Trang chủ Blog Trang 50

Chúa Có Muốn Tôi Tiếp Tục Sống Trong Hôn Nhân Không Hạnh Phúc?

Tác giả: Lisa Murray

Chúa muốn chúng ta sống hạnh phúc, đúng không?

Tôi thường nghe câu nói này khi tư vấn các cặp vợ chồng. Hai vợ chồng sống trên bờ vực của sự ly dị, không phải vì bị ngược đãi hay do sự không chung thủy của người kia nhưng vì mối quan hệ vợ chồng của họ không còn khiến họ hạnh phúc. Theo như lời mô tả, những phấn khích, hiếu kỳ, vui vẻ mà họ đã trải nghiệm trong giai đoạn đầu của mối quan hệ không còn nữa. Những lời nguyện ước “chỉ có sự chết mới chia lìa chúng ta” dường như chẳng còn ý nghĩa nữa.

Thực tế là văn hóa đã thay đổi và những điều chúng ta tin tưởng mà đem vào hôn nhân của mình cũng phản ánh những thay đổi đó. Ngày nay, sự thực chỉ mang tính tương đối, cảm xúc tạo động lực cho trải nghiệm, chủ nghĩa thực dụng từ trong tâm trí cổ xúy thái độ hờ hững đối với mối quan hệ.

Thay vì hiểu rõ mục đích thật của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân, chúng ta thường có thói quen nhìn vào hôn nhân dựa trên điều người khác có thể làm cho mình, và nhất là dựa vào cách người khác khiến chúng ta cảm biết về bản thân mình.

Điểm mấu chốt: Nếu hạnh phúc là điều bạn trông đợi hàng đầu trong hôn nhân của mình, có lẽ bạn sẽ vỡ mộng và thất vọng.

Tại Sao Chúa Thiết Lập Hôn Nhân?

Chúng ta cần hiểu kế hoạch Chúa tạo dựng mình nếu chúng ta hiểu được mục tiêu mà Ngài thiết lập hôn nhân.

Nhiều Cơ Đốc nhân có cái nhìn thiển cận khi xem Chúa như Đấng thần linh có nhiệm vụ đến mang hạnh phúc cho mình, nhưng Kinh thánh nói rõ rằng mục đích Chúa tạo dựng chúng ta là để khiến chúng ta nên thánh (được biến đổi theo ảnh tượng của Ngài), chứ không phải để khiến chúng ta hạnh phúc. (I Phierơ 1:15-16)

A. W. Tozer nói, “Mỗi người nên ước ao hạnh phúc lẫn đời sống nên thánh. Người đó nên nỗ lực tìm kiếm để nhận biết và làm theo ý muốn Chúa, trao dâng Ngài nỗi lo lắng về hạnh phúc của mình.”

Tim Keller, một mục sư, nhà văn và thần học gia đã định nghĩa hôn nhân là “… mối quan hệ trọn đời và duy nhất giữa người nam và người nữ. Theo Kinh thánh, Đức Chúa Trời tạo nên hôn nhân để phản chiếu tình yêu cứu rỗi của Ngài dành cho chúng ta trong Đấng Christ, để tỉa sửa tâm tính chúng ta, tạo nên một cộng đồng vững bền nhằm sản sinh và nuôi dưỡng con cái, và để hoàn thành điều này, cả hai phái tính được đưa vào trong sự hiệp nhất của hôn nhân nhằm bổ khuyết cho nhau.”

Henri Nouwen nói, “…. hôn nhân trên hết là một tiếng gọi. Hai người được kêu gọi kết hiệp với nhau để hoàn thành sứ mệnh Chúa giao. Hôn nhân là vấn đề thuộc linh. Người nam và người nữ đến với nhau, không phải chỉ vì họ yêu nhau quá đỗi, nhưng vì họ tin rằng Chúa yêu từng cá nhân họ bằng tình yêu vô hạn và đưa họ đến với nhau để sống trở nên nhân chứng cho tình yêu đó. Yêu là mang lấy tình yêu vô hạn của Đức Chúa Trời trong sự hiệp nhất thủy chung với nhau.

Hôn nhân là một trong những vị giáo sư vĩ đại của chúng ta vì ngay trong tâm điểm của hôn nhân, thực trạng về bản thân chúng ta, điều chúng ta mong đợi, và cách chúng ta gắn kết với người khác cũng sẽ lộ ra. Không mối quan hệ nào có thể mang đến sự biểu lộ và tiềm năng biến đổi như mối quan hệ với người mà chúng ta hứa nguyện kết gắn trọn đời.

Trong bài viết trên trang HuffPost, Tyler Ward, một tác giả và cũng là một diễn giả kết luận rằng hôn nhân là là sự cải thiện cá nhân. Ông mô tả rằng dầu hôn nhân là sản phẩm của một mối quan hệ lành mạnh nhưng nó được thiết lập để khiến những khiếm khuyết trong đời sống chúng ta lộ ra, để tinh luyện và khiến chúng ta trưởng thành. Công việc của hôn nhân là tỉa sửa những sai trật trong chúng ta và đưa chúng ta vào tiến trình của sự trọn vẹn.

Điểm mấu chốt: Khi càng ít xem người phối ngẫu như vị cứu tinh nhưng càng xem người đó như bạn đồng hành trong hôn nhân của mình, thì bạn sẽ càng phải tìm kiếm sự chữa lành và tăng trưởng hơn cho mình. Điều này sẽ khiến bạn nuôi dưỡng những ước mong thực tế hơn cho hôn nhân, và hôn nhân sẽ càng vững bền, yên bình và hạnh phúc.

Kinh Thánh Nói Gì về Hôn Nhân Không Hạnh Phúc?

Chúng ta cần phân biệt giữa hôn nhân không hạnh phúc và hôn nhân bị phá hoại. Những ai đã đối diện hay trải qua cảnh chồng/vợ ngoại tình nhưng không hề hối cải, bị ruồng bỏ, hay liên tục bị lạm dụng thể xác/tình cảm/tình dục, thì bài viết này KHÔNG dành cho bạn. Trong các hôn nhân không hạnh phúc, hầu hết thường xoay quanh các vấn đề như không tìm thấy tiếng nói chung trong đối thoại, tài chính, những mong muốn không được đáp ứng…Sự lạm dụng ở bất kỳ loại hình nào cũng đều không được chấp nhận trong sự kế hoạch của Đức Chúa Trời về vấn đề phục tùng nhau khi cả hai cùng nhau lớn lên trong Ngài.

Khi đề cập đến hôn nhân, Ma-la-chi 2:15-16 nói, “Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm nên một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi thánh. Vậy các ngươi khá cẩn thận trong tâm thần mình; chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Ysơraên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Vậy hãy giữ trong tâm thần các ngươi, chớ đãi cách phỉnh dối.”

Đứng trên quan điểm của Thánh kinh, người phối ngẫu không có quyền phá bỏ hôn nhân không hạnh phúc của mình. Chúa đã định cho hôn nhân là trọn đời.

Ê-phê-sô 5 mô tả hôn nhân như mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa. Ngài không thay đổi trong tình yêu Ngài dành cho chúng ta, và tình yêu đó cũng không lệ thuộc vào hoàn cảnh. Mối quan hệ giữa Chúa với chúng ta chỉ dựa trên giao ước của Ngài với chúng ta mà thôi. Chúa muốn chúng ta giữ lời hứa nguyện của mình trong hôn nhân vì Ngài biết rõ những con tim nát tan, những hôn nhân và mái gia đình đổ vỡ vẫn có thể được chữa lành và phục hồi để mang đến sự vinh hiển cho Ngài.

Có phải điều đó có nghĩa là Chúa muốn chúng ta cứ phải sống trong hôn nhân không hạnh phúc? Không. Điều Chúa muốn đó là để mỗi chúng ta dùng nỗi đau, sự buồn bã và thất vọng, cô đơn và sự giận dữ của mình như là cơ hội để tìm kiếm sự chữa lành của Ngài. Chúa muốn chúng ta biết tình trạng hôn nhân của mình thế nào – những mong ước lành mạnh, sự đối thoại trong hôn nhân, những ranh giới và sự quyết tâm giải quyết mâu thuẫn- để chúng ta trải nghiệm sự biến đổi tại nơi mình đang đứng, thay vì chờ mong khám phá điều đó trong một mối quan hệ mới.

Điểm mấu chốt: Hôn nhân không hạnh phúc là dấu hiệu bày tỏ những điều Chúa muốn đụng chạm đến cả trong đời sống cá nhân lẫn đời sống hôn nhân của chúng ta, để chúng ta tìm kiếm sự chữa lành. Chúa muốn chúng ta nhận ra những vấn đề nảy sinh trong hôn nhân của mình, sẵn sàng đối diện và cùng nhau giải quyết nan đề để đời sống cá nhân lẫn mối quan hệ được tăng trưởng. Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ cùng nhau lớn lên, tạo ra nối kết bền chặt và gắn bó hơn trong hôn nhân.

8 Dấu Hiệu Cho Thấy Hôn Nhân của Bạn Không Hạnh Phúc

  1. Hay chỉ trích, coi thường, phòng thủ hay không quan tâm đến cảm xúc của nhau, càng ngày càng xuất hiện trong hôn nhân của bạn không?
  2. Bạn có thường cảm thấy chẳng có gì để nói với nhau không?
  3. Bạn có mơ mộng viển vông về một tương lai không có người phối ngẫu của mình không?
  4. Bạn và chồng/vợ có sống riêng biệt như ly thân với nhau không?
  5. Trong hôn nhân của bạn có thiếu quan hệ tình dục hay thiếu thể hiện tình cảm ra bên ngoài với nhau không?
  6. Bạn có thường cảm thấy xa cách, không hòa được với người phối ngẫu của mình không?
  7. Bạn có thấy dễ dàng tập trung vào những việc khác hơn là mối quan hệ với phối ngẫu?
  8. Bạn có nói chuyện nhiều với bạn bè hơn là với người phối ngẫu mình không?

Chúa Có Muốn Tôi Tiếp Tục Sống Trong Hôn Nhân Không Hạnh Phúc?

Để tôi nói rõ điều này. Đức Chúa Trời không muốn bất cứ ai sống trong môi trường không an toàn- cả trên phương diện thể xác lẫn tình cảm. Thế nhưng, có quá nhiều cặp vợ chồng do không thấy không thỏa lòng hay không hạnh phúc trong hôn nhân đã vội chia tay hay không tìm sự trợ giúp để giải quyết những vấn đề trong hôn nhân của mình và rồi đã đánh mất phước hạnh Chúa dành cho họ và con cái của họ.

6 Cách Để Cải Thiện Hôn Nhân của Bạn

  1. Đừng đổ lỗi chồng/vợ về sự không hạnh phúc của mình. Không ai có trách nhiệm với hạnh phúc của bạn ngoài chính bạn. Nếu bạn thấy mình thiếu niềm vui, thiếu sự đáp ứng hay không thỏa lòng trong hôn nhân, thì hãy tự tìm hiểu xem đâu là những lãnh vực bạn không thấy thỏa lòng cũng như đâu là nguyên nhân của sự thiếu thỏa lòng.
  2. Hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện xin Chúa tỏ cho bạn thấy điều nào trong lòng bạn cần được chữa lành. Hãy cầu nguyện xin Chúa tỏ cho bạn thấy những điều bạn phải tự chịu trách nhiệm. Hãy xin Chúa cho bạn thấy Ngài muốn bạn được tăng trưởng thế nào và điều nào bạn cần học để trở nên giống như Ngài.
  3. Tìm những hướng đi cụ thể trong sự chữa lành mà Chúa đang muốn bạn bước vào. Hãy tìm đến một tâm vấn viên Cơ Đốc để có thể nhận sự hỗ trợ trong việc chữa lành những rạn nứt trong đời sống, vun trồng những phương cách và kỹ năng mới để đời sống cá nhân lẫn hôn nhân của bạn được thay đổi.
  4. Đừng nhìn người phối ngẫu như người gây cớ vấp phạm cho đời sống bạn. Hãy bắt đầu xem người phối ngẫu như một người bạn. Người phối ngẫu cũng chân thật và cũng có những rạn nứt như bạn. Hãy thương xót và cầu nguyện để người đó cũng được chữa lành. Hãy liệt kê những tính cách hay hành vi bạn ngưỡng mộ nơi người phối ngẫu. Hãy tập chú vào những điều đó. Hãy luôn tự nhắc nhớ những nét tính đặc biệt của họ.
  5. Hãy tìm cách khẳng định những ưu điểm của người phối ngẫu. Thay vì chỉ trích, hãy xem thường những điều người phối ngẫu không làm, hãy cho họ biết họ có ưu điểm nào. Hãy tỏ sự trân quý của bạn về điều đó. Hãy tìm cách làm cho người phối ngẫu hạnh phúc thay vì đặt ra sự trông đợi.
  6. Hãy cầu nguyện cho người phối ngẫu và hôn nhân của bạn mỗi ngày. Hãy cầu nguyện xin Chúa bảo vệ hôn nhân của bạn khỏi sự tấn công của kẻ thù. Hãy cầu nguyện cho nhau. Hãy cầu nguyện xin Chúa ban sự an toàn, cởi mở và kỹ năng để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong hôn nhân của bạn. Hãy cầu nguyện xin Chúa ban sự khôn ngoan và khiêm nhường đủ để cả hai sẵn sàng tìm đến với tâm vấn để được chữa lành và cùng nhau tăng trưởng.

Những Câu Kinh Thánh về Niềm Vui trong Hôn Nhân

Thi Thiên 85:10, “Sự thương xót và sự chân thật đã gặp nhau; sự công bình và sự bình an đã hôn nhau.”

Ê-sai 62:5, “Như người trai tráng cưới người nữ đồng trinh, thì các con trai ngươi cũng sẽ cưới ngươi; chàng rể mới vui mừng vì vợ mới mình, Đức Chúa Trời ngươi cũng vui mừng vì ngươi.”

I Giăng 4:7, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời.”

Truyền Đạo 4:9-12, “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công-giá tốt về công-việc mình. Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa-ngã, không có ai đỡ mình lên! Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn một mình thì làm sao ấm được? Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thế chống-cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt.”

Thi Thiên 128:1-4, “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường lối Ngài! Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình, được phước, may mắn. Vợ ngươi ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thạnh mậu; con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi khác nào những chồi ô-li-ve. Kìa, người nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được phước là như vậy.”

Lời Cầu Nguyện cho Hôn Nhân Hạnh Phúc

Lạy Cha, Con ước ao nhận biết sự chữa lành của Cha trong mọi khía cạnh của đời sống con và hôn nhân con. Xin khiến sự không hạnh phúc đưa con đến với Cha, đến với sự chữa lành của Cha và mục đích của Cha cho đời sống con. Xin cho con thấy những rạn nứt trong quá khứ của con cần được chữa lành để con có thể bước đi trong sự trọn vẹn và tự do. Xin cho con thấy những điều trông mong mà Cha muốn con có cho người phối ngẫu của con cũng như cho hôn nhân của con. Xin giúp con biết cách đối thoại và giải quyết những mâu thuẫn với chồng/vợ hiệu quả hơn. Xin chỉ cho con thấy những sai trật của con trong chính hôn nhân của mình và xin dạy con cách xin sự tha thứ lẫn ban sự tha thứ để con có thể yêu người phối ngẫu của con. Xin hãy giúp con nhen lại sự tôn trọng, tin cậy, cảm phục, và tình yêu đối với chồng/vợ, và cũng nài xin Cha kéo chúng con gần hơn trong mối thông công mật thiết với Ngài. Xin giúp con hướng sự trông mong của mình về nơi Cha để con có thể làm vinh hiển Danh Cha ngay trong tấm lòng con và hôn nhân con. Amen.

Thảo Anh dịch
Nguồn: Crosswalk

Được Ơn Trong Mùa Giáng Sinh

Chúng ta đang ở trong những ngày cuối của Mùa vọng (Adventus – sự đến). Mùa vọng hàm ý sự trông mong, hy vọng của con dân Chúa trong mùa Giáng sinh. Bạn và tôi trông mong hy vọng gì trong mùa Giáng sinh? Có lẽ mỗi chúng ta đều khao khát trông mong được ơn dư dật của Chúa trong mùa ơn phước này. Mùa giáng sinh là mùa Thiên Chúa ban hồng ân cho nhân loại qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Là con dân Chúa, chúng ta khao khát được ơn của Chúa để phục vụ Ngài, rao truyền ơn cứu rỗi cho đồng bào.

Trong câu chuyện giáng sinh, sách Tin Lành Lu-ca ghi lại một cách đặc biệt về một người được nhắc đến hai lần là “người được ơn” (Lu-ca 1:28,30). Đó là bà Ma-ri. Cần lưu ý là Ma-ri được Kinh Thánh chép là người được ơn chứ không phải người ban ơn và thiên sứ hiện đến chào bà chứ không thờ lạy bà.

Kinh Thánh thường nói đến hai chữ “được ơn” trước mặt Chúa, được ơn trước mặt chủ. Được ơn trước mặt Chúa có nghĩa gì? Được ơn trước mặt Chúa là được Chúa đẹp lòng, được Chúa yêu mến. Một người được ơn trước mặt Chúa là người như thế nào?

Được Chúa Ở Cùng

Lu-ca ghi lại rằng Chúa sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến cùng Ma-ri và phán những lời khiến cho cô vô cùng bối rối và khó hiểu: “Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi” (c.28). Vì thế, thiên sứ đã giải thích tiếp để cô hiểu rõ sứ mệnh đặc biệt Chúa giao và điều kỳ diệu sẽ xảy đến cho cô. “Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình” (c.35).

• Đức Thánh Linh đầy dẫy và sự che phủ thuộc linh

Một người được Chúa ở cùng là người được ơn đặc biệt, được “Đức Thánh Linh sẽ đến trên” và “quyền phép của Đấng Rất Cao che phủ” người ấy. Động từ “đến trên” (eperchomai) diễn tả sự đến bất ngờ và ảnh hưởng trên người ấy. Đó là tình trạng được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Trong thời Cựu ước Đức Thánh Linh chỉ ở với những người đặc biệt thôi, nhưng trong thời Tân ước, Đức Thánh Linh được ban xuống để ở với mỗi con dân Chúa và ở cùng chúng ta luôn luôn. Người được Chúa ở cùng cũng là người kinh nghiệm sự che phủ thuộc linh, tức được Chúa bảo vệ, che chở trong bóng cánh toàn năng của Ngài. Tác giả Thi Thiên 121 viết “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi; Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi. Mặt trời sẽ không giọi ngươi lúc ban ngày, Mặt trăng cũng không hại ngươi trong ban đêm.” (c.5-6)

• Làm thế nào để Chúa ở cùng chúng ta?

Thiên sứ hiện đến với Ma-ri khi bà đang ở đâu? “Chỗ người nữ ở”. Kinh Thánh không nói rõ chỗ nào nhưng chúng ta có thể đoán rằng có lẽ đó là trong phòng riêng lúc bà đang cầu nguyện một cách riêng tư với Chúa, vì Ma-ri là thiếu nữ hiền lành tin kính, có mối tương giao gần gũi với Chúa.

Một người muốn được Chúa ở cùng phải có mối tương giao mật thiết với Chúa. Kinh Thánh chép “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài” (Thi Thiên 145:18).

Mùa vọng là trông chờ, hy vọng, khao khát tìm kiếm Chúa. Muốn được ơn, được Chúa ở cùng thì chúng ta phải dành thì giờ, tìm kiếm Chúa, nghe Chúa phán dạy.

Được Chúa Sử Dụng

Một người được ơn trước mặt Chúa là người được Chúa dùng, sử dụng cho công việc Chúa. Ma-ri được đặc ân Chúa sử dụng như một phương tiện để đưa Đấng Cứu Thế vào đời. “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài” ( Lu-ca 1:31).

Thiết nghĩ Ma-ri không ngờ mình lại được Chúa ban đặc ân và sử dụng một cách đặc biệt, ngoài sức tưởng tượng như vậy. Trong hàng vạn phụ nữ Do Thái, Ma-ri chỉ là một thiếu nữ đơn sơ, vô danh tiểu tốt nhưng lại được Chúa chọn và sử dụng để làm phương tiện cho Thiên Chúa đến với con người, “Ngôi Lời trở nên xác thịt”. Đây là sự mầu nhiệm vượt quá trí óc hữu hạn của con người. Ma-ri thực sự cảm biết điều đó khi bà ca ngợi Chúa “Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước. Bởi Đấng Toàn năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh.” (Lu-ca 1:48,49)

Cảm tạ Chúa vì Ngài thường dùng những người tầm thường, hèn mọn để làm những việc phi thường cho Ngài như Ma-ri. Mỗi chúng ta cũng là những người tầm thường nhưng được Chúa cứu và sử dụng để làm ích lợi cho Ngài. Chúa dùng chúng ta để đem Chúa Giê-xu và Phúc âm đến với mọi người. Thật vậy “vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Xin Chúa giúp đỡ mỗi chúng ta sống một đời sống tốt đẹp xứng đáng để được Chúa sử dụng làm vinh hiển danh Ngài, như Phao-lô đã khích lệ: “Vậy, ai giữ mình cho khỏi những điều ô uế đó, thì sẽ như cái bình quí trọng, làm của thánh, có ích cho chủ mình và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 2:21).

• Vâng Phục Và Trả Giá

Người được ơn của Chúa và được Chúa dùng cũng thường bị hiểu lầm vu oan, sỉ nhục. Khi Ma-ri được Chúa sử dụng làm phương tiện để Chúa vào đời thì bà phải trả giá khá đắt: bà bị hiểu lầm, vu oan, sỉ nhục, bị coi là người nữ không giữ trinh tiết và bị chính người yêu mình là Giô-sép toan âm thầm ly hôn nếu không được Chúa sai thiên sứ đến trong giấc mơ và phán truyền với ông: “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus , vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:20-21).

Cám ơn Chúa, sau khi hiểu được ý nghĩa của lời Chúa phán với mình, Ma-ri vì cớ Chúa và kính sợ Ngài bà sẵn sàng chịu sỉ nhục vu oan. Với thái độ khiêm nhu, vâng phục, Ma-ri đã thưa với thiên sứ “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! Đoạn thiên sứ lìa khỏi Ma-ri” (Lu-ca 1:38).

• Khiêm nhường, vâng phục, sẵn sàng trả giá vì cớ Chúa

Chúng ta học được bài học quý báu về sự phục vụ Chúa qua gương Ma-ri: Khi chúng ta phục vụ Chúa, được Chúa sử dụng và được ơn trước mặt Chúa thì chúng ta cũng phải trả giá như Ma-ri: bị hiểu lầm, vu oan, mang tiếng xấu, bị sỉ nhục, nhưng chúng ta cứ vững lòng bước đi với Chúa, học theo gương Phao-lô không hề nao núng lùi bước “Dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt.” (2 Cô. 6:8). Thánh Phi-e-rơ cũng khích lệ chúng ta: “Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.” (1Phi 4:14)

“Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lê” (I Phi-e-rơ 5:6).

Được Chúa Ban Phước Để Chia Sẻ Phúc Âm Cho Mọi Người

Người được ơn của Chúa, được Chúa sử dụng, bị vu oan, sỉ nhục cũng là người được phước vì Chúa sẽ bênh vực và ban phước dư dật trên người ấy. Vì vậy, trong bài ca tụng của Ma-ri, bà nói “Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là người có phước.” Ma-ri vui mừng ca ngợi Chúa vì biết mình chịu khổ là vì Chúa. Vì thế, cũng trong thời gian đó, Ma-ri chỗi dậy vội vàng vượt đồi lội suối đi đến làng bên cạnh để báo tin vui cho người bà con là Ê-li-sa-bét đang mang thai Giăng Báp-tít. Ma-ri có niềm vui vô hạn vì có Chúa Cứu Thế trong lòng và muốn chia sẻ niềm vui đó cho nhiều người. Xin Chúa cũng ban niềm vui, phước hạnh tràn ngập trong lòng để chúng ta cũng sốt sắng rao báo tin mừng cho mọi người chung quanh trong mùa giáng sinh này. Người được ơn của Chúa là người được thúc giục rao truyền Tin lành cho những người chưa biết Ngài, nhất là những người bà con, bạn bè thân quen để họ cũng được hưởng ơn cứu rỗi của Chúa.

Ai là người được ơn trong mùa Giáng sinh? Bạn tôi và tôi có được ơn Chúa không? Thực ra mỗi chúng ta là những Cơ Đốc nhân thật đều là người đã được ơn của Chúa vì chúng ta có Chúa giáng sinh trong lòng, có Đức Thánh Linh ở với mình, chúng ta thật là người được ơn của Chúa. Nhưng rất tiếc chúng ta chưa cảm nhận một cách sâu xa, mạnh mẽ về ơn cứu rỗi Chúa ban cho mình, chúng ta đang xao lãng về những chuyện đời này, hoặc chúng ta đang “yêu thế gian và những vật của thế gian” khiến chúng ta xa cách Chúa, thiếu ơn Chúa!

Mùa giáng sinh trở về là thời điểm để khơi dậy ơn Chúa trong đời sống con dân Chúa, là cơ hội để chúng ta nhen lại ơn Chúa, được Chúa thăm viếng để trở thành những người được ơn Chúa: Được Chúa ở cùng, được Chúa sử dụng, được phước dù bị vu oan sỉ nhục và luôn sốt sắng rao truyền Tin lành cho mọi người. A-men!

Hãy khao khát và cầu nguyện như Môi-se “Vậy bây giờ, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13)

Trịnh Phan (Mùa Giáng sinh 2020)

Làm Sao Tôi Có Thể Vượt Qua Những Suy Nghĩ Tiêu Cực?

Suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm, lo lắng hay những rối loạn tương tự đang ngày một gia tăng trên thế giới. Theo Hiệp hội Trầm cảm và Lo âu của Mỹ, có 40 triệu người rơi vào tình trạng này, và con số này chiếm gần 20% dân số của nước Mỹ. Trong số đó, có nhiều người là tín đồ.

Sợ hãi dường như là căn nguyên của tất cả những vấn đề này. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người trên thế giới ngày nay rơi vào nỗi sợ hãi vì dường như chung quanh chẳng có gì là đáng tin cả. Có thể con người khá lo âu khi nhận ra mọi thứ trong đời sống cuối cùng cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của mình- từ vấn đề thời tiết đến việc gửi tiền vào Tài khoản ngân hàng. Tất cả những thứ con người cậy vào để tìm lấy sự an ninh cho bản thân không sớm thì muộn cũng sẽ khiến chúng ta thất vọng. Nhưng người Cơ Đốc khi thừa nhận sự tể trị của Đức Chúa Trời quyền năng, Đấng khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho người đó (Rôma 8: 28) thì sẽ nhận được phương thuốc giải trừ những suy nghĩ tiêu cực.

Khi suy nghĩ của Cơ Đốc nhân chỉ toàn là tiêu cực, lo âu hay nghi ngờ, thì đó là dấu hiệu của tình trạng thiếu đức tin nghiêm trọng. Tác giả của thư Hê-bơ-rơ nói, “Không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6), và theo Châm ngôn 29:25, thì sợ hãi là cái bẫy nhưng tin cậy Chúa sẽ khiến người đó được an ninh. Khi Chúa Giêxu ở trên thuyền cùng với các môn đồ trong trận bão lớn, Ngài hỏi họ, “Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ?” (Ma-thi-ơ 8:26). Những người đấu tranh với tư tưởng tiêu cực cũng phải làm một việc như khi họ phạm những tội khác- đó là xưng ra (phải nhận với Chúa rằng suy nghĩ tiêu cực là sai vì nó cho thấy sự thiếu đức tin) và nỗ lực thay đổi hành vi đó.

Cầu nguyện là yếu tố quan trọng trong việc vượt qua những suy nghĩ tiêu cực. Chúa Giêxu dạy rằng trong sự cầu nguyện nên có sự ngợi khen Cha và hướng về sự thánh khiết của Ngài (Ma-thi-ơ 6:9; cũng xem Thi Thiên 95:2). Khi chúng ta cầu nguyện “với sự tạ ơn” (Phi-líp 4:6), chúng ta tập trung vào những phước hạnh mình đã nhận lãnh và không để chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực. Đức Thánh Linh là Đấng thành tín sẽ giúp những tín hữu ăn năn vượt qua tư tưởng tiêu cực (Ma-thi-ơ 7:7-11).

Đọc Kinh thánh mỗi ngày, nhất là tập trung nghiên cứu những lời hứa của Chúa, sẽ mang đến sự giúp đỡ lớn trong việc vượt qua những suy nghĩ tiêu cực. Cũng hãy nhớ rằng cho dẫu hoàn cảnh hiện tại có ảm đạm đến đâu, Cơ Đốc nhân vẫn có lời hứa về tình yêu và sự đắc thắng của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-xu (Rô-ma 8:37-39; 2 Cô-rinh-tô 2:14).

Kinh thánh chứa đầy những lời khuyên dạy của Chúa cho con dân của Ngài về cách vượt qua sợ hãi và nghi ngờ- có trên 350 mạng lệnh về việc “đừng sợ”. Thực vậy, lời khích lệ được Chúa Giê-xu ban ra hơn bao nhiêu lời khác đó là hãy sống không sợ hãi (v.d Ma-thi-ơ 6:25; 9:2; 10:28; 10:31).

Chống lại tư tưởng tiêu cực chính là trận chiến của tâm trí. Sứ đồ Phao-lô bảo các tín hữu về những điều nên nghĩ đến: điều chân thật, đáng trọng, công chính, thanh sạch, đáng yêu chuộng, đáng biểu dương (Phi-líp 4:8). Bên cạnh việc xác định những điều nên có trong tâm trí chúng ta, câu Kinh Thánh này cũng dạy rằng chúng ta có thể kiểm soát điều mình suy nghĩ. Khi tư tưởng tiêu cực đến, người có tâm trí của Đấng Christ (1Cô-rinh-tô 2:16) sẽ có khả năng đẩy lùi chúng ra khỏi tâm trí và thay vào đó là những tư tưởng đẹp lòng Chúa. Đây là việc cần luyện tập, và sự kiên trì sẽ khiến việc này được thực hiện dễ dàng hơn mỗi ngày. Cơ Đốc nhân nên suy nghĩ về những việc mình đang nghĩ đến và đừng để tâm trí tự do thống quản. Trong chiến trường thuộc linh, chúng ta đã được ban cho mão của sự cứu rỗi- áo giáp thuộc linh cho tâm trí.

Vì Cơ Đốc nhân vẫn phải sống trong thế giới đầy căng thẳng và lo âu, cho nên tư tưởng tiêu cực chắc chắn sẽ đến. Nhưng chúng ta có sự chọn lựa trong việc đẩy lùi hay nuôi dưỡng những tư tưởng đó. Tin tốt lành đó là, những suy nghĩ tiêu cực có thể được thay bằng những suy nghĩ tích cực, và khi càng để những tư tưởng đẹp lòng Chúa thay thế, chúng ta sẽ càng kinh nghiệm được sự bình an và niềm vui trong Chúa.

Người Dịch: Thảo Anh
Nguồn: https://www.gotquestions.org/negative-thinking.html

Podcasts

Latest sermons