Trang chủ Blog Trang 68

5 Dấu Hiệu Cảnh Báo Hôn Nhân Của Bạn Đang Xuống Dốc

5 Dấu Hiệu Cảnh Báo Hôn Nhân Của Bạn Đang Xuống Dốc

Tác giả: Alicia Michelle

Mỗi ngày chúng ta đều nghe những chuyện đau lòng về các vụ hôn nhân tan vỡ. Thuở ban đầu những cặp vợ chồng này cũng có những toan tính lớn, nhưng rồi cuộc đời khiến hôn nhân họ tan vỡ và tim họ cũng nát tan.

Khi nghe những câu chuyện thế này, chúng ta thường thầm nguyện, “Chúa ơi, xin đừng để điều đó xảy đến với hôn nhân của con.”

Mặc dù không thể nói rằng mọi hôn nhân đều có cùng một kiểu mẫu, nhưng nhiều cuộc hôn nhân xuống dốc đều lộ ra một hay nhiều dấu hiệu mà tôi sẽ đề cập dưới đây:

Bạn có thấy những điều này xảy ra với hôn nhân của mình không? Vì hạnh phúc của hôn nhân mình, tôi khích lệ bạn đọc những điểm dưới đây với lòng cởi mở và chân thành.

Ghi chú: Tôi chủ ý đặt “những dấu hiệu cảnh báo trong hôn nhân” xoay quanh các chân lý Kinh thánh. Nếu bạn thấy điều này xảy đến trong hôn nhân của mình, tôi hết lòng khích lệ bạn ngẫm suy dựa trên nền tảng những chân lý Kinh thánh để có sự khôn ngoan mà áp dụng vào tình huống cụ thể của mình. Lạm dụng thể xác lẫn tinh thần cũng là dấu hiệu cho thấy hôn nhân xuống dốc. Tôi khuyên bạn hãy nhanh chóng tìm sự giúp đỡ nếu đây là điều mô tả đúng tình trạng hôn nhân của bạn.

Bạn không muốn phục vụ người phối ngẫu của mình hay đặt người đó lên vị trí ưu tiên
“Phục vụ người phối ngẫu” dường như là câu nói không được nhiều người chấp nhận.

Thế nhưng, chúng ta được kêu gọi phải có tình yêu hy sinh với người phối ngẫu (Ê-phê-sô 5) mỗi ngày, cho dù sự phục vụ đó là về phương diện thể chất hay là tôn trọng ý kiến của chồng/vợ như của chính mình (Phi-líp 2:3-4) khi đưa ra mọi quyết định.

Thực ra, tình yêu hy sinh – bao gồm việc để chồng/vợ của mình làm theo ý của người đó mà không đòi hỏi việc hoàn trả – là loại tình yêu mà chúng ta phải thực hiện khi quyết định cưới nhau (1 Cô-rinh-tô 13).

Chúng ta nghĩ, “Tại sao tôi phải phục vụ khi họ làm việc XYZ nào đó, trong khi họ không cư xử đúng mực với tôi, hay khi tôi biết họ sẽ không bao giờ phục vụ tôi lại?”

Nhưng vấn đề là đây: khi bạn không thể yêu chồng/vợ của mình “cho đến mực” (đến khi họ đối xử đúng mực với bạn…) thì điều này có nghĩa rằng bạn đang hạ thấp gương mẫu lý tưởng về loại tình yêu hy sinh mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho hôn nhân của bạn.

Và vấn đề là, khả năng không thể yêu người phối ngẫu vô điều kiện sẽ giới hạn sự gần gũi của hai người với nhau cách nghiêm trọng, và dập tắt ước muốn của Đức Chúa Trời trong việc sử dụng hôn nhân để khiến bạn tăng trưởng trong sự nên thánh.

Người phối ngẫu không buộc phải “xứng đáng” để nhận tình yêu vô điều kiện của bạn. Đây mới là ý nghĩa thật của tình yêu vô điều kiện và cũng là nền tảng của ân điển.

Thực ra, nhiều lần trong hôn nhân chúng ta đã phải chọn yêu thương người phối ngẫu của mình không phải vì cảm xúc hay điều kiện, nhưng vì chúng ta quyết định yêu theo điều Chúa kêu gọi chúng ta. Những giây phút đó là lời nhắc nhở rất thật rằng không phải chúng ta đang phục vụ người bạn phối ngẫu trong hôn nhân của mình nhưng là phục vụ chính Đức Chúa Trời.

Hôn nhân có thể ích kỷ hay đôi khi gây tổn thương nhau nhưng nó cũng sẽ bị ngột ngạt và xuống dốc khi chúng ta cư xử với nhau dựa vào những điều kiện đó.

Nếu bạn thấy dấu hiệu này trong hôn nhân, hãy xem những câu Kinh thánh dưới đây:

“Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau. Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, và phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch. Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình. Còn vợ thì phải kính chồng.”
(Ê-phê-sô 5: 22, 24-26, 28, 33)

“Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng. Song ai cưới vợ rồi thì chăm lo việc đời nầy, tìm cách cho vợ mình thỏa dạ. Người nữ có chồng và đồng trinh cũng khác nhau như vậy: Ai không chồng thì chăm lo việc Chúa, đặng cho thân thể và tinh thần đều được thánh; nhưng ai có chồng thì chăm lo các việc đời nầy, tìm cách cho đẹp lòng chồng mình.” (1 Cô-rinh-tô 7:32-34)

Bạn ngày càng ít quan tâm đến ý kiến lẫn ước muốn của người phối ngẫu
Thành thật mà nói, đôi khi người phối ngẫu khiến chúng ta bực bội! Họ có thể khiến chúng ta phát cáu vì cớ suy nghĩ của họ hay có thể khiến chúng ta bị áp lực.

Có những lúc chúng ta muốn đặt ý kiến của người phối ngẫu sang một bên và nghĩ rằng “Ở chốn công sở, trường học tôi đã phải làm theo mọi điều người khác muốn. Giờ về lại nhà mình, tôi muốn làm điều tôi muốn!”

Tôi không ủng hộ việc chúng ta phải chối bỏ cảm xúc hay hạ giá trị cảm xúc của mình, nhưng thật nguy hiểm cho hôn nhân khi bạn không có thói quen coi trọng những suy nghĩ của người phối ngẫu bằng những suy nghĩ của mình.

Tại sao? Vì tình bạn là nền tảng cho mọi mối quan hệ hôn nhân. Tình bạn vững mạnh không tìm kiếm quyền lợi cho mình, nhưng tìm cách giúp đỡ và đem đến phước hạnh cho người khác, đôi khi phải đành hy sinh quan điểm và ước muốn mình để duy trì hòa khí và bày tỏ tình yêu.(1 Cô-rinh-tô 13)

Khi chúng ta không xem trọng cảm xúc của người phối ngẫu, chúng ta đang làm tổn thương tình bạn trong mối quan hệ vợ chồng, và điều này ngấm ngầm khiến hôn nhân của chúng ta bị tổn hại.

Hãy cẩn thận với kẻ thù bí mật này đang hủy hoại hôn nhân của bạn! Đó là chiến lược thầm lặng mà kẻ thù dùng để khiến hôn nhân bị xói mòn, thậm chí trong những hôn nhân vững mạnh nhất.

Bên dưới là vài câu Kinh thánh ý nghĩa cho vấn đề này:

“Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo.” (1 Cô-rinh-tô 13:4-5)

“Chớ ai tìm lợi cho riêng mình, nhưng ai nấy hãy tìm lợi cho kẻ khác.” (1 Cô-rinh-tô 10:24)

“Hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” (Phi-líp 2:3-4)

Mâu thuẫn không được giải quyết xen vào hôn nhân của bạn và sự tha thứ dường như khó thực hiện.
Những tranh cãi xuất hiện trong hôn nhân là chuyện bình thường. Mỗi cặp vợ chồng đều là những con người không hoàn hảo cùng sống chung trong một không gian chật hẹp (thêm người, thêm áp lực)

Nhưng câu hỏi thực sự ở đây là, “Chúng ta làm gì với những mâu thuẫn đó?”

Tôi nghĩ đến căng thẳng không được giải quyết trong hôn nhân giống như một cặp kiếng dơ. Mỗi lần có tranh cãi, mâu thuẫn xảy ra, cặp kiếng của chúng ta (cách chúng ta nhìn nhau) bị vẩn đục, hoen ố, mờ đen. Nếu không lập tức xóa bỏ “những vẩn đục” đó bằng sự tha thứ và hòa giải, chúng ta sẽ càng khó nhìn rõ người phối ngẫu của mình (và chắc hẳn rằng chúng ta sẽ càng thấy khó yêu và phục vụ chồng/vợ mình cách vô điều kiện!)

Khi cặp kiếng bị vẩn đục, chúng ta không muốn tha thứ vì dường như ngày càng khó, cực kỳ khó. Mâu thuẫn của tuần qua chất chồng lên mâu thuẫn của hôm nay (cộng thêm việc tái hiện chuyện đã xảy ra khiến chúng ta nổi cáu!), thế rồi trái tim chúng ta đóng lại và hôn nhân của chúng ta chết dần trước khi chúng ta nhận biết điều đó.

Khi sự việc dường như trở nên phức tạp, chúng ta phải chạm ngay cội rễ của cảm xúc mình và xử lý nhanh những vấn đề đó với người phối ngẫu. Chúng ta không thể để mọi việc kéo dài hơn nữa, vì hậu quả của nó sẽ càng phức tạp hơn.

Chúng ta phải tạo thói quen xử lý những vấn đề này ngay lập tức và rồi đi tiếp để hôn nhân của chúng ta có thể tự do hoạt động mà không bị bóp chết bởi những mâu thuẫn không được giải quyết.

Dù những câu Kinh thánh bên dưới đây nói về mâu thuẫn trong tình bạn, nhưng chắc hẳn nó có thể áp dụng trong hôn nhân vì tình bạn là nền tảng của một hôn nhân vững mạnh. Đó là những câu Kinh thánh nói về tầm quan trọng của việc tha thứ nhanh chóng vì cớ sự bình hòa và vì tầm quan trọng của ân điển.

“Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau.” (Ê-phê-sô 4:2)

“Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỷ nhơn dịp… Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:26-27, 31-32)

“Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.” (Hê-bơ-rơ 12:15)

“Kẻ nào lấp giấu tội lỗi tìm cầu điều tình ái; Còn ai nhắc lập lại điều gì chia rẽ bạn bậu thiết cốt.” (Châm 17:9)

“(Tình yêu) chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ.” (1 Cô-rinh-tô 13:5)

(Còn tiếp)

Người Dịch: Thảo Anh

5 Điều Mỗi Cặp Vợ Chồng Cần Phải Làm

5 Điều Mỗi Cặp Vợ Chồng Cần Phải Làm

by Debra Fileta

“Bạn cần đầu tư thời gian cho hôn nhân của bạn”

Nếu bạn đã có gia đình thì đây có lẽ là câu bạn đã nghe ít nhất một lần. Thật vậy, gần đây tôi đã thăm viếng một người bạn thân và đã đề cập đến vấn đề này khi nói chuyện về đời sống hôn nhân của mỗi người. Cuộc trò chuyện xoay quanh ý tưởng mà người ta thường khuyên các cặp vợ chồng: “Hãy đầu tư thì giờ cho hôn nhân” mà không cắt nghĩa điều đó thực sự có nghĩa là gì.

Khái niệm “đầu tư thì giờ cho hôn nhân” nghe có vẻ một ý tưởng cao quí, nhưng có thể nó trở thành xa vời đối với nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là khoảng thời gian mười năm đầu trong hôn nhân. Hãy suy nghĩ đến những điều đã diễn ra trong vài năm đầu của hôn nhân bạn. Có lẽ bạn cũng giống chúng tôi, nào bạn phải nuôi con nhỏ, thiếu ngủ, mệt mỏi trong công việc, xoay xở tài chính cho gia đình, nấu ăn, và cố gắng giữ nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ… Giữa cuộc sống bận rộn như thế, thật khó mà hình dung ra làm sao để có thể làm thêm một việc nữa là “đầu tư” thì giờ hay sức lực cho hôn nhân.

Là một nhà tư vấn chuyên nghiệp, tôi biết rằng nếu đưa ra những lời khuyên chung chung rằng hãy đầu tư cho hôn nhân thì chỉ làm cho người ta nản lòng hơn là khích lệ. Như vậy, nói một cách thực tế, giữa cuộc sống bề bộn và vượt khỏi tầm với, thì “đầu tư cho hôn nhân” thực sự có nghĩa là gì? Đây là mấy việc nhỏ cần làm để đầu tư cho hôn nhân của bạn:

Hòa hợp tâm linh

Một trong những khía cạnh tốt đẹp nhất trong hôn nhân là cơ hội hòa hợp với người phối ngẫu về tâm linh và cảm xúc. Hơn nữa, quà tặng mà hôn nhân Cơ Đốc đem lại là sự hòa hợp, kết nối không chỉ với nhau thôi, mà còn kết nối với một Đức Chúa Trời thánh khiết, toàn năng nữa. Thường thường, các cặp vợ chồng Cơ Đốc có khuynh hướng xem nhẹ sự hòa hợp tâm linh, họ quên rằng một trong những giây phút thân mật, gần gũi nhất trong hôn nhân chính là khi chúng ta chia sẻ tâm tư, nói cho nhau biết những gì trong ở tâm linh chúng ta, và về mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời.

Tôi có thể nói một cách chân thành với bạn rằng những thì giờ thân mật có được với chồng tôi là khi chúng tôi ngồi với nhau vào cuối ngày, tay trong tay và cầu nguyện về những gì diễn ra trong đời sống chúng tôi. Đó là việc tuy đơn giản nhưng lại có kết quả siêu nhiên, kỳ diệu. Nếu trông mong một cách nào thực sự mạnh mẽ để đầu tư cho hôn nhân thì hãy dành thì giờ hằng tuần hay mỗi ngày để cầu nguyện với nhau và chia sẻ với nhau về những gì Chúa đang làm trong đời sống mỗi người.

Trò chuyện thường xuyên hơn

Dù bạn có tin hay không thì sự thật là một cặp vợ chồng trung bình chỉ dành có vài phút trong ngày là thực sự truyền thông tích cực và có ý nghĩa thôi. Người ta cũng cho biết rằng truyền thông ngày càng giảm sút và giảm sút mỗi năm trong đời sống hôn nhân. Tôi không biết bạn như thế nào nhưng nghe điều này làm tôi buồn lắm, vì thật là niềm vui khi bạn có thể truyền thông, nói chuyện thân mật với người phối ngẫu của bạn. Khi truyền thông đối thoại, điều quan trọng là nhận biết có nhiều mức độ khác nhau trong sự trò chuyện. Truyền thông trong công việc, sự kiện là mức độ truyền thông hời hợt nhất, sau đó là những ý kiến hay tư tưởng và mức độ sâu sắc nhất là chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với nhau. Điều này có thể không thoải mái đối với một số người, tùy thuộc vào bối cảnh xuất thân hoặc cách truyền thông, đối thoại mà họ vốn đã quen thuộc.

Sự thật, mỗi mức độ truyền thông đối thoại đều quan trọng và cần phải cẩn trọng khi trò chuyện. Nếu bạn muốn làm một điều nhỏ mà có ảnh hưởng lớn trong hôn nhân thì hãy dành 10-20 phút mỗi ngày để ngồi đối diện với người phối ngẫu với mục đích duy nhất là để truyền thông. Đừng để thì giờ này trở thành thì giờ để thảo luận về sự xung đột hay nan đề, nhưng chỉ để hiểu nhau, bắt kịp những suy nghĩ cảm xúc giữa hai vợ chồng mà thôi. Hãy hỏi những câu hỏi mở như: Điều gì làm cho em (hay anh) thấy vui thích nhất ngày hôm nay? Anh (hay em) có thể giúp em (hay anh) việc gì trong tuần này?…Mục tiêu của thì giờ này là để vui hưởng hạnh phúc với nhau và khích lệ lẫn nhau.

Thường âu yếm, đụng chạm nhau hơn

Trước khi chúng tôi có con cái, tôi nhớ đã có lần quan sát vợ chồng người bạn đang chăm sóc con cái. Tôi nhận thấy rằng ngoài việc cho con ăn mỗi bữa ăn và giữ cho chúng chơi đùa trong lúc chúng tôi đến thăm, họ hiếm khi đụng chạm thể xác với nhau, cũng không nắm tay nhau, không ôm nhau, cũng không choàng vai với nhau. Rồi vài năm sau, khi có vài đứa con, tôi hoàn toàn hiểu được những khó khăn, tranh chiến trong việc âu yếm, đụng chạm thể xác với người phối ngẫu bởi vì chúng ta bị chi phối, lôi kéo từ nhiều hướng khác nhau.

Tuy nhiên, cho dù phải trải qua những giai đoạn khó khăn trong đời sống, sự âu yếm đụng chạm thế thể xác là phần quan trọng để đầu tư xây dựng cho hôn nhân của bạn. Hãy kiểm tra lại hôn nhân của bạn và tìm thì giờ (hay cả thời khoá biểu nữa) để có thể nắm tay nhau, hôn thường xuyên hơn, chuyện chăn gối hay ngay cả làm điều gì đó đơn giản thôi như chạm vai người phối ngẫu đang nấu nấu ăn khi đi ngang qua nhà bếp. Âu yếm, đụng chạm thể xác là truyền tín hiệu đến người phối ngẫu ngẫu của bạn biết rằng bạn đang chú ý đến nàng ((hay chàng), bạn thích và muốn gần gần gũi với nàng (hay chàng). Hãy nói chuyện với nhau về sự đầu tư quan trọng đó trong hôn nhân.


Nhận lỗi và tha thứ thường xuyên hơn

Khi nói về sự nhận lỗi và tha thứ trong Hội thánh, tôi tin rằng chúng ta thường thất bại khi áp dụng trong bối cảnh hôn nhân của chúng ta, bởi vì thành thật mà nói, đây việc khó! Ý tưởng về sự tổn thương và chia sẻ những yếu đuối, khuyết điểm của bạn với người khác có thể là điều khó nuốt…cũng chính vì lý do đó mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải làm. Thực hành bỏ đi sự kiêu ngạo của chúng ta qua hành động nhận lỗi sẽ mở ra cơ hội để tha thứ nhau, là bí quyết để giữ cho hôn nhân bền vững. Tôi thấy trong thực tế những cặp vợ chồng thỏa lòng nhất trong hôn nhân không phải là những người ít có sự bất đồng, mà họ là những người sẵn lòng tha thứ cho nhau. Đức Chúa Trời đã tha thứ cho mỗi chúng ta quá nhiều và những ai sống trong sự tự do ấy sẽ tự do để tha thứ cho người khác. Đầu tư cho hôn nhân của bạn bằng cách tra xét lòng mình thường xuyên hơn, hãy thành thật với người phối ngẫu của bạn về những điều bạn mong ước thay đổi và những lãnh vực bạn cần được tha thứ.

Đi chơi với nhau mỗi tuần

Người ta thường khuyên các cặp vợ chồng “hãy cầu nguyện với nhau, ở với nhau”. Nhưng tôi nghĩ cũng cần khuyên các cặp vợ chồng hãy chơi với nhau, đùa giỡn với nhau nữa! Cuộc sống bận rộn, với những bức xúc trong đời sống có thể khiến chúng ta không nhìn thấy rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta vui hưởng hạnh phúc với nhau trong đời sống mà Ngài ban cho chúng ta. Đầu tư cho hôn nhân của bạn bằng cách một lần trong tuần dành thì giờ đi ra ngoài (hoặc ở trong nhà nếu bạn không có thì giờ ngồi với nhau) và làm việc gì đó chung với nhau cho vui! Chơi game trong sàn nhà phòng khách, đi ăn tối vui vẻ với nhau, đi bộ đường dài, đi picnic và ăn trưa, hay đi xem kịch. Có rất nhiều điều có thể làm để đầu tư cho hôn nhân, và điều bạn đang làm quan trọng không bằng người mà bạn muốn làm cho họ. Hãy nhen lại tình yêu của bạn với người phối ngẫu bằng cách nhen lại tình bạn với người bạn đời của mình. Đầu tư cho hôn nhân của bạn có nghĩa là làm những việc nhỏ có chủ đích, nhưng cuối cùng nó sẽ đem lại một ảnh hưởng lớn lao trong hôn nhân. Dù bạn mới kết hôn mới năm ngày hay đã kết hôn 50 năm, thì sẽ không quá sớm hay quá trễ để bắt đầu một sự thay đổi trong hôn nhân của bạn.

Trịnh phan dịch

Tập Tành Sự Tin Kính

Tập Tành Sự Tin Kính

Tập Tành Sự Tin Kính

Tập tành hay huấn luyện gồm có hai công tác chính: Huấn là dạy hay giải thích cho biết rõ. Luyện là tập tành cho đến chừng trở thành thói quen hay trở nên lão luyện. Trong cuộc sống, người ta rất mực quan tâm đến sự tập tành hay rèn luyện cho thành thói quen. Samuel Smiles, nhà cải cách chính trị Tô-Cách-Lan có nói: “Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt nhân cách”. Aristote, nhà triết học và nhà giáo dục Hy-lạp thời cổ cũng nói: “Con người chúng ta là kết quả các hành động mà chúng ta lặp đi lặp lại. Sự tuyệt hảo, không phải là một hành động, mà là một thói quen”.

Kinh Thánh dạy chúng ta hãy tập tành sự tin kính. Sự tin kính vốn là một quà tặng mà Đức Chúa Trời đặt trong lòng ta. Khả năng sống tin kính là sự ban cho. Sự tập tành không tạo ra sự tin kính, nhưng nó khiến cho sự tin kính trở nên lão luyện. Nói cách khác, sự tin kính trong ta là quà tặng của Đức chúa Trời, nhưng sự tập tành sẽ giúp cho chúng ta có một thói quen sống tin kính và tin kính trở thành một nếp sống, thậm chí nó dầm thấm vào làm một với đời sống Cơ-đốc nhân và trở nên một thành tố trong sự sống phong phú của Cơ-đốc nhân. Sống tin kính không phải là thực hành các thói quen tin kính một cách máy móc vô ý thức. Tập tành sự tin kính phần nào có giống với sự tập lái xe hơi hay sự vận động điền kinh. Lái xe an toàn và chơi điền kinh giỏi là kết quả của sự huấn luyện.

Kinh thánh cho chúng ta biết lý do khiến chúng ta phải tập tành sự tin kính: “Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa. Ấy đó là một lời nói chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy.”

Ngày xưa, dưới thời La-mã Đế quốc, trong môi trường xã hội nông nghiệp, mọi người đều có cơ hội vận động nhiều, những người cần tập tành thân thể thường là chỉ để tham gia điền kinh hay biểu diễn thẩm mỹ. Trong xã hội ngày nay, máy móc nhiều, tiện nghi cao, vận động vật lý ít quá, sự tập tành thân thể là nhu cầu rất cần cho sức khỏe. Tuy vậy, sự tập tành thân thể ngày nay, nếu đem so với tập tành sự tin kính, thì ích lợi cũng vẫn chưa bao lăm, vì đời sống tin kính của chúng ta là cực kỳ quan trọng. Sự tin kính của một người là cả đời sống của người ấy. Sự sống tin kính quyết định toàn bộ phước họa của chúng ta, của đời nầy cũng như của cả cõi đời đời, đời của ta cũng như gia đình ta, dòng dõi ta, Hội Thánh ta, là cái mà Đức chúa Trời đã dự bị cho vô số lời hứa.

Tập tành sự tin kính là một mạng lịnh, là nếp sống Cơ-đốc thực hành của Cơ-đốc nhân. Chúng ta phải thực hành mọi huấn giới và lệnh truyền của Kinh thánh cho đến khi chúng trở thành thói quen và sự sống tự nhiên của ta.

Giô-suê 1:8 đã ban một mạng lịnh: “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước”.

Ngày nay, các con trai Y-sơ-ra-ên sùng đạo Do Thái vẫn còn mang nơi trán những túi nhỏ bằng da trong đó có đựng luật pháp của Chúa, để nhắc họ nhớ rằng họ phải “suy ngẫm ngày và đêm” và mang nơi tay để “cẩn thận làm theo”…

Cơ-đốc nhân ngày nay dầu không mang túi da đựng Kinh Thánh nơi đầu và nơi tay, nhưng Lời Chúa phải luôn luôn chiếm hữu trong tấm lòng, trong tâm trí và thực hành ra trong mọi sinh hoạt hằng ngày của đời sống.

Xin Chúa cho chúng ta biết đặt sự luyện tập thuộc linh ưu tiên trong đời sống để đức tin càng ngày càng tăng trưởng.

ooOOoo

Xuân Tỉnh Thức

Xuân Tỉnh Thức

Xuân Tỉnh Thức

Cảm tạ Chúa, bởi sự thành tín lớn lao của Ngài, chúng ta kinh qua một năm cũ đầy thách thức và chúng ta đang bước vào mới Đinh Dậu 2017 với niềm tin yêu và hy vọng trong Chúa Cứu Thế. Tôi nghĩ năm Đinh Dậu 2017 cũng là một năm đặc biệt, đáng nhớ: Năm 2017 là năm kỷ niệm 500 năm Cuộc cải chánh giáo hội (1517-2017) nhắc chúng ta nhớ đến tinh thần cải chánh, phục hưng của Martin Luther, đã khai sinh ra Giáo hội Cải chánh (Tin Lành) chúng ta. Thiết nghĩ nếu không có 500 Cải chánh Tin lành thì cũng không thể có 100 Tin Lành đến Việt Nam; Cho nên, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã hướng về ngày lịch sử trọng đại ấy và quyết định tổ chức sự kiện kỷ niệm trọng thể để cảm tạ Chúa.

Năm nay là năm Đinh Dậu – Tết Con gà, cũng nhắc chúng ta nhớ đến Phi-e-rơ với tiếng gà gáy khiến ông tỉnh thức, ăn năn và làm lại cuộc đời. Vì thế tôi muốn gọi Xuân năm nay là Xuân tỉnh thức.

Với tinh thần đó, tôi xin mạo muội làm câu đối Tết để gửi đến gia đình, bạn bè, cùng quí tôi con Chúa trong Hội Thánh như lời chúc đầu xuân. (Những năm gần đây, tôi có khuynh hướng hoài cổ, thích bắt chước người xưa làm thơ, câu đối Tết, nhắc tới chữ Nôm, đùa với chữ nghĩa một chút cho vui chứ không có ý gì khác)

TẾT ĐINH DẬU AN LÀNH, NHỚ BỈ ĐẮC (PHI-E-RƠ),
TIẾNG GÀ GÁY SÁNG, DẶN LÒNG TÍN TRUNG, TỈNH THỨC.

節 丁 酉 安 令, 汝 彼 得 㗂 𪃴 嘅 灲,
吲 𢚸 信 忠, 省 識

XUÂN HAI NGHÌN MƯỜI BẢY, KHEN TÍN NGHĨA (LUTHER),
TINH THẦN CẢI CHÁNH, KHAO KHÁT ĐỔI MỚI, PHỤC HƯNG.

春 𠄩 𠦳 𨑮 𦉱, 𠸦 信 義 惺 唇 改 正,
滈 渴 𢬭㵋, 復 興

Nhân dịp đầu Xuân, xin cùng quí tôi con Chúa suy niệm lời Chúa trong Thư 1Phi-e-rơ 5:8-11 với chủ đề “Xuân tỉnh thức”.

TỈNH THỨC LÀ GÌ? TẠI SAO CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI TỈNH THỨC?
• Tỉnh thức
Động từ tỉnh thức hay thức canh gregoreo [γρηγορέω] trong Tân ước có nghĩa là đề cao cảnh giác, tập trung chú ý để sẵn sàng đối phó với sự tấn công của kẻ thù. Động từ này bắt nguồn động từ gốc là egreio là chỗi dậy. Từ này được dùng trong Tân ước khoảng 25 lần.
Tỉnh thức thuộc linh là tỉnh táo, nhạy bén với nhu cầu tâm linh cũng như đề cao cảnh giác trước sự cám dỗ, tấn công của ma quỉ, thế gian, xác thịt. Tỉnh thức tâm linh là khao khát, chờ đợi sự thăm viếng của Đức Thánh Linh để được phục hưng đổi mới. Tại sao Cơ Đốc nhân chúng ta phải luôn tỉnh thức?

• Sự tấn công của ma quỉ (c.8)
“Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.”
Cơ Đốc nhân phải luôn luôn đối diện một chiến trận thuộc linh với ma quỉ, thế gian và xác thịt. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức đối phó. Kinh Thánh cho biết kẻ thù của chúng ta là ma quỉ như sư tử gầm thét đang rình mò chung quanh chúng ta. Ma quỉ cũng rất tinh khôn, dùng trăm mưu, nghìn kế để cám dỗ, tấn công chúng ta. Vì thế, Kinh Thánh dạy chúng ta phải “mang mọi khí giới của Đức Chúa Trời để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ.” (Êph.6:11) Kinh Thánh cũng cảnh báo trong ngày cuối cùng rằng:
“Vì ma quỉ biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi.” (Khải 12:12b) Tuy nhiên Lời Chúa dạy chúng ta phải chiến thắng nó “đừng để cho quỉ Sa-tan thắng chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của nó.” (2Cô 2:11)
Thật vậy, bài học đầu tiên mà chúng ta phải học và thực hành trong năm mới này là tỉnh thức tâm linh. Nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ thất bại khi ma quỉ tấn công chúng ta như Phi-e-rơ. Vì thế, trong vế đầu của câu đối Tết của tôi năm nay là:

TẾT ĐINH DẬU AN LÀNH, NHỚ BỈ ĐẮC (PHI-E-RƠ),
TIẾNG GÀ GÁY SÁNG, DẶN LÒNG TÍN TRUNG, TỈNH THỨC.

• Sự yếu đuối của xác thịt (Mat 26:41)
“Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.”
Trong chiến trận thuộc linh này, ngoài chiến đấu với ma quỉ, chúng ta còn phải chiến đấu với hai đồng minh thân cận của nó là xác thịt và thế gian. Tính xác thịt là kẻ thù thường xuyên ở trong con người mà chúng ta phải luôn tranh chiến với nó. Lời Chúa phán “Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm.” (Ga-la-ti 5:16-17) Ga-la-ti 6:19-21 cũng liệt kê 15 tội của xác thịt luốn tấn công chúng ta. “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, 20 thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, 21 ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.”

• Ngày của Chúa đã gần kề (1Phi 4:7)
“Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện.” (1Phi 4:7)
Kinh Thánh luôn luôn nhắc nhớ con dân Chúa phải tỉnh thức mà trông chờ ngày Chúa tái lâm. Chúa Giê-xu cũng luôn luôn cảnh báo “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến.” (Mat. 24:42)
Ngày của Chúa càng gần, ma quỉ càng lộng hành “giận hoảng” tấn công chúng ta. Vì thế, con dân Chúa càng phải tỉnh thức nhiều hơn.

TỈNH THỨC NHƯ THẾ NÀO? PHẢI LÀM GÌ?

• Tỉnh thức với tinh thần tiết độ, khôn ngoan và sẵn sàng
Tỉnh thức luôn đi đôi với tiết độ, tự chế, kỷ luật. Một đời sống tỉnh thức thì không thể sống phóng túng, buông thả vào tình dục, tội lỗi được.
Tỉnh thức cũng đi đôi với sự khôn ngoan, sáng suốt và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Chúa Giê-xu khi dạy về ngày Chúa tái lâm đã nhắc nhở “ Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới bủa.” (Lu-ca 21:34)

• Tỉnh thức và chiến đấu trong sự cầu nguyện
Tỉnh thức luôn đi đôi với sự cầu nguyện. Chúa nhắc nhở Phi-e-rơ và các sứ đồ trong vườn Ghết-sê-ma-nê rằng “Hãy thức canh và cầu nguyện để các người khỏi sa vào chước cám dỗ của ma quỉ…” Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở tín hữu Cô-lô-se rằng “Phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào.” (Cô-lô-se 4:2) Vũ khí quan trong và kỳ diệu mà Chúa ban cho chúng ta để chiến đấu với kẻ thù là sự cầu nguyện. Nhờ sự cầu nguyện mà chúng ta có quyền năng, sức mạnh tâm linh để chiến thắng trong mọi nghịch cảnh.
Tôi rất thích và luôn nhớ câu nói của Mục sư Tiến sĩ Billy Graham trong bài giảng ở Hội nghị Amsterdam 2000 “Có nhiều điều tôi chưa hiểu hết về sự cầu nguyện; có nhiều điều tôi chưa hiểu hết về quyền năng của Đức Thánh Linh, nhưng điều mà tôi biết chắc chắn là hai việc này có liên quan mật thiết với nhau.”

Cầu nguyện là thứ vũ khí kỳ diệu và hiệu nghiệm giúp chúng ta đắc thắng kẻ thù, vì thế mà Phao-lô kêu gọi “Vậy, hỡi anh em, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, và nhờ sự yêu thương sanh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em phải cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình cùng Đức Chúa Trời.” (Rôm. 15:30)

• Đứng vững trong đức tin mà chống cự ma quỉ.
“Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình”
Chúng ta phải đứng vững trong đức tin để chống cự ma quỉ. Nhưng “đứng vững trong đức tin” có nghĩa gì? Nghĩa là chúng ta phải đứng vững trong vị trí đắc thắng trong Chúa Giê-xu là Đấng đã đắc thắng. Chúng ta cần nhớ rằng ma quỷ đã bị Chúa Giê-xu đánh bại tại thập tự giá rồi và Ngài ban sự đắc thắng đó cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải đứng ở vị trí đắc thắng, nhân danh Chúa mà chiến đấu với nó. Câu chuyện Môi-se chiến thắng dân A-ma-léc là bài học sống động cho chúng ta về sự cầu nguyện đứng ở vị trí đắc thắng: Trong khi Giô-suê và quân lính chiến đấu với quân A-ma-léc thì Môi-se đứng ở đầu nỗng cầm gậy giơ lên để cầu nguyện với thẩm quyền Chúa ban và nhờ đó dân Y-sơ-ra-ên đã chiến thắng. (Xuất 17:8-16)

Dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh và với tất cả kinh nghiệm của một người đã từng kinh qua những cám dỗ, tấn công của ma quỉ, thánh Phi-e-rơ đã viết những lời quí báu về sự tỉnh thức để dạy dỗ cho tất cả con dân Chúa. Sau khi nhắc nhở về sự tiết độ và tỉnh thức trước sư tấn công của ma quỉ, Thánh Phi-e-rơ đã kết thức bằng lời khích lệ chúng ta trong câu 10: “Và sau khi anh em phải chịu khổ ít lâu, Đức Chúa Trời của mọi ân điển, Đấng đã gọi anh em đến vinh quang đời đời của Ngài trong Đấng Cơ Đốc, chính Ngài sẽ phục hồi, củng cố, xây dựng và ban sức lực cho anh em.” [HĐTT]

Cảm tạ Chúa, mặc dù chúng ta phải kinh qua những cám dỗ, thử thách trong đời sống, Chúa luôn đồng hành với chúng ta và Ngài hứa ban ân điển dư dật để chúng ta đắc thắng và được phước dư dật “chính Ngài sẽ phục hồi, củng cố, xây dựng và ban sức lực cho anh em.” Vì thế, hãy hướng về hành trình năm mới 2017 với tinh thần tỉnh thức, tin yêu và hy vọng nơi “Đức Chúa Trời của mọi ân điển” và phước lành với tất cả niềm tin yêu và hy vọng nơi Ngài. A-men.

Trịnh Phan
Xuân Đinh Dậu 2017

Đầy Dẫy Đức Thánh Linh

Đầy Dẫy Đức Thánh Linh

Đầy Dẫy Đức Thánh Linh

Có Thánh Linh và đầy dẫy Thánh Linh là hai việc khác nhau, trong kinh nghiệm sống của Tín đồ. Có Thánh Linh như con trẻ còn ăn sữa, đầy dẫy Thánh Linh như người trưởng thành ăn thức ăn cứng. Dầy dẫy Thánh Linh không phải là chúng ta được Chúa nhiều hơn, nhưng là Chúa được chúng ta nhiều hơn.

Người ta thường xin Chúa để thêm Thánh Linh vào lòng không đến nỗi là tà giáo, nhưng không đúng lắm. Đành rằng Thánh Linh ví như nước, nhưng không phải Ngài phân nửa trong, phân nửa ngoài. Hết thảy chúng ta đều có Thánh Linh ngự rồi, nhưng chưa được đầy dẫy, là Thánh Linh chưa hoàn toàn chiếm ngự tức là chưa được chúng ta tất cả, chớ không phải là chúng ta chưa được Ngài tất cả.

Đầy dẫy Thánh Linh là khi chúng ta tận hiến đời mình cho Chúa để Ngài hoàn toàn chiếm hữu, hướng dẫn, sử dụng, kiểm soát. Không đầy dẫy Thánh Linh là có Thánh Linh ngự trong lòng, nhưng chúng ta lại sống theo ý riêng của mình. Vì vậy, có người con đỏ, có người trưởng thành, có người sống theo xác thịt, có người sống theo Thánh Linh, mặc dù cả hai đều là con cái của Chúa.

I. TAI HẠI CỦA SỰ KHÔNG ĐẦY DẪY THÁNH LINH:

Đừng bao giờ nghĩ rằng tôi có Thánh Linh ngự trong lòng là được rồi, còn việc đầy dẫy Thánh Linh hay là không thì không quan trọng. Không phải như vậy, nếu không đầy dẫy Thánh Linh thì chúng ta sống cuộc đời vất vưởng, tệ hại, xấu hổ Danh Chúa.

1-Hội Thánh Côrinhtô.

a Hội Thánh con đỏ. ICôrinhtô 3:1-3: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy. Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi, đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt. Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?”. Phaolô trách Hội Thánh Côrinhtô khá nặng mà nói rằng họ còn là con đỏ hoài, ăn sữa mãi chứ không ăn đồ cứng được. Sữa là lẽ đạo đơn sơ, đồ ăn cứng là lẽ đạo cao sâu, mầu nhiệm. Họ còn ăn ở theo xác thịt như người thế gian, như ghen ghét, tranh cạnh.

b Hội Thánh phe đảng. ICôrinhtô 1:12: “Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy : Ta là môn đồ của Phaolô. Ta là của Abôlô, ta là của Sêpha, ta là của Đấng Chsirt”. Một Hội Thánh mà có bốn phe. Họ bênh vực người nầy, chống lại người kia, yêu người nầy, ghét người kia, hoan nghinh người nầy, đả đảo người kia. Bốn phe như vậy xé nát Hội Thánh.

c. Hội thánh kiện nhau. ICôrinhtô 6:1: “Khi trong anh em ai có sự nghịch cùng người khác, sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các Thánh đồ?”. Hội Thánh con đỏ, Hội Thánh phe đảng là Hội Thánh bất hoà. Không ai phục tùng ai, họ đưa nhau ra các Chánh quyền tại các địa phương. Phaolô quở trách nặng hết : “Tại sao anh em làm vậy? Anh em há chẳng biết rằng Hội Thánh của Chúa sẽ xét đoán thế gian và thiên sử sao? “. Họ hành động cách con trẻ, tự sỉ nhục mình (ICôr 6:4-6).

d. Hội Thánh ăn của cúng. ICôrinhtô 10:14-22: “Hỡi kẻ yêu dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng. Tôi nói với anh em cũng như nói với kẻ thông minh ; chính am em hãy suy xét điều tôi nói. Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với Huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao? Vì chỉ có một cái bánh chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể ; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh. Hãy xem dân Ysơraên theo phần xác ; những kẻ ăn thịt con sinh tế, há không thông đồng với bàn thờ sao? Nói vậy có ý chí? Của cúng thần tượng có giá trị gì và thần tượng có ra gì chăng? Chắc là không ; nhưng đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỷ, chớ không phải cúng tế Đức Cháu Trời. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỷ. Anh em chẳng có thể uống chén của Chúa và cũng uống chén của các quỷ ; chẳng có thể dự tiệc của Chúa, lại dự tiệc của các quỷ. hay là chúng ta muốn trêu lòng Chúa ghen chăng? Chúng ta há mạnh hơn Ngài sao?”. Hội thánh Côrinhtô tưởng mình có đức tin mạnh mẽ, dám ăn của cúng thần tượng mà cho là không quan trọng. Phaolô thì cho là quan trọng lắm. Ăn của cúng thần tượng là dự tiệc của ma quỷ, thông đồng với ma quỷ, là chọc giận Đức Chúa Trời.
Một Hội thánh không đầy dẫy Thánh Linh thường phạm những việc như thế, tai hại vô kể.

2-Hội Thánh Galati.

a Không còn nhờ Thánh Linh mà bắt đầu nhờ mình. Galati 3:1-3: “Hỡi người Galati ngu muội kia, ai bùa ếm anh em là người mà trước mắt đã được rõ bày ra Đức Chúa Giêxu Christ bị đóng đinh trên Thập tự giá? Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy : Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh? Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?”. Hội Thánh Galati đã bắt đầu bước đi một cách rất tốt là cậy Thánh Linh để sống. Nhưng sau một thời gian họ bị cám dỗ không cậy Thánh Linh nữa, mà cậy xác thịt, tưởng mình có đủ sức làm theo luật pháp, đến nỗi họ gián trật phần ân điển. Phaolô cho họ là ngu muội, bị bùa ếm, nên đã bắt đầu một cách rất tốt, mà không tiến theo con đường đó mãi, lại tẻ tách đi một con đường khác.

b Giữ nghi lễ. Galati 4:9-11: “Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời, lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư? Anh em hãy còn giữa ngày, tháng, mùa năm ư? Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em”. Phao lô nói hết sức thiết tha. Anh em đã nhờ Chúa được cứu, nhận được Thánh Linh, thì sao lại bỏ đi mà bắt đầu giữ ngày, tháng, mùa, năm những lề thói yếu đuối, vô quyền và trống không? Ông nói thêm : “Tôi sợ rằng tôi làm việc luống công giữa anh em, tức là anh em sẽ mất sự cứu rỗi, vì sẽ xa cách Chúa chăng”.
Hội Thánh Galati đã trải qua một cơn khủng hoảng cực kỳ quan trọng, vì có Thánh Linh song không đầy dẫy Thánh Linh.

3-Hội Thánh Hêbêrơ tại Giêrusalem.

a Còn ăn sữa mãi. Hêbêrơ 5:11-14: “Về sự đó chúng ta có nhiều điều nói và khó cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. Đáng lẽ anh em đã thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ lọc của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em. Anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình, vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thánh nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ”. Tình trạng của Hội Thánh Hêbêrơ giống như hai Hội Thánh trên là vẫn còn ăn sữa chớ chưa ăn đồ cứng, vẫn còn làm học viên chớ chưa trở nên giáo viên, còn thơ ấu chứ chưa trưởng thành.

b Muốn trở lại đường cũ. Hêbêrơ 6:4-8: “Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành của Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn, vì họ đóng đinh con Đức Chúa Trời trên Thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cầy cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt”. Hội Thánh Hêbêrơ đã nếm phước lành của sự cứu rỗi, nhận được quyền năng tái tạo, tiến lên linh trình. Nhưng thình lình một số người sa ngã lui lại con đường cũ. Tác giả cảnh cáo họ đã đóng đinh con Đức Chúa Trời trên Thập tự giá cho mình một lần nữa, vì chúng ta đã đóng đinh Ngài một lần rồi. Nếu cố ý phạm tội, không thể ăn năn mà phải bị rủa sả. Hội Thánh Côrinhtô, Hội Thánh Galati, Hội Thánh Hêbêrơ suýt bị mất là tại vì dầu có Thánh Linh mà chưa đầy dẫy. Đã sanh ra, lớn lên, nhưng không đạt đến mức trưởng thành. Đó là lý do mà mỗi Hội Thánh mỗi cá nhân rất cần phải đầy dẫy Thánh Linh.

II. NHU CẦU CỦA SỰ ĐẮC THẮNG THÁNH LINH:

Trước khi về trời, Chúa Giêxu đã giao trọng trách cho các môn đồ: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Hãy khiến họ trở nên môn đồ Ta, làm Báp têm cho họ nhơn Danh Cha, Con và Thánh Linh dạy họ giữ hết cả mọi điều Ta truyền cho các ngươi”. Một nhóm Tín đồ hơn một trăm người, vừa nghèo nàn, yếu đuối, thất học, chỉ làm nghề chài lưới. Một người có học hơn hết là Mathiơ, làm quan thâu thuế. Chúa bảo họ rằng : “Hãy đợi trong thành Giêrusalem cho đến khi được mặc lấy quyền phép để làm chứng cho Ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari, cho đến cùng trái đất”. Như vậy, Chúa đặt một trọng nhiệm, đồng thời đặt thêm một lời hứa để khi nào nhận được lời hứa đó thì có khả năng thi hành trọng nhiệm đó.

Trải qua hai mươi Thế kỷ, Hội Thánh đã làm tròn trọng trách vì Chúa đã thực hiện lời hứa của Ngài. Đó là lý do Tin lành đã đến Việt nam, đến Thành phố chúng ta, đến làng mạc chúng ta, đến tận nhà của chúng ta. Bây giờ, đến phiên chúng ta cũng phải làm tròn trách nhiệm, và muốn làm tròn trách nhiệm đó thì chúng ta cũng phải đầy dẫy Thánh Linh.

1-Hội Thánh Giêrusalem đầu tiên đầy dẫy Thánh Linh.

Công vụ2:1-4: “Đến ngày lễ ngũ tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói”. Số 120 người kể cả nam nữ, Sứ đồ và Tín đồ họp lại tại phòng cao, là nơi Chúa và các môn đồ thường họp lại để giảng dạy, nhất là dự Tiệc Thánh lần cuối cùng. Đang khi họ chờ đợi Thánh Linh giáng lâm, thì nhầm ngày Lễ Ngũ tuần của dân Do Thái, Thánh Linh quả thật đã giáng lâm đúng như Chúa Giêxu hứa. Hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh. Vì nhu cầu của mỗi người, kẻ đi ra giảng đạo, người về nhà làm ruộng, chài lưới, làm bếp, mua bán đều phải đầy dẫy Thánh Linh. Kết quả, trong ngày ấy có độ ba ngàn người thêm vào Hội Thánh.

a Sinh hoạt vui vẻ. Công vụ 2:42-47: “Vả những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các Sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ, vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ. Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài, điền sản mình mà phân phát cho nhau, tuỳ sự cần dùng của từng người. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến Đền thờ, còn ở nhà thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh”. Tinh thần của Hội Thánh thật cao đẹp, thuộc linh, quang cảnh của Hội Thánh thật ấm áp, phước hạnh.

Đó là việc không ai làm được, nên không ai đứng ra tổ chức kêu gọi, nhưng Thánh Linh ở trong mỗi người đã khiến họ hiệp một, yêu thương, vui vẻ chia xẻ đến nỗi “không ai thiếu thốn cả” (Công 4:43).

b Thêm người tin Chúa. Công vụ 4:4: “Dầu vậy, có nhiều người nghe đạo thì tin. Số Tín đồ lên đến độ năm ngàn”
Công vụ 5:14: “Số người tin Chúa càng ngày càng thêm, nam nữ đều đông lắm”.
Công vụ 6:1; 7:4: “Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên… Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giêrusalem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy Tế lễ vâng theo đạo nữa”. Đó là công việc của Thánh Linh, bởi Ngài đầy dẫy trong Tín đồ cũng như trong Sứ đồ.

c Đem Tin lành xa hơn. Công vụ 8:4-8: “Vậy, những kẻ đã bị tan lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin lành. Philíp cũng vậy, xuống trong thành Samari mà giảng về Đấng Christ tại đó. Đoàn dân nghe người giảng và thấy các phép lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe người nói; vì có những tà ma kêu lớn tiếng lên mà ra khỏi nhiều kẻ bị ám, cùng kẻ bại và què được chữa lành, cũng nhiều. Tại cớ đó, trong thành được vui mừng khôn xiết”.
Công vụ 12:24: “Bấy giờ, đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra”.
Nhu cầu Hội Thánh đầu tiên cũng là nhu cầu của Hội Thánh ngày nay, nhất là nhu cầu của Hội Thánh hiện nay, nhu cầu của Hội Thánh trong thành phố nầy.

2-Hội Thánh Antiốt đầy dẫy Thánh Linh.

a Nhiều người tin Chúa. Công vụ 11:22-26: “Tiếng đồn thấu tại Hội Thánh Giêrusalem, hội bèn sai Banaba sang đến thành Antiốt. Khi người đến nơi thấy ơn Đức Chúa Trời bèn vui mừng khuyên mọi người cứ phải vững lòng theo Chúa; vì Banaba thật là người lành, đầy dẫy Thánh linh và Đức tin. Bấy giờ rất đông người tin theo Chúa. Kế đó Banaba đi đến thành Tạtsơ, để tìm Saulơ, tìm gặp rồi bèn đưa đến thành Antiốt. Trọn một năm, hai người cùng nhóm với Hội Thánh và dạy dỗ nhiều người. Ấy là ở thành Antiốt, người ta bắt đầu xưng môn đồ là Cơrêtiên”. Nhờ đầy dẫy Thánh Linh, nên số người tin Chúa thêm lên. Cách ăn ở của Tín đồ rất là tốt, đến nỗi nhìn vào Tín đồ, người chung quanh đặt cho họ một tên là Cơ đốc nhân. Cơ Đốc nhân là người của Đấng Christ, ăn ở giống như Chúa cơ đốc.

b Cử giáo sĩ đầu tiên. Công vụ 13:1-3: “Trong Hội Thánh tại thành Antiốt có mấy người tiên tri và mấy thầy giáo sư, tức là: Banaba, Simêôn gọi là Nigiê, Lusiút người Syren, Manahem là người đồng dưỡng với vua chư hầu Hêrốt, cùng Saulơ. Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: Hãy để riêng Banaba và Saulơ đặng làm công việc Ta đã gọi làm. Đã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ bèn đặt tay trên hai người, rồi để cho đi”. Được đầy dẫy Thánh Linh, họ họp nhau cầu nguyện, xin Chúa cho họ biết Ngài muốn họ làm gì. Chúa bảo họ để riêng Saulơ và Banaba đi giảng đạo. Sau đó chính Hội Thánh Antiốt đặt tay, tức là chịu trách nhiệm cử hai người nầy ra đi. Họ đã cầu nguyện, dâng tiền làm chi phí, để hai ông đem Tin Lành cho thế giới thời bấy giờ.
Thánh Linh đã làm những công việc lớn lao và lạ lùng không ai làm được. Đó là nhu cầu Chúa cung ứng cho Hội Thánh qua các đời.

3-Hội Thánh Têsalônica đầy dẫy Thánh Linh.

a. Có đủ ân tứ. I Têsalônica 1:3: “Vì trước mặt Đức Chúa Trời là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đỗ về sự trông cậy của ahn em trong Đức Cháu Giêxu Christ chúng ta”. Họ có ba đặc điểm: Đức Tin, hi vọng, yêu thương, đúng như I Côrinhtô 13:13.

b. Có quyền năng của Thánh Linh. I Têsalônica 1:5: “Vả đạo Tin Lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu thương đối với anh em là thể nào”. Họ kinh ngiệm Tin lành không những bằng lời nói, nhưng trong đó có quyền năng của Thánh Linh. Không phải tự nhiên người Têsalônica có đức tin, hi vọng, tình yêu, nhưng bởi sự đầy dẫy Thánh linh mà họ có mọi điều đó.

c. Trở nên gương tốt. I Têsalônica 1:6-9: “Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa, lấy sự vui vẻ của Đức Thánh Linh mà tiếp nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn khó, đến nỗi anh em trở nên gương tốt cho hết thảy Tín đồ ở xứ Maxêđoan và xứ Achai. Vì đạo Chúa không những từ nơi anh em vang ra trong xứ Maxêđoan và Achai thôi đâu, nhưng đức tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời đã dồn khắp mọi nơi, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói đến nữa. Vả, mọi người đều thuật lại thế nào anh em đã tiếp đãi chúng tôi, và thế nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời Hằng sống và Chân thật”. Họ đã từng bị bắt bớ trong gia đình, thậm chí ngoài xã hội. Nhưng họ vui vẻ, vững vàng theo Chúa. Nếp sống đạo đức của họ được đồn ra khắp mọi nơi, trong cả đế quốc Lamã thời bấy giờ mà Phaolô không cần nói nữa. Nếp sống đó là họ từ bỏ hình tượng hư không mà trở về cùng Đức Chúa Trời hằng sống, để tôn thờ, phục vụ ngài. Họ được như vậy là nhờ đầy dẫy Thánh linh. Nhu cầu thiết yếu của Hội Thánh trải qua các đời nầy là đầy dẫy Thánh Linh. Có Thánh Linh để được cứu, đầy dẫy Thánh Linh để phục vụ. Được cứu chưa đủ, cần phải đem sự cứu rỗi cho người khác nữa.

III. CHÚA HỨA CHO CHÚNG TA ĐẦY DẪY THÁNH LINH:

1- Sự ban cho lớn hơn hết.
Luca 11:13: “Vậy, nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài”. Nếu Cha yêu con thì ban điều tốt nhất cho con, Đức Chúa Trời yêu chúng ta thì ban Thánh Linh cho chúng ta. Tại sao? – Vì Thánh Linh là ban tứ tốt nhất, là nhu cầu thiết yếu nhất. Chúng ta thiếu gì có thể bỏ qua được, mà không thể thiếu sự đầy dẫy Thánh Linh. Vì Đức Chúa Trời muốn ban cho hơn là chúng ta muốn nhận được.

2-Ban cho một đời sống phong phú.
Giăng 10:10: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và huỷ diệt; còn Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật”. Chỉ có một sự sống như hai mức độ: Được sự sống và được một cách dư dật. Mỗi chúng ta đều có sự sống, nhưng cần phải có sự sống dư dật để làm việc. Nếu không có sự sống dư dật thì giờ nầy ai nấy nằm trên giường. Chúng ta cần có Thánh Linh để được cứu, nhưng cũng cần có Thánh Linh một cách đầy dẫy để phục vụ. Vì Chúa muốn chúng ta được cứu, nhưng cũng muốn chúng ta phục vụ, đưa đến nhiều linh hồn về với Ngài. Truyền giảng Tin Lành cho thế giới và hoạt động không ngừng cho đến Chúa Tái lâm

3-Ban cho một đời sống tuôn tràn không dứt.
Giăng 4:14: “Nhưng uống nước Ta sẽ cho thì chẳng hề khát nữa. Nước Ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời”. Bà Samari đến giếng múc nước. Chúa bảo: “Ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi”. Đó là không đầy dẫy Thánh Linh, nhưng khi đầy dẫy Thánh Linh thì trong người đó có một dòng nước tuôn tràn ra, lúc nào cũng vui mừng, nơi nào cũng thoải mái.

Thế gian cần xem hát để giải khuây, cần uống rượu để giải buồn mà vẫn buồn mãi và buồn hơn. Nhưng con cái của Chúa không cần uống rượu cũng vui, không cần đánh bạc, không cần xem hát cũng vui, vì chúng ta có một nguồn vui thiên thượng tuôn tràn không dứt. Chúng ta chia xẻ niềm vui cho thế gian, chớ không cần thế gian chia xẻ niềm vui cho mình.
Giăng 7:37-38: “Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Giêxu ở đó, đứng lên kêu rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh thánh đã chép vậy”. Ai khát Thánh Linh hãy đến cùng Chúa, ai tin Ngài thì trong người đó có một con sông nước sống tuôn tràn không dứt, như sông Cửu Long, sông Đồng Nai. Than ôi, một số Tín đồ sa vào tội ác, một số khác yếu đuối, vất vưởng, nay đừng mai ngã, nay vui mai buồn, lúc tiến lúc thoái, lúc lên lúc xuống. Mình không mạnh mẽ trên đường của mình thì làm sao hướng dẫn người khác được. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết của chúng ta là phải đầy dẫy Thánh Linh. Chúa biết điều đó, và Ngài dùng nhiều lần, nhiều cách, lập đi lập lại, hứa ban Thánh Linh, miễn là chúng ta khao khát Ngài.

Êphêsô 5:18: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Mạnh lệnh đó không phải là có cũng được, không cũng được, muốn cũng được, không cũng được, nhưng hễ là con cái Chúa thì phải đầy dẫy Thánh Linh. Chúng ta phải hạ mình xuống, lấy đức tin nài xin Chúa ngay bây giờ. Xin cho con đầy dẫy Thánh Linh. Nếu có lỗi lầm nào xin Chúa tha thứ, rửa sạch bằng Huyết của Ngài, và xin Thánh Linh hoàn toàn chiếm hữu chúng ta.

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

Lời giới thiệu
Công tác Truyền giáo thế giới Thế kỷ 21 được đánh dấu bằng sự kiện “Hội nghị Amsterdam năm 2000.” Tại hội nghị này, Mục sư Billy Graham, nhà truyền giáo nổi tiếng nhất thế kỷ 20 đã gửi đến con dân Chúa sứ điệp truyền giáo mạnh mẽ và sâu sắc như là lời tâm tình về khải tượng truyền giáo trao gửi lại cho thế hệ kế tục chúng ta hôm nay. Thiết nghĩ bài giảng được xức dầu này vẫn còn ích lợi cho tôi con Chúa và Hội Thánh Việt Nam hôm nay. Nhân ngày Truyền giáo của Hội Thánh chung, chúng tôi xin được dịch và giới thiệu cùng quý tôi con Cha. (TP)

Hân hoan chào mừng quý vị trong Danh Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Chúa chúng ta!
Tôi xin hoan nghênh quý vị đã đến đây tham dự lễ khai mạc Hội nghị Amsterdam 2000 tối nay.

Chúng ta từ hơn 185 quốc gia, lãnh thổ, khu vực trên thế giới đã họp nhau tại Amsterdam này. Một số quý vị đã vượt qua chặng đường hàng ngàn dặm, chịu nhiều hy sinh để đến với hội nghị này. Chúng ta không phải chỉ đến từ những vùng đất khác nhau trên trái đất, nhưng cũng đến từ những nền văn hóa dân tộc và hệ phái khác nhau nữa. Thật vậy, thiết tưởng chưa có một cuộc hội họp rộng lớn như thế này trong Hội Thánh của Chúa Giê-xu từ trước đến nay. Phần lớn quý vị sẽ không có cơ hội nào khác để có thể từ phương trời này thông công với anh chị em trong Chúa từ khắp nơi trên trái đất như thế này. Ước mong mỗi người trong chúng ta sẽ cảm thấy vui thỏa suốt những ngày chúng ta cùng nhau học hỏi những gì Đức Chúa Trời đang làm trên thế giới. Nguyện Chúa dùng mối thông công này để khích lệ và giục giã mỗi lòng chúng ta.

Nhưng tại sao chúng ta lại ở đây, trong thành phố xinh đẹp này? Chúng ta đã dự tính, quyết định, ra đi và chịu nhiều phí tổn để đến Amsterdam 2000 nhằm mục đích gì? Hay nói một cách khác, tại sao Đức Chúa Trời họp nhau chúng ta tại đây? Ngài muốn thực hiện điều gì trên mỗi người chúng ta trong những ngày này? Tôi tin rằng chúng ta đã đến đây do ý muốn thiên thượng. Lời cầu nguyện của tôi và cũng là lời cầu nguyện khẩn thiết của quý vị, đó là mục đích của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện trên mỗi đời sống chúng ta.

Tôi mong rằng quý vị đến đây chỉ với một mục đích chính: khám phá ra một phương cách thật hiệu quả cho công tác mở mang Nước Trời trên đất. Đây là lý do chủ yếu để chúng ta tồn tại với tư cách là những người phục vụ Đấng Christ. Xin đừng để ý đến những khác nhau về bối cảnh, vì chúng ta được hiệp nhất trong tình yêu của Đấng Christ, trong sự cam kết truyền bá Phúc Âm cho đến cùng trái đất. Nhưng làm thế nào để có thể đạt được điều ấy? Chúng ta nên tìm kiếm điều gì trong suốt những ngày tham dự hội nghị này? Chúng ta hãy quay lại và tìm kiếm Lời của Đức Chúa Trời để khám phá ra những nguyên tắc mà chúng ta phải theo nhằm áp dụng trong thời đại mình.

Có lẽ không có chương Kinh Thánh nào lại dạy dỗ về chủ đề này nhiều hơn các chương mở đầu của sách Công Vụ, nó ghi lại những ngày đầu tiên của Hội Thánh Đấng Christ. Những chương này cần được nghiên cứu cẩn thận dù ở đây tôi chỉ lướt qua thôi. Những nguyên tắc xoay quanh thời kỳ sôi động này dạy chúng ta phương cách mà Đức Thánh Linh sử dụng để truyền bá Phúc Âm trong nền văn hóa và thời đại của chúng ta.

Tôi suy nghĩ và rút ra từ các chương đầu của sách Công Vụ bốn mục đích mà tôi tin rằng quý vị nên cố gắng đạt được trong kỳ hội nghị. Mặc dù tôi sẽ không tham dự hết các buổi nhóm của hội nghị này, nhưng tôi và quý vị hiệp một với nhau trong lời cầu nguyện. Vì thế xin cho phép tôi được nói như tôi đang hiện diện với quý vị, vì tâm linh tôi đang ở với quý vị.

Trước hết, hãy tái khẳng định sự cam kết của chúng ta đối với chân lý Phúc âm.

Một vài nguời trong quý vị đến từ những nơi đang bị ảnh hưởng của những trào lưu tôn giáo hay các hệ tư tưởng chối bỏ những chân lý cốt lõi của Phúc âm. Một số quý vị đang phải đối diện với sự bành trướng của chủ nghĩa thế tục hay chủ nghĩa duy vật luôn tỏ thái độ lạnh nhạt, thờ ơ hay thậm chí thù địch đối với Phúc âm nữa. Hoặc có thể quý vị đang sống giữa xã hội hậu hiện đại, họ phủ nhận tất cả dù đó là chân lý đi nữa.

Dù quý vị đang sống trong hoàn cảnh thế nào đi nữa, có một điều hoàn toàn rõ ràng đối với Cơ Đốc nhân đầu tiên, đó là họ biết rõ Phúc âm là gì và họ cũng sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình cho những điều họ đã tin chắc là chân lý. Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ tuần cũng đã cất tiếng lên rằng: “Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê-xu này mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ”(Công Vụ 2:36). Sau đó ít lâu ông cũng đã đứng trước Hôi đồng công luận, tuyên bố cách mạnh mẽ rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ 4:12).

Trước tiên, các môn đồ cũng đã ở trong mối hiểm nguy của sự hiểu lầm Phúc âm. Bốn mươi ngày sau khi Đấng Christ phục sinh, họ nhóm lại với Chúa Giê-xu trên đỉnh núi Ô-li-ve, ngay trước khi Ngài thăng thiên về cùng Đức Chúa Trời. Họ đã nói rằng: “Lạy Chúa, có phải trong lúc này Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” (Công Vụ 1:6). Mắt họ phải được mở ra để nhìn thấy trước vấn đề. Đây là thời điểm mà họ đang chờ đợi, thời điểm mà Đấng Mê-si-a sẽ bẻ gãy cái ách bạo ngược của người La Mã và đưa dân Y-sơ-ra-ên vùng lên. Nhưng điều thắc mắc đó đã bị lệch lạc. Quan điểm của họ về vương quốc của Đấng Christ chỉ là vấn đề chính trị và có tính chất trần thế này bị giới hạn trong một lãnh vực và hoàn toàn mất đi những khía cạnh sâu xa hơn của thập tự giá và sự phục sinh.

Chúa lập tức sửa sai họ: “Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết” (Công Vụ 1:7). Ánh mắt háo hức của họ có lẽ đã sụp xuống sau những lời nói này. Nhưng một sự rung động mới đã lấp đầy trái tim họ, tấm lòng họ khi Chúa Giê-xu tuyên bố về ngày Chúa trở lại, “các ngươi sẽ làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8). Trong lời tuyên bố đó, Chúa Giê-xu đã bày tỏ trực tiếp cho Hội Thánh một mệnh lệnh mạnh mẽ và một chương trình hành động. Quả thật đó là một nhiệm vụ phi thường: Truyền bá Phúc âm toàn cầu! Chúng ta ngày nay cũng phải đem Phúc âm đến mọi nơi trên khắp trái đất.

Nhưng còn một điều chắc chắn nếu chúng ta muốn thấy công tác này hoàn thành, là chúng ta phải nắm chặt lấy bản chất của Phúc âm, đó là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16)

Như vậy, Phúc âm là gì? Hãy xem xét lại những lời mà Phi-e-rơ đã rao giảng trong ngày lễ Ngũ tuần, hay ở những bài giảng khác được ghi trong sách Công Vụ. Hoặc xem những gì Phao-lô đã viết cho người Cô-rinh-tô: “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy,… Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:1, 3-4).

Phúc âm không tập trung vào những chương trình hay cách thức chúng ta thờ phượng, hoặc là những đặc thù của hệ phái chúng ta. Phúc âm đặt trọng tâm vào Chúa Giê-xu Christ, Con độc sanh của Đức Chúa Trời, đã bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để cứu vớt chúng ta. Phúc âm bảo đảm rằng đời sống chúng ta sẽ được thay đổi khi chúng ta nương dựa vào Đấng Christ trong sự ăn năn, đức tin và sự tái sinh bởi Đức Thánh Linh. Nhờ Phúc âm chúng ta được tha thứ các tội lỗi mình và hoà thuận lại với Đức Chúa Trời , trở nên thành viên trong gia đình Ngài mãi mãi. Đó là Phúc âm!

“Tin Lành của Chúa Giê-xu Christ là tin tức, tin tức tốt lành: tin tức tốt đẹp và quan trọng nhất mà mọi người từng nghe”. Các nhà truyền giáo đầu tiên đã giới thiệu tất cả những điểm trên cách rõ ràng và đầy quyền năng. Đó cũng là thông điệp của các nhà truyền giáo ngày nay nữa, dù mang tính chất cá nhân hay trên bục giảng. Một khi Phúc âm được công bố cách trung thành và đầy đủ, chúng ta sẽ khám phá được quyền năng trong đó. Chúng ta phải rao giảng toàn bộ Phúc âm, không phải là lặp lại những lời nói sáo rỗng, rập khuôn hay những lời giáo huấn đạo đức. Điều mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải truyền giảng đó là chân lý Phúc âm như Ngài đã bày tỏ cho chúng ta qua lời Ngài, là quyển Kinh Thánh. Kinh Thánh là nguồn của sứ điệp chúng ta và chúng ta phải rao giảng trung thực, không thêm không bớt sứ điệp Thánh Kinh về sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ vì chúng ta.

Đó là lý do tại sao trong các chiến dịch truyền giảng tôi luôn luôn giảng ít nhất là một bài giảng dựa vào Giăng 3:16 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.
Đúng vậy, trong những ngày này chúng ta hãy tái khẳng định chân lý Phúc âm.

Thứ hai, hãy tái khẳng định sự ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm.
Nếu Phúc âm là chân lý thì việc rao truyền nó cho mọi người phải được đặt ở vị trí hàng đầu trong đời sống và chức vụ của chúng ta.

Một điều trở nên rất hiển nhiên, rõ ràng khi chúng ta nghiên cứu các chương đầu của sách Công Vụ (và cả phần còn lại của Tân Ước nữa): Hội Thánh đầu tiên đã dành ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm. Khi phải đối mặt với sự bắt bớ họ đã cầu xin, “Này, xin Chúa hãy xem xét sự họ ngăm dọa và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ” (Công Vụ 4:29). Khi bị cấm rao giảng, Phi-e-rơ đã trả lời, “Chúng tôi không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công Vụ 4: 20). Một trong những lời cầu nguyện thường xuyên của tôi cho hội nghị này là xin Chúa cho Hội Thánh toàn cầu đặt ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm. Đôi khi chúng ta quên mất điều đó. Hội Thánh thực hiện việc này chỉ trong một thế hệ rồi sau đó mất hẳn. Thế giới cần được truyền giảng trong mọi thế hệ.

Tất nhiên chinh phục những người bị hư mất cho Đấng Christ không phải bao gồm mọi chuyện mà Hội Thánh được kêu gọi phải làm. Chúng ta được kêu gọi môn đệ hóa như Chúa Giê-xu đã phán qua việc “dạy cho họ giữ hết cả những điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:20). Chúng ta cũng được kêu gọi để thờ phượng và cầu nguyện, được kêu gọi để làm công tác từ thiện trong thế giới chúng ta. Chúng ta phải tham gia vào nhiều công tác giúp đỡ gia đình, giáo dục, xã hội. Tuy nhiên, công tác truyền bá Phúc âm phải được đặt ưu tiên hàng đầu. Nó không giải quyết được tất cả mọi nan đề, nhưng nó vẫn phải là việc ưu tiên của chúng ta. Nguyện Đức Chúa Trời sẽ dùng kỳ hội nghị này để tái khẳng định sự ưu tiên cho việc truyền bá Phúc âm trong đời sống chúng ta và trong các Hội Thánh của chúng ta.

Vì lẽ gì mà việc truyền giảng Tin Lành phải là điều ưu tiên của chúng ta? Nó không đơn thuần chỉ là một công tác được duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhưng bởi vì sự hư mất và sự tuyệt vọng mà chúng ta đang nhìn thấy chung quanh mình. Chính vì thế giới của chúng ta đang ở trong sự kềm kẹp của Sa-tan, chúa tể của sự gian dối, lừa lọc. Chính vì chúng ta đang sống trong một hành tinh bị bóp méo và làm cho sai lạc bởi tội lỗi. Nhân loại đang ở trong tình trạng nổi loạn chống lại Đấng Tạo Hóa và không còn cách nào khác hơn là hòa thuận lại với Ngài. Quý vị đã nhìn thấy những điều đó chung quanh mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà theo như Ê-phê-sô 2:2 là “không có hy vọng và không có Đức Chúa Trời”.

Chúng ta có nhìn thấy tha nhân như cách Đức Chúa Trời nhìn thấy không? Việc yêu thương mà chúng ta có thể làm cho tha nhân là đem họ đến với Chúa Giê-xu Christ. Đấng duy nhất là “đường đi, lẽ thật và sự sống”(Giăng 14:6).

Dù vậy, công tác làm chứng không phải là một việc dễ dàng. Truyền bá Phúc âm thật sự thường diễn ra trong tình cảnh phải chịu nhiều hy sinh và đau khổ. Một số quý vị đến từ những nước rất khó khăn và có lẽ quý vị kinh nghiệm điều đó hơn tôi nhiều. Nhưng xin đừng bao giờ quên: Đấng Christ đã từ thiên đàng xuống nơi bần hàn nhất, Ngài sẵn sàng chịu hy sinh đến mức cùng cực nhất vì Ngài yêu chúng ta. Nguyện tình yêu ấy cũng chan chứa trong lòng chúng ta và khiến chúng ta ra đi chia sẻ cho người khác về Phúc âm biến đổi cuộc đời của Đấng Christ. Mong rằng đây sẽ là điều chúng ta dành ưu tiên sau khi rời Amsterdam này.

Thứ ba, chúng ta hãy tái khẳng định sự nương cậy nơi sự cầu nguyện và quyền năng của Đức Thánh Linh.

Hội Thánh đầu tiên được sinh ra trong môi trường cầu nguyện. Chúng ta đọc thấy điều này trong những ngày các môn đồ ở trên phòng cao, “Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện” (Công Vụ 1:14).Tiếp theo những ngày sau lễ Ngũ tuần, Kinh Thánh chép, “những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện,… Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh” (Công Vụ 2:42, 47). Khi đối mặt với chống đối, họ cầu nguyện. Kinh Thánh chép rằng: “Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ”(Công Vụ 4:31).

Nguồn động lực trong công cuộc truyền bá Phúc âm là gì? Nó không xuất phát từ các chương trình hay các tổ chức, nó không phụ thuộc vào kỹ thuật tối tân.

Khi tôi chào thăm quý vị ở tại trung tâm RF I – Amsterdam, quý vị có thể nhìn thấy tôi và tôi có thể nhìn thấy quý vị nhờ kỹ thuật tuyệt vời của truyền hình và vệ tinh. Nhưng, sức mạnh trong công tác truyền giảng không phải nhờ vào kỹ thuật. Nó chỉ đến từ Đức Chúa Trời. Chỉ duy nhất Đức Thánh Linh mới có thể đập vỡ những tấm lòng bằng đá của con người, mở mắt chúng ta ra để nhìn thấy chân lý Phúc âm. Lời cuối cùng Đức Chúa Giê-xu phán với các môn đồ của Ngài khi thăng thiên còn ghi khắc trong lòng và trí chúng ta: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8).

Có nhiều điều tôi không hiểu hết về sự cầu nguyện – cũng như có nhiều điều tôi không hiểu hết về công việc lạ lùng của Đức Thánh Linh. Nhưng tôi biết hai điều này liên quan mật thiết với nhau. Nhờ sự cầu nguyện chúng ta tuyên bố mình lệ thuộc vào Đức Chúa Trời, và nhờ sự cầu nguyện Đức Chúa Trời tuôn đổ Thánh Linh trên chúng ta và trên công tác của chúng ta. Những lúc gặp căng thẳng thì cầu nguyện là nền tảng cho những công việc vĩ đại của Đức Chúa Trời. Sự cầu thay xóa tan ưu sầu, làm bật lên những khúc ca thiên thượng. Tôi thường được hỏi rằng bí quyết để thành công trong việc rao giảng Phúc âm là gì, và tôi trả lời rằng nó gồm có ba yếu tố: cầu nguyện… cầu nguyện… và cầu nguyện!

Giống như chúng ta nhờ sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giê-xu Christ để được sự sống đời đời, thì mỗi ngày chúng ta cũng phải nhờ cậy quyền năng của Đức Thánh Linh đã ban xuống trong ngày lễ Ngũ tuần. Đức Chúa Trời muốn chúng ta kinh nghiệm sự đổ đầy Đức Thánh Linh thường xuyên mà hễ ai tin thì nhận được. Xin đừng nhầm lẫn: mặc dù các tín hữu có Đức Thánh Linh nhưng không phải tất cả đều kinh nghiệm sự đầy dẫy quyền năng của Ngài. Chỉ quyền năng của Ngài mới ban sức mạnh để làm cho chức vụ hiệu quả. Đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là đầy dẫy quyền năng trong chức vụ. Không có Đức Thánh Linh thì không có quyền năng, không kết quả, không có sự sống, không có gì cả!

Tình yêu, sức mạnh, sự rao giảng Phúc âm và sự năng động thuộc linh xuất phát từ đâu? Nó xuất phát chỉ từ một nguồn duy nhất: Đó sự hiện diện mạnh mẽ của Thánh Linh Đức Chúa Trời khi Ngài ngự trị và chiếm hữu đời sống chúng ta. Việc này sẽ xảy ra như thế nào? Nó xảy ra khi chúng ta quy phục Đức Chúa Giê-xu Christ, hằng ngày ăn năn về tội lỗi mình, tìm kiếm quyền năng Ngài để trở nên càng giống Christ trong sự thánh khiết và tình yêu. Có tội lỗi nào kín giấu trong đời sống quý vị ngăn trở sự hiệu quả của chức vụ quý vị không?

Khi chúng ta rao giảng Phúc âm, Đức Thánh Linh hành động và chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Đó là lý do tại sao khi rao giảng, tôi luôn trích chính xác từng lời trong Kinh Thánh. Đối với tôi những lời bảo đảm chắc chắn nhất được tìm thấy trong Ê-sai: “Vả, như mưa và tuyết xuống từ trên trời, và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất đai, làm cho sanh ra và kết nụ… lời nói của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn đều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55:10-11). Phao-lô cũng đã nói: “Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép, hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:4-5).
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi muốn thêm vào điều tôi tìm thấy trong khi tôi giảng, đó là có sự khác nhau giữa sự tự do và quyền năng. Thật là một cảm xúc tuyệt vời khi có sự tự do trong khi giảng. Nhưng đôi lúc tôi cảm nhận được quyền năng lớn lao khi tôi có ít sự tự do khi rao giảng. Đó là do Đức Chúa Trời hành động qua Thánh Linh Ngài dù tôi có cảm giác hay xúc động ra sao.

Cuối cùng, hãy tái khẳng định tận dụng hết mọi phương tiện Đức Chúa Trời ban cho để công bố Phúc âm.

Hội Thánh đầu tiên đã không nhờ vào kỹ thuật tiến bộ, nhưng họ dùng mọi phương pháp, mọi phương tiện tùy theo hoàn cảnh của mình. Kinh Thánh ghi lại: “Ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, sứ đồ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu, tức là Đấng Christ” (Công Vụ 5:42)

Một vài người mới đây nhắc lại với tôi rằng, khi chúng ta tổ chức một hội nghị như thế này mười bốn năm về trước, chúng ta không có máy fax, điện thoại, email hay Internet để hỗ trợ. Chúng ta hãy suy nghĩ về những thay đổi trong vòng mười bốn năm tới sẽ mang lại! Kỹ thuật công nghệ không phải là tất cả, nhưng nó là một món quà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong lúc này nhằm giúp chúng ta trong việc rao giảng Phúc âm đến cùng trái đất. Đối với thời kỳ đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta cũng có thể đi đến cùng trái đất vì Đấng Christ.

Xin đừng bao giờ quên rằng Sa-tan cũng sẽ dùng những phương tiện mới mẻ khiến con người làm nô lệ cho nó. Còn chúng ta đem sự tự do trong Đấng Christ cho mọi người, tại sao chúng ta không nỗ lực nhiều hơn nữa? Trong kỳ hội nghị này, chúng ta được tiếp cận với những phương tiện, công cụ mới mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong thời đại này, hãy sử dụng nó để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Điều đó không có nghĩa là mỗi người chúng ta khi rời Amsterdam sẽ hoạch định việc sử dụng những tiến bộ kỹ thuật cho Hội Thánh mình. Có thể nó sẽ không thể thực hiện được ở nơi quý vị sinh sống. Nhưng Đức Chúa Trời có những công cụ khác mà Ngài muốn trang bị cho chúng ta. Đó có thể là sự hiểu biết rộng hơn về cách thức soạn một bài giảng, cách kêu gọi, cách chinh phục một làng cho Đấng Christ. Có thể đó là cách nắm bắt vấn đề để lời nói của quý vị đáp ứng được nhu cầu của người nghe, hay cách tổ chức công việc hiệu quả hơn, với kết quả to lớn hơn. Nhưng bây giờ hãy cầu xin Đức Chúa Trời trang bị cho chúng ta, để chúng ta sẽ là một công cụ sắc bén và hiệu quả trong cánh tay Ngài.

Lời kết luận
John Wesley, nhà truyền giáo lỗi lạc thế kỷ 18, người có công thành lập Hội Thánh Giám Lý, một lần đã nói, “Hãy cho tôi ba mươi người không yêu mến điều gì khác hơn ngoài yêu mến Đức Chúa Trời, không ghét gì khác hơn ngoài ghét tội lỗi, và chỉ tìm kiếm vinh quang Đức Chúa Trời mà thôi, thì tôi sẽ làm cho cả thế giới bùng cháy”.
Trong số quý vị chắc đã có nghe về vẻ đẹp của công viên quốc gia Yosemite tại California, Hoa Kỳ. Tôi nhớ đến một cảnh tượng ngoạn mục gọi là “Thác lửa”, người ta thường đến ngắm nó mỗi đêm mùa hè. Một ngọn lửa vĩ đại được đốt cháy cao lên trên bề mặt thung lũng nơi mọi người tập hợp lại để xem quang cảnh kỳ vĩ này. Khi ngọn lửa rực cháy, phô bày sự đường bệ của nó, một giọng nói vang lên trong đêm thanh vắng: “Hãy tuôn lửa xuống”. Ngay lúc ấy, một cảnh tượng thật ngoạn mục, như một thác nước các mẩu than hồng đỏ rực tuôn trào đổ xuống nền đá. Đó là một cảnh tượng không thể quên cho những ai đã nhìn thấy.
Trong một thời đại mà thế giới đầy sự hoài nghi, ngờ vực, ghẻ lạnh, nơi mà ngọn lửa và sự nồng ấm của Đức Chúa Trời thiếu vắng giữa các con dân Ngài, lòng tôi luôn thổn thức “Xin hãy đổ lửa xuống!”
Mong rằng đây là điều mỗi người chúng ta nên cầu nguyện. Ôi Đức Chúa Trời! Xin hãy đổ lửa xuống; khuấy động tinh thần con, dạy dỗ tâm trí con; quăng đi gánh nặng của lòng con; trang bị cho con; đốt cháy đời sống con bằng ngọn lửa thánh khiết của Đức Thánh Linh. Chúa ơi! Xin hãy đổ lửa của Ngài xuống – bắt đầu từ chính mình con!

Thứ bảy ngày 29 tháng 7 năm 2000

Trịnh Phan dịch

Podcasts

Latest sermons