục Chúa trong sự vâng lời.

Có 5 cách thực tế bạn có thể dùng để kiểm tra xem việc sửa phạt hay kỷ luật của mình có quá nghiêm khắc không.

  1. Hãy Cầu Nguyện Về Phản Ứng Của Mình Trước Khi Thực Hành Sự Sửa Phạt Hay Kỷ Luật

Con của bạn cũng mang bản tính xác thịt tội lỗi giống như bạn, là bản tính mà không sớm thì muộn cũng lộ diện. Dẫu có lúc phải đối mặt và đôn đốc con cũng như đưa ra những giới hạn và sửa phạt, nhưng có lúc cũng cần đến ân điển. Nếu con xưng nhận tội với bạn, thì có lẽ rằng đứa con đó đang tìm kiếm ân điển.

Nếu tình cờ bạn phát hiện ra quyết định sai của con, trước tiên hãy trình dâng điều đó lên cho Chúa và xin Ngài ban cho bạn sự khôn ngoan trong cách đáp ứng với con. Nếu bạn xử lý đúng cách, việc sửa dạy sẽ trở nên hiệu quả. Trình dâng con cho Chúa sẽ có ích lợi hơn so với việc đem Chúa ra để thuyết giảng với con (nhất là khi căng thẳng hay sửa phạt).

Con bạn không muốn bị la mắng nhất là khi đã nhận thức hành vi sai của mình. Nhưng có lẽ điều con cần trong giờ phút này là cách đáp ứng khoan dung của bạn như cách Chúa đáp ứng với bạn khi bạn xưng nhận tội với Ngài.

Khi chúng ta khiến Chúa thất vọng, Ngài không mất bình tĩnh với chúng ta. Ngài không buộc tội chúng ta. Ngài không làm ngơ, và buộc chúng ta phải trở nên xứng đáng để được trò chuyện với Ngài. Ngài cũng không oán giận hay la mắng.

Khi bạn tìm đến với Chúa trước và trình dâng với Ngài về cách kỷ luật con của mình, thì cách kỷ luật đó sẽ đưa đến một sự đáp ứng trưởng thành, chứ không phải phản ứng đầy phẫn nộ khi đối diện với sự không vâng lời của con.

  1. Tìm Sự Quân Bình Giữa Yêu Thương Và Sửa Dạy

Shea, một thiếu nữ trẻ hiện giờ là một người mẹ, nhớ lại những năm tháng tuổi teen nổi loạn của mình và cách mẹ cô xử lý những điều đó. Cô chia sẻ, “Điều quan trọng với tôi là thấy được sự quân bình giữa tình yêu và sự sửa dạy của mẹ đối với mình. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về tình yêu của mẹ dành cho tôi khi mẹ sửa dạy tôi, dẫu có lúc tôi thật sự không thích mẹ khi mẹ làm như vậy.”

“Giờ làm mẹ, tôi sẽ cố hết sức để trở nên giống như mẹ tôi trong cách tôi sửa dạy con vì tôi biết mẹ yêu tôi và luôn muốn điều tốt hơn cho tôi – một quyết định tốt hơn, những trách nhiệm tốt hơn, một cuộc sống tốt hơn.”

Tình yêu mà chúng ta trao cho con sẽ khiến những phép tắc chúng ta đặt quanh con với mục đích bảo vệ trở nên nhẹ nhàng hơn đối với con.

  1. Đừng Nghĩ Đến Điều Tệ Hại Nhất Trong Con

Khi bạn nghĩ đứa con tuổi teen của mình sẽ làm rối tung mọi thứ, và thế là bạn sẵn sàng ra tay sửa phạt con, vì việc đó có lẽ hàm ý rằng bạn đang chào đón linh nổi loạn.

Phi-líp 4:6-8 là chìa khóa để giúp bạn có cách đáp ứng và phản ứng khôn ngoan với sự vi phạm của con, đó là đừng lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy cầu nguyện, nghĩ đến điều chân thật và kinh nghiệm sự bình an của Chúa.

Nghĩ đến điều chân thật là nương trên điều tốt nhất mà Chúa có thể thực hiện, chứ không dựa trên điều tệ hại nhất mà nó có thể xảy ra.

Tôi không nghĩ điều đó có nghĩa rằng là cha mẹ, chúng ta phải làm ngơ với những nguy hiểm phía trước hay phớt lờ nhu cầu cần được sửa dạy của con. Trái lại, điều đó có nghĩa rằng cha mẹ phải là người mang đến cho con sự tin cậy khi cần thiết và cũng là người tìm kiếm nơi con điều tốt nhất chứ không phải điều tệ hại nhất. Con bạn cần điều đó.

Trong Thi Thiên 139:17-18, Đa-vít hát ngợi khen, “Hỡi Đức Chúa Trời, các tư tưởng Chúa quý báu cho tôi thay! Số các tư tưởng ấy thật lớn thay.”

Chúa không chỉ có những tư tưởng về chúng ta, nhưng những tư tưởng ấy thật quý báu thay. Những tư tưởng đó là tốt lành, nhân ái và đáng quý dầu Ngài biết rõ điều chúng ta có thể làm.

Điều Chúa nghĩ về chúng ta không dựa vào sự ngu dốt hay những mơ tưởng của chúng ta, nhưng dựa vào cách Ngài nhìn chúng ta – là tinh sạch và không tì vết, khi chúng ta tin Con Ngài, là Chúa Giê-xu, để được xưng công nghĩa và được cứu. Chúa luôn nghĩ đến điều tốt nhất về chúng ta khi Ngài là Đấng duy nhất biết rõ điều tệ hại nhất trong chúng ta.

  1. Đừng Đưa Ra Quy Luật Hay Sửa Dạy Con Vì Sợ Người Khác Lên Tiếng

Bà mẹ của cậu bé tuổi teen nói với tôi rằng, “Nhiều lúc nỗi lo, lề luật tôi đưa ra với con đến từ nỗi sợ về điều người khác sẽ nghĩ về con và về tôi nữa. Tôi cứ phải tập tành giao phó mọi lo lắng cho Chúa, tập nhìn vào hoàn cảnh và nguyên do từ quan điểm của chính Chúa và luôn tự nhắc nhớ rằng mỗi đứa con của tôi đều là việc tay Chúa làm như chính cuộc đời tôi vậy.”

Khi chúng ta nhận thức rằng bản thân mình (chứ không phải người khác) phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về cách nuôi dạy con của mình, chứ không phải về quyết định của con, khi đó chúng ta mới có thể dễ dàng bình an trong sự tin chắc rằng Chúa biết, dẫu rằng người khác có thể hiểu lầm.

Nếu chúng ta sửa phạt con vì sợ điều người khác có thể nghĩ về mình, hay bị áp lực trong việc phải trở nên bậc phụ huynh tốt hơn, bản thân chúng ta phải trả lời với Chúa về điều đó.

  1. Học Theo Gương Thương Xót Và Ân Điển Của Chúa

Thi Thiên 103:8-14 mô tả cách Cha trên Trời đáp ứng với chúng ta, ngay cả trong sự không vâng lời của chúng ta, và cho chúng ta một gương lớn về cách đáp ứng với con, nhất là khi con ăn năn, hối cải:

“Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi…Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất.”

Hơn nữa, trong Ê-sai 43:25, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã chọn việc không nhớ đến tội lỗi của chúng ta và cũng không nhắc đến sự quá phạm của chúng ta: “Ấy chính Ta, là Đấng vì mình ta mà xóa sự phạm tội ngươi; ta sẽ không nhớ đến tội lỗi ngươi nữa.”

Bạn có thể trở thành người mẹ, người cha đầy lòng thương xót, yêu thương và kiên nhẫn với con khi đối diện với những sai phạm của con không?

Cindi Mc Menamin
Thảo Anh dịch (Nguồn: Crosswalk)

Ly Hôn Gây Hậu Quả Nghiêm Trọng Như Thế Nào Trên Con Cái?

Tác giả: Rhonda Stoppe

“Con cái sẽ vui hơn nếu bố mẹ hạnh phúc – vì thế ly hôn có thể là giải pháp tốt hơn”. Điều này đã từng được người ta tin và nghĩ như thế suốt những năm tháng qua. Nhưng ngày nay, với nhiều nghiên cứu về hậu quả của ly hôn trên con cái cho thấy ý niệm đó đã lỗi thời rồi.

Nhiều người đồng tình rằng ly hôn có những ảnh hưởng trước mắt lẫn lâu dài trên con cái. Thế nhưng, ở giữa những mâu thuẫn trong hôn nhân, các cặp vợ chồng thường thấy khó nghĩ đến hay khó lượng giá những đau đớn mà con cái mình phải gánh chịu sau khi bố mẹ ly hôn.

Tôi không phải là chuyên gia về chủ đề ảnh hưởng của ly hôn trên con cái. Thế nhưng, với 36 năm chức vụ là vợ mục sư và 18 năm trong mục vụ thiếu niên, tôi đã quan sát và nhận thấy ảnh hưởng của ly hôn trên con trẻ rất giống với nghiên cứu mà tôi đã thực hiện khi chuẩn bị bài viết này.

Sau khi đọc vô số nghiên cứu của các chuyên gia và số liệu thống kê về những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của ly hôn trên con cái, mục tiêu của tôi trong bài viết này là giúp bạn có cái nhìn tổng quát về nghiên cứu đó.

Mục tiêu của tôi không phải chỉ đơn giản liệt kê những ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực của việc ly hôn trên con cái. Nhưng tôi ước ao được ngồi xuống với bạn, như một cố vấn viên trưởng thành, để cùng bạn chuyện trò về đề tài này và mang đến cho bạn sự hỗ trợ lẫn hy vọng.

Ai Có Thể Đặt Câu Hỏi Này?

Khi nghĩ đến lượng độc giả đọc bài viết này, tôi đã đưa ra danh sách những người có thể dành thời gian đọc bài viết này. Nếu bạn đọc bài viết này, thì bạn có thể là người:
Đã ly hôn và lo sợ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến con cái của mình
Đang nghĩ đến việc ly hôn nhưng lại lo lắng về ảnh hưởng của ly hôn trên thể chất, tình cảm lẫn sự phát triển về mặt xã hội của con cái.
Đang tìm hy vọng sau ly hôn và đang tìm cách để giúp con cái không trở thành người tiêu cực thứ hai.
Đang chuyên trách mục vụ thiếu niên và muốn được trang bị tốt hơn để giúp các bậc cha mẹ đã ly hôn hướng con cái đến hy vọng về Phúc âm và đời sống mới trong Chúa – đó là điều có tác động mạnh mẽ hơn bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào khác đến từ việc ly hôn của cha mẹ.
Tìm lời tranh biện. Tôi lưỡng lự khi thêm điểm này, nhưng sự thật đó là khi đăng bài viết này, tôi thường nhận thấy có rất nhiều nhận xét từ những người cảm thấy bị xúc phạm khi nghe hành động của họ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.

Vì thế, nếu đó là bạn thì xin hãy biết rằng mục đích của bài viết này không phải để tranh luận, làm cho bạn bị xúc phạm, xấu hổ, hay khiến bạn cảm thấy có lỗi.

Mục tiêu của tôi trong bài viết này là kết nối các phụ huynh đã ly hôn với các chuyên gia để được hướng dẫn cách dìu dắt con cái vượt qua những hậu quả tiêu cực mà ly hôn có thể gây ra.

Và cũng để khích lệ các cặp vợ chồng đã kết hôn trong việc tìm mọi cách để rịt lành những rạn nứt trong hôn nhân của mình, để khiến mái ấm của họ trở nên chốn bình yên, vui tươi và gặt hái bông trái tích cực dài lâu.

Hãy xem một câu nói trong một tường trình của Linarce Quarterly “Gần ba thập kỷ nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của cơ cấu gia đình trên sự phát triển toàn diện của trẻ cho thấy những trẻ sống với bố mẹ ruột thường có đời sống tinh thần, tình cảm, tư duy, học tập phát triển tốt hơn.”

Ly Hôn Có Ảnh Hưởng Trước Mắt Thế Nào Trên Con Cái?

Có nhiều ảnh hưởng trước mắt của ly hôn trên con cái trong những gia đình tan vỡ. Trong phần này, chúng ta sẽ nói về những việc mà những bố mẹ đã ly hôn có thể làm để bù đắp lại những ảnh hưởng tiêu cực trên con cái của mình.

Nếu bạn đang nghĩ đến việc ly hôn, hãy dành thời gian suy nghĩ về những ảnh hưởng mà con cái mình sẽ phải đối diện:

  1. Cảm giác không an toàn
    Một chuyên gia giải thích rằng trẻ con “thường nghĩ ba mẹ cần có khả năng xử lý mọi vấn đề. Trong mắt của con cái, bố mẹ là người có khả năng siêu nhiên nên có thể đáp ứng mọi nhu cầu cho chúng. Không việc gì là quá khó cho bố mẹ. Đối với con, ly hôn phá tan nhu cầu cơ bản về an toàn và niềm tin đối với khả năng của bố mẹ trong việc chăm sóc con cái cũng như trong việc đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con cái.”
  2. Cảm giác bị chối bỏ
    Trẻ con thường có cảm giác bị chối bỏ khi bố/mẹ rời bỏ gia đình. Và nếu bố/mẹ tạo một mái ấm mới với ai đó thì cảm giác bị chối bỏ lại càng gia tăng.

Trong trải nghiệm của riêng tôi, dầu việc ly hôn của bố mẹ tôi xảy ra sau khi tôi đã trưởng thành, nhưng tôi vẫn nhớ như in việc chiến đấu trong tâm trí với cảm giác bị phản bội và chối bỏ khi cả bố và mẹ đều bắt đầu tạo mái ấm riêng với người phối ngẫu mới của mình.

Nếu trải nghiệm đó quá khó khăn và đau đớn dường nào đối với tôi khi đã trưởng thành, thì tôi có thể hình dung được cảm giác của các bạn thiếu nhi lẫn thiếu niên khi xem mái ấm mới của bố/mẹ như một sự đe dọa với mối quan hệ riêng tư của bản thân với bố/mẹ.

Khi con đang trong tiến trình xử lý cảm giác bị chối bỏ, bạn cần để con cái nói với mình về cảm xúc của chúng. Việc con né tránh hay đả kích kịch liệt còn tùy thuộc vào tâm tính của từng đứa trẻ.

Dù thế nào cũng hãy khiến việc nói chuyện với con trở nên cơ hội cho con giãi bày cảm xúc và hiểu được lý do đối với phản ứng của chúng. Đôi khi, do thấy cần bảo vệ bạn, con sẽ không nói ra điều đang ở trong lòng chúng. Điểm trọng tâm trong bài viết của tạp chí Gia đình có tiêu đề “Ly Hôn và Ảnh Hưởng của Nó trên Con Cái” đã đưa ra lời khuyên thế này:

“Trẻ con cần được khích lệ và hỗ trợ để tìm cố vấn viên trưởng thành nhằm khiến trẻ có thể sống thực với cảm xúc của mình và nói ra những thách thức mà chúng đang phải đối diện. Cũng hãy báo với giáo viên, tư vấn viên ở trường, người lo mục vụ thiếu niên hay mục sư. Hãy tìm xem ai là người sẵn lòng đứng vào vị trí này trong cuộc sống của con.

Tạo cơ hội để con cái có phần trong mối quan hệ gắn bó như trong một gia đình nơi Hội thánh và điều này rất quan trọng trong việc hình thành cảm giác thuộc về của con cái. Hội thánh không chỉ là nơi an ninh và bình an, nhưng cũng là nơi tỏ bày những gương mẫu hôn nhân lành mạnh để tôn cao Danh Chúa và cho con hy vọng về việc vui hưởng trong hôn nhân hạnh phúc của mình trong tương lai.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy con không có cha trở nên như một dịch bệnh khi 40% trẻ con Mỹ được nuôi nấng trong những gia đình không có bố. Nên khích lệ những trẻ không có cha phát triển mối quan hệ tốt với một người nam tin kính mẫu mực trong Hội thánh.

  1. Cảm giác oán giận

Trẻ con được nuôi trong những gia đình ly hôn thường có cảm giác oán hận đối với cả bố lẫn mẹ. Hãy cẩn thận, đừng khiến cho tình cảm của con thêm khốn đốn khi nói ra những oán giận với chồng/vợ cũ của mình. Sự oán giận của bạn chỉ làm cho nỗi đau và cảm giác không an toàn của con trở nên tệ hơn. Nuôi dưỡng oán giận chỉ làm cho vấn đề trở nên rắc rối hơn.

“Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.” (Hê-bơ-rơ 12:15)

Khi bạn và con cùng bước qua dòng nước cuộn sóng này, đừng xem con như nơi trú ẩn hay an ủi cho cảm xúc của bạn. Cụ thể là đừng bắt con phải nghe những than thở của mình. Hẳn nhiên, cần lắng nghe những tổn thương của con về chồng/vợ cũ – nhưng đừng lạm dụng thời gian đó để trút những tổn thương của bản thân.

  1. Cảm thấy có trách nhiệm

Nhiều trẻ thường có suy nghĩ sai khi tin rằng hành vi của chúng là lý do khiến bố/mẹ ly dị. Suy nghĩ sai lệch này góp phần khiến nỗi đau buồn của trẻ bộc phát theo những chiều hướng tiêu cực. Hãy nói với con rằng việc bố mẹ ly hôn nhau hoàn toàn không phải do lỗi của con.

  1. Cảm giác gánh nặng về sự nghèo khó

Do tài chính của bố/mẹ nhận quyền nuôi con bị xuống dốc nghiêm trọng, trẻ trong gia đình ly hôn sẽ cảm thấy ray rứt về khó khăn tài chính của bố/mẹ và điều này khiến cho cảm giác lo lắng, e sợ và bối rối của con tăng thêm.

Số liệu thống kê cho thấy hầu như 50% phụ huynh đã ly hôn và hiện đang một mình nuôi con rơi vào tình trạng nghèo túng. Nếu bạn có ý định ly hôn, hãy xét các khía cạnh trên phương diện thể chất, tình cảm và tài chính khi chia tay với chồng/vợ của mình. Nhiều người nhận ra rằng họ chẳng vui hơn chút nào sau khi ly hôn.

Hơn nữa, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời thấy, nghe và Ngài hứa bảo vệ người mồ côi và Ngài có thể khiến điều xấu trở nên điều tốt lành (Thi Thiên 82:3; Sáng Thế Ký 53:20).

Ly Hôn Có Ảnh Hưởng Lâu Dài Như Thế Nào Trên Con Cái?

Có nhiều ảnh hưởng tiêu cực trên những trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ ly hôn. Có vài điều cần suy nghĩ:

Những vấn đề về hành vi thường xảy ra phổ biến ở những trẻ sống trong các gia đình tan vỡ. Những bé trai thường có xu hướng hung hăng với người khác. Những bé gái cũng có những hành vi tiêu cực khi bố mẹ ly hôn.

Chấn động, tổn thương tâm lý thể hiện trong chứng trầm cảm, hay thậm chí có suy nghĩ, ý định tự sát.

– Dễ bị lạm dụng
– Thường hay bệnh nhưng lại khó phục hồi nhanh
– Dễ quan hệ tình dục bừa bãi hay sớm trở thành bố/mẹ trước tuổi vị thành niên
– Có xu hướng sử dụng chất kích thích
– Gặp khó khăn trong việc học ở trường

Chấn thương tình cảm kéo dài thường biểu hiện qua sự hoảng loạn, lo sợ hay không có khả năng gắn kết với ai đó trong mối quan hệ tương lai lâu dài.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng bố mẹ có thể nhanh chóng phục hồi sau khi ly hôn, nhưng trẻ con thì gần như không thể hồi phục hoàn toàn. Hãy lắng nghe Steven Earll – một nhà tư vấn và tâm lý điều trị chuyên nghiệp nói:

“Hồi phục hoàn toàn là việc hầu như không thể đối với trẻ con vì bản chất đặc biệt của đời sống gia đình. Khi bạn và chồng cũ chia tay mà không bị ảnh hưởng nhiều về điều đó, thì con cái của bạn lại liên tục suy nghĩ về sự mất mát của chúng. Và 25 năm sau biến cố đó, các con chắc chắn cũng bị điều này ảnh hưởng. Cuộc sống sẽ cứ khiến các con nhớ hoài về sự mất mát ngay cả trong những giây phút hạnh phúc nhất.

Earll nói tiếp: “Trẻ con chẳng bao giờ vượt qua được biến cố ly hôn của bố mẹ. Nó sẽ cứ là sự mất mát lớn trong cuộc đời chúng. Đó là nỗi đau không bao giờ kết thúc. Tất cả những sự kiện đặc biệt như lễ hội, thể thao, tốt nghiệp, kết hôn, sinh con… đều gợi lên sự mất mát tạo nên bởi việc bố mẹ ly hôn cũng như những mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình xảy ra khi đại gia đình cùng chung tổ chức một sự kiện nào đó.”

Một bài viết của Tiến sĩ Judith Wallerstein có nêu lên rằng: “…Trải nghiệm làm tăng thêm sự lo lắng khi hình thành mối quan hệ gắn bó lâu dài ở những giai đoạn phát triển về sau ngay cả trong giai đoạn tuổi vị thành niên.”

Ly Hôn Ảnh Hưởng Trên Con Cái Thế Nào Về Phương Diện Thuộc Linh?

Theo quan điểm của tôi, hậu quả cuối cùng cần phải nghĩ đến đó là ảnh hưởng của ly hôn trên con cái về phương diện thuộc linh. Khi trẻ con không được nuôi dạy bởi những cha mẹ Cơ Đốc, chúng sẽ sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng tích cực với Phúc âm sau khi bố mẹ ly hôn, trong khi đó, trẻ sống trong gia đình Cơ Đốc có lẽ sẽ chối bỏ niềm tin của bố mẹ.

Sự giả hình và mất niềm tin mà trẻ con đã trải nghiệm có thể ảnh hưởng tiêu cực trên niềm tin nơi Chúa của chúng, và có thể khiến chúng nghi ngờ sự hiện hữu của Đấng Cứu chuộc vì đã không cứu vãn hôn nhân của bố mẹ.

Khi nhìn thấy sự bất lực của bố mẹ trong việc giải quyết mâu thuẫn hay không tha thứ cho nhau có thể khiến trẻ đánh dấu hỏi về sự thành thật trong niềm tin tôn giáo của bố mẹ và thường khi lớn lên, trẻ sẽ chối bỏ các giá trị niềm tin Cơ Đốc đó.

Nhiều trẻ không thoát ra được cảm giác bị phản bội và không tha thứ đối với bố mẹ cũng như đối với Chúa vì đã khiến sự ly hôn xảy ra. Điều này có thể sẽ khiến chúng chống đối Chúa và các giá trị Cơ Đốc mà đáng lý ra chúng phải nắm giữ.

Rõ ràng Đức Chúa Trời phán rằng Ngài ghét sự ly dị, không phải vì Ngài muốn níu kéo sự tốt lành bị vụt khỏi chúng ta, nhưng vì Chúa đã thiết lập hôn nhân giao ước để tạo nên những gia đình bền vững nhằm phản chiếu tình yêu của Ngài dành cho Hội thánh. Khi hình ảnh đó bị bóp méo qua việc ly hôn thì hậu quả của nó lại ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.

Nếu bạn vẫn còn trong hôn nhân, hãy làm bất cứ điều gì có thể để rịt lành hôn nhân rạn nứt của mình vì con cái bạn vẫn lệ thuộc bạn. Hãy biết rằng ma quỷ đang tìm mọi cách để hủy phá bạn và con cái của bạn. Nhưng Đấng ở trong bạn vẫn lớn hơn thế lực trong thế gian này (I Giăng 4:4). Hãy tìm đến những tư vấn viên tin kính để được giúp đỡ và mang đến hy vọng cho bạn.

Ma-la-chi 2:15 nhắc nhở con dân Chúa kính trọng giao ước trong hôn nhân để sản sinh ra những hạt giống tin kính. Trải qua hơn 3 thập kỷ trong chức vụ là mục sư, cả chồng tôi và tôi đều chứng kiến những sự nổi loạn và tác động mạnh mẽ của ly hôn trong những gia đình tin Chúa. Nhưng điều mà ma quỷ muốn dùng để phá hoại thì Đức Chúa Trời có thể khiến trở nên tốt lành (xem Sáng Thế Ký 50:20).

Vì thế đừng nản lòng, bởi chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều đứa con tin kính tốt được nuôi dưỡng bởi những bố mẹ hết lòng tin yêu Chúa dẫu cho hôn nhân có nhiều thất bại.

Tôi tin chắc rằng bất kỳ khó khăn nào mà bạn đang đối diện với đôi mắt luôn nhìn xem Chúa thì đó có thể là tia sáng mà Chúa dùng để kéo con cái Ngài đến với sự giải cứu thật và tin cậy nơi chính Ngài là nguồn duy nhất cho sự an ninh và niềm vui.

Đừng nản lòng nếu bạn đã ly hôn. Hãy nhớ rằng không việc gì là quá khó cho Ngài. Và cho dẫu sự ly hôn của bạn xảy đến với bất kỳ lý do nào thì Chúa vẫn thương yêu con cái của bạn.

Chúa biết sự ly hôn mang biết bao đau thương đến cho những trái tim bé nhỏ và Ngài là Đấng có thể khiến khổ đau trở nên vui mừng. Vì Chúa hứa sẽ khiến mọi sự trở nên có ích lợi cho những ai yêu mến Ngài – tức là những người được gọi theo ý muốn Ngài đã định (Rô-ma 8:28).

Thảo Anh dịch
Nguồn: Crosswalk

Podcasts

Latest sermons